(BKT) Có hai yếu tố thường ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (DN) xây dựng là “không có hợp đồng xây dựng mới” và “giá nguyên vật liệu tăng cao”.
Bà Nguyễn Thị Hương – Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê phân tích, nếu trong quý I, II/2023, yếu tố “giá nguyên vật liệu tăng cao” ảnh hưởng nhiều nhất đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN thì trong quý III, với nỗ lực của các Bộ, ngành, địa phương trong việc bình ổn giá nguyên vật liệu xây dựng thì yếu tố ảnh hưởng nhiều nhất đến các DN là “không có hợp đồng xây dựng mới”.
Doanh nghiệp xây dựng còn rất khó khăn
Dự báo quý IV/2023 so với quý III/2023, các DN xây dựng nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh tốt lên với 26% DN dự báo hoạt động sản xuất, kinh doanh thuận lợi hơn; 40% nhận định giữ ổn định và 34% dự báo khó khăn hơn.
Chỉ có 25,5% DN xây dựng nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh quý III/2023 của DN thuận lợi hơn quý II, trong khi có tới 39,2% DN nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh giữ ổn định và 35,3% DN nhận định hoạt động sản xuất, kinh doanh khó khăn hơn.
Xét trên chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành xây dựng quý III/2023 cho thấy, so với quý II, chỉ số này -9,8%. Nhận định về quý IV, các chuyên gia nghiên cứu của Tổng cục Thống kê cho rằng, chỉ số cân bằng xu hướng sản xuất, kinh doanh ngành xây dựng sẽ tốt hơn với dự kiến -8%.
Về chi phí sản xuất, 46,3% DN nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng của quý III tăng so với quý trước; 33,5% DN nhận định không thay đổi, 20,2% DN nhận định tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm.
Dự báo quý IV, có 45,7% DN cho rằng tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm tăng; 38,4% DN dự báo không đổi và 15,9% DN dự báo tổng chi phí sản xuất trên một đơn vị sản phẩm giảm – kết quả điều tra của Tổng cục Thống kê nêu rõ.
Xem xét trên khía cạnh chi phí nguyên vật liệu trực tiếp, 49% DN cho rằng chi phí này tăng trong quý III; 32,7% DN nhận định không đổi và 18,3% DN cho biết giảm. Có 47,8% DN dự báo chi phí này tiếp tăng trong quý IV; 37,4% DN nhận định không đổi và 14,8% DN dự báo giảm.
Tương tự, về chi phí nhân công trực tiếp, 40,5% DN cho biết chi phí tăng; 42,1% DN chia sẻ là chi phí không đổi và 17,4% DN cho biết chi phí giảm trong quý III. Tiếp tục có 41,3% DN dự báo chi phí nhân công trực tiếp quý IV sẽ tăng; 44,9% DN nhận định không đổi và 13,8% DN dự báo chi phí giảm.
Liên quan đến hợp đồng xây dựng mới, trong quý III, chỉ có 22,9% DN có số lượng hợp đồng xây dựng mới tăng so với quý trước; trong khi có tới 49,3% DN nhận định không có sự thay đổi về số lượng hợp đồng xây dựng mới; 27,8% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, dự báo trong quý IV, các DN nhận định hợp đồng xây dựng mới nhiều hơn quý III với 24,7% DN nhận định tăng; 50,9% DN nhận định không thay đổi; 24,4% DN nhận định số lượng hợp đồng xây dựng mới giảm.
Doanh nghiệp cần được hỗ trợ tiếp cận vốn
Kết quả khảo sát quý III/2023 cho thấy, có 20,5% DN đánh giá hoạt động dưới 50% năng lực thực tế của DN; 32,7% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 50% đến dưới 70% năng lực thực tế; 28,3% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 70% đến dưới 90%; 16,3% DN đánh giá năng lực hoạt động từ 90 đến 100%; 2,2% DN đánh giá DN hoạt động trên 100% năng lực thực tế của DN.
Về tiếp cận vốn vay, kết quả cho thấy, có 76,2% DN vay vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh và 77,7% trong số đó là vay ngân hàng; 11,7% vay người thân, bạn bè; 6,1% vay tổ chức tín dụng khác; 2,9% vay nhân viên ngân hàng, tổ chức tín dụng không qua thủ tục chính thức; 1,6% vay từ các nguồn khác.
Trong số các DN có vay vốn ngân hàng phục vụ sản xuất, kinh doanh, chỉ có 26,4% DN tiếp cận được các khoản vay ưu đãi; 73,6% DN không tiếp cận được các nguồn vay ưu đãi.
Bà Nguyễn Thị Hương cho biết, trước thực tế này, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, các DN xây dựng đã đưa ra một số kiến nghị.
Trong đó, 47,1% DN đề nghị được hỗ trợ về vốn cho sản xuất, kinh doanh như được vay vốn ưu đãi, thủ tục vay vốn thuận lợi và nhanh chóng hơn, giảm lãi suất cho vay; 45,7% DN đề nghị được hỗ trợ về nguyên vật liệu như đảm bảo nguồn cung và bình ổn giá nguyên vật liệu; 37,5% DN đề nghị thông tin đấu thầu cần công khai, minh bạch.
Cùng với đó, 33,3% DN đề nghị tiếp tục cắt giảm thủ tục hành chính; 24,7% DN đề nghị được bàn giao mặt bằng đúng tiến độ để đảm bảo thời gian thi công đúng hợp đồng đã ký kết; 23,3% DN đề nghị phải có chế tài xử phạt các chủ đầu tư chậm thanh quyết toán nợ đọng xây dựng cơ bản để DN xây dựng quay vòng vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Ngoài ra, các DN, nhà thầu xây dựng cũng cho rằng, giá nguyên vật liệu đã được kiểm soát và bình ổn, tuy nhiên, giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng không nhỏ tới chi phí vận hành máy móc, chi phí vận chuyển nguyên vật liệu. Mặt khác, giá các nguyên liệu khác như cát, đá, sỏi tăng do chính sách quản lý về khai thác tài nguyên bị thắt chặt.
Vì vậy, các DN mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những biện pháp kịp thời để điều chỉnh và bình ổn giá xăng, dầu; tháo gỡ vướng mắc trong giấy phép khai thác cát, đá, sỏi để đảm bảo nguồn cung ứng và giảm giá thành.
Hiện nay, đơn giá, định mức của một số công trình, dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước chưa theo kịp thực tế thị trường nên tiến độ thi công và giải ngân vốn đầu tư công của các dự án, công trình bị chậm. Vì vậy, các DN cho rằng phía cơ quan quản lý nhà nước cần rà soát và cập nhật định mức của một số công trình phù hợp với thực tế.
Thực tế cũng cho thấy, quy trình hoàn thiện hồ sơ xây dựng còn rườm rà, quá trình thi công còn phát sinh nhiều thủ tục; sự phối hợp giữa cơ quan quản lý nhà nước và chủ đầu tư có lúc chưa chặt chẽ, chưa kịp thời dẫn đến quá trình thi công xây dựng bị gián đoạn nên nhà thầu không đảm bảo được tiến độ và chất lượng.
Do đó, các nhà thầu kiến nghị được gia hạn thời gian thi công công trình mà không bị phạt chậm tiến độ nếu lỗi không phải do nhà thầu; đồng thời cắt giảm thủ tục hành chính, hướng dẫn cụ thể cho chủ đầu tư nhanh chóng hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư xây dựng để nhà thầu tập trung thi công.