Phiên xét xử sơ thẩm vụ án tại Tập đoàn FLC liên quan đến Trịnh Văn Quyết đã khép lại, TAND thành phố Hà Nội đã công bố bản án.
Vụ án này liên quan đến hơn 63.000 nhà đầu tư sở hữu ROS tại thời điểm cổ phiếu bị hủy niêm yết. Dù không phải tất cả đều mua cổ phiếu ROS từ khi lên sàn, nhưng vẫn bị ảnh hưởng và được xác định là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan.
Bà La Mỹ Phượng chưa có động thái yêu cầu bồi thường thiệt hại vài chục tỷ đồng
Trong suốt quá trình điều tra và xét xử, có 27.881 nhà đầu tư đã yêu cầu bồi thường thiệt hại, với tổng số tiền lên tới hơn 1.700 tỷ đồng, tương ứng với mức bồi thường 5.466 đồng/cổ phiếu.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều nhà đầu tư sở hữu cổ phiếu ROS chưa có tên trong danh sách được bồi thường. Theo bản án, những nhà đầu tư này có quyền khởi kiện trong một vụ án dân sự khác nếu có yêu cầu.
Đáng chú ý, trong danh sách những nhà đầu tư không yêu cầu bồi thường, có nhiều người sở hữu lượng lớn cổ phiếu ROS khi cổ phiếu này bị hủy niêm yết, trong đó La Mỹ Phượng là một cái tên nổi bật.
Bà La Mỹ Phượng đã trở thành một cái tên quen thuộc trên thị trường chứng khoán nhờ vào việc sở hữu họ tên độc đáo và thường xuyên thực hiện các giao dịch mua bán lượng lớn cổ phiếu.
Trong phụ lục 3.2 kèm theo bản án, bà La Mỹ Phượng sở hữu nhiều tài khoản chứng khoán, trong đó ít nhất 2 tài khoán còn hơn 3,87 triệu cổ phiếu ROS đến thời điểm huỷ niêm yết. Với mức được công bố 5.466 đồng/cổ phiếu, bà Phượng có thể nhận khoảng 21 tỷ đồng nếu yêu cầu bồi thường.
Một phần thông tin trong phụ lục 3.2 đính kèm bản án vụ Trịnh Văn Quyết
>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Vì sao danh sách nhà đầu tư được bồi thường 1.700 tỷ chỉ có 28.000 người?
Nhà đầu tư quen mặt, là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp
Không chỉ cổ phiếu ROS, bà La Mỹ Phượng còn ưa thích đầu tư vào các cổ phiếu khác thuộc “họ” FLC. Vào tháng 8/2021, bà Phượng đã mua thêm cổ phiếu ART (chứng khoán BOS), nâng số lượng sở hữu lên hơn 5,82 triệu đơn vị, tương ứng 6,01% cổ phần.
Ngoài nhóm cổ phiếu FLC, bà Phượng còn là cổ đông lớn của nhiều doanh nghiệp khác. Tháng 10/2023, bà mua thêm 690.000 cổ phiếu DHA của CTCP Đá Hóa An, nâng tổng sở hữu lên hơn 1,38 triệu cổ phiếu, chiếm 9,38% cổ phần. Hiện tại, giá trị của số cổ phiếu này khoảng 57 tỷ đồng.
Bà Phượng cũng có tên trong danh sách cổ đông lớn của CTCP Chứng khoán SBS với hơn 9,98 triệu cổ phiếu SBS, và CTCP Chứng khoán Đầu tư Tài chính Việt Nam (VIG) với 2.338.700 cổ phiếu. Tổng giá trị các khoản đầu tư này ước tính khoảng 72 tỷ đồng.
Tại Tổng CTCP Xây dựng Điện Việt Nam (Vneco – VNE), bà Phượng đã là cổ đông lớn từ nhiều năm trước. Tháng 10/2023, bà mua thêm hơn 4,8 triệu cổ phiếu, nâng tổng sở hữu lên hơn 9,52 triệu đơn vị, với giá trị ước tính khoảng 37 tỷ đồng.
Ngoài ra, bà Phượng còn sở hữu lượng lớn cổ phiếu tại các doanh nghiệp khác như CTCP Năng lượng và Bất động sản MCG và Nagakawa. Tổng giá trị tài sản chứng khoán của bà Phượng, không tính cổ phiếu ROS, ước tính khoảng 200 tỷ đồng.
Một số doanh nghiệp mà bà La Mỹ Phượng là cổ đông lớn
>> BIDV và VietinBank đang ‘ôm’ cả 4 bất động sản bị kê biên của Trịnh Thị Minh Huế
Vị doanh nhân người Hoa sở hữu loạt doanh nghiệp
Không chỉ là một nhà đầu tư, bà La Mỹ Phượng còn là chủ sở hữu và điều hành nhiều doanh nghiệp, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất sơn. Bà là người dân tộc Hoa, mang quốc tịch Việt Nam.
Một số doanh nghiệp do bà Phượng sở hữu bao gồm Doanh nghiệp Tư nhân Thanh Phụng, Công ty TNHH MTV La Nguyên, Công ty TNHH Poly Park, Công ty TNHH Đầu tư Sản xuất Thương mại Tân An Viên, và Công ty 4 Oranges Co.Ltd.
– Doanh nghiệp tư nhân Thanh Phụng thành lập tháng 6/2004, chuyên sản xuất sơn, vecni…, vốn điều lệ 60 tỷ đồng. Tháng 6/2016 công ty tăng vốn điều lệ lên 160 tỷ đồng.
– Công ty TNHH MTV La Nguyên thành lập tháng 11/2017 do bà La Mỹ Phượng làm Tổng Giám đốc và là chủ doanh nghiệp.
– Công ty TNHH Poly Park thành lập tháng 12/2007 tại Long An, do bà La Mỹ Phượng làm Tổng Giám đốc. Công ty có vốn điều lệ 16 tỷ đồng, trong đó 2 tổ chức nước ngoài là cổ đông góp vốn, gồm East Preston Associates Limited (60%) và Asia Leader International Investment Limited (10%). Ở trong nước, Công ty TNHH Kim Phước góp 30%.
– Công ty TNHH Đầu tư sản xuất thương mại Tân An Viên thành lập tháng 11/2018, ban đầu do bà La Mỹ Khanh làm Giám đốc, chủ doanh nghiệp. Tháng 8/2019 bà La Mỹ Phượng thế chỗ, là chủ doanh nghiệp.
Những thương hiệu sơn do 4 Oranges sản xuất và phân phối
>> Vụ Trịnh Văn Quyết: Công khai bản án kèm danh sách gần 28.000 bị hại có yêu cầu bồi thường
Đáng chú ý, 4 Oranges Co.Ltd nổi bật với vốn điều lệ 169 tỷ đồng và là nhà sản xuất và phân phối các thương hiệu sơn nổi tiếng như MyColor, Spec, Expo, và SonBoss tại Việt Nam.
Công ty 4 Oranges Co.Ltd thành lập tháng 5/2008, có 2 cổ đông nước ngoài gồm East Preston Associates Limited (28,05%) và Asia Leader International Investment Limited (22,95%). Cổ đông trong nước là Công ty La Nguyên (do bà La Mỹ Phượng làm chủ), sở hữu 49%.
Mặc dù bà La Mỹ Phượng là Giám đốc và Công ty La Nguyên sở hữu 49% cổ phần, nhưng 4 Oranges vẫn được giới thiệu là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài thuộc Tập đoàn Asia Leader International Investment.
>> Trịnh Văn Quyết và 2 em gái phải truy nộp, bồi thường bao nhiêu tiền?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/bi-an-la-my-phuong-doanh-nhan-so-huu-luong-lon-co-phieu-ros-chua-doi-boi-thuong-152123.html