Sau hai năm kinh doanh đột phá, CTCP Vận tải về Xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) vươn lên trở thành doanh nghiệp vận tải biển quy mô lớn nhất trên sàn chứng khoán. Nếu nhìn xuyên suốt quãng thời gian 10 năm qua, HAH từ vị thế nhỏ bé nhất ngành đã lột xác ngoạn mục, trong bối cảnh các đơn vị khác suy yếu. Năm ngoái, công ty đạt kỷ lục về cả doanh thu và lợi nhuận ròng, lần lượt ghi nhận 3.250 tỷ đồng và 822 tỷ đồng, gấp rưỡi kế hoạch.
Nước lên thuyền lên, nhưng ở trường hợp này không phải là con nước thông thường mà là cơn sóng thần với ngành vận tải biển. Năm 2021, đại dịch Covid-19 hoành hành, chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy gây nên khủng hoảng thiếu tàu và vỏ container. Giá cước vận chuyển container gấp 5 – 6 lần so với trước đại dịch. Giá cước nội địa tăng theo, cùng với việc tận dụng cơ hội cho thuê tàu ra thị trường nước ngoài giúp kết quả kinh doanh của các hãng tàu đều ở mức cao. Với riêng HAH, công ty đã đẩy mạnh đầu tư đội tàu nhằm tận dụng điều kiện thị trường thuận lợi.
Đến hết năm 2022, HAH xây dựng được đội tàu container 11 chiếc, trọng tải 15.900 TEU, gấp 3 lần năm 2019. Công ty cho biết đang sở hữu đội tàu container lớn nhất và trẻ nhất Việt Nam, lọt top 100 hãng tàu container thế giới.
Tình hình thị trường vẫn thuận lợi cho đến tháng 6 năm ngoái. Tuy nhiên, bắt đầu từ tháng 7/2022, lạm phát cao khiến cho sức mua và khối lượng vận tải toàn cầu sụt giảm. Giá cước vận tải container “rơi thẳng đứng”, nhiều tuyến giảm tới 80%. “Có tuyến từ Trung Quốc về Việt Nam đã áp dụng mức giá cước bằng 0, nhiều hãng tàu lỗ, phải bỏ tuyến hoặc cho tàu nằm chờ hàng”, Hải An đưa thông tin.
Mặc dù vẫn đạt kết quả kinh doanh tương đối tốt trong nửa cuối năm ngoái, nhưng cả doanh thu và lợi nhuận của Hải An đã đạt đỉnh vào quý 2/2022. Biên lợi nhuận gộp trong quý 1/2023 của hãng vận tải biển rơi về mức 29%, so với gần 47% quý 2/2022. “Giá cước vận chuyển và thuê tàu ở mức thấp nhất vào tháng 2/2023”, Hải An cho biết.
Trong quý 2 năm nay, thị trường cho thuê tàu dự kiến được cải thiện. So với mức đáy tháng 2, giá thuê đã tăng 15%. Tuy nhiên tuyến nội địa vẫn trong giai đoạn thấp điểm, dự kiến đến tháng 8. Do đó, giải pháp cho thuê được công ty tận dụng nhằm đảm bảo hiệu quả đội tàu.
Điều kiện kinh doanh khó khăn khiến công ty đặt kế hoạch cho năm nay thận trọng hơn đáng kể, doanh thu 2.959 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 492 tỷ đồng, giảm 41% so với năm 2022.
Khi giá cước vận chuyển và giá cho thuê tàu ở mức thấp, hiệu quả đầu tư đội tàu của Hải An sẽ giảm sút. Với việc trọng tải đội tàu hiện nay đang gấp 3 lần so với năm 2019, Hải An đã đầu tư số tiền không nhỏ, nhất là trong hai năm qua. Một phần tài trợ đến từ vốn vay, khiến cho nợ vay cả ngắn/dài hạn của công ty gia tăng nhanh chóng. Tỷ lệ nợ vay ngắn/dài hạn trên vốn chủ sở hữu tăng từ 0,26 lần năm 2019 lên 0,46 lần cuối năm ngoái. Cùng giai đoạn, hệ số nợ/vốn chủ sở hữu tăng từ 0,46 lên 0,75.
Trong năm nay, Hải An vẫn sẽ tiếp tục đầu tư đóng mới 3 tàu trọng tải 1.800 TEU, vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng, đã được ĐHĐCĐ 2022 phê duyệt. Ngoài ra, công ty tìm mua tàu cũ thích hợp khi có cơ hội để bổ sung đội tàu. Công ty dự kiến phát hành tối đa 500 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi riêng lẻ trong giai đoạn 2023 – 2024 nhằm phục vụ hoạt động đóng mới tàu.