Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đang trên đà giảm. Theo chuyên gia, đây là xu hướng không tránh khỏi, khi quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu diễn ra mạnh mẽ. Đã đến lúc, Việt Nam cần nhìn lại, kịp thời điều chỉnh chiến lược thu hút FDI, nâng vị thế cho doanh nghiệp nội địa, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút, giữ chân dòng vốn FDI.
Cần chiến lược mới đón ‘đại bàng’, giữ chân doanh nghiệp FDI
Theo Cục Đầu tư Nước ngoài – Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/3, tổng vốn FDI vào Việt Nam đạt gần 5,45 tỷ USD, chỉ bằng 61,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) – nhận định, việc dòng vốn FDI vào Việt Nam sụt giảm là xu hướng tất yếu, không tránh khỏi khi quá trình tái cấu trúc thương mại toàn cầu diễn ra mạnh mẽ.
Ông Cường nhấn mạnh, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu với thuế suất 15% sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách ưu đãi, thu hút FDI của Việt Nam. Điều này có thể gây xáo trộn chiến lược về địa điểm đầu tư và cách thức hoạt động của các công ty đa quốc gia.
Ưu đãi về thuế không còn là lợi thế, đã đến lúc Việt Nam cần nhìn lại chiến lược thu hút FDI để chuyển mình, thích nghi với bối cảnh mới.
Theo ông Cường, một trong những chiến lược ứng phó là Việt Nam cần chuyển nhanh trên bước thang giá trị trong chuỗi sản xuất. Nếu không chuyển mình nhanh chóng sang những ngành công nghiệp đòi hỏi kỹ thuật cao, Việt Nam sẽ tụt hậu trong quá trình tái cấu trúc dòng vốn đang diễn ra mạnh mẽ.
Ông Cường cho rằng, bài toán cần giải quyết lúc này là xây dựng khối kinh tế tư nhân với những doanh nghiệp vừa, đủ sức đồng hành cùng doanh nghiệp FDI trong chuỗi giá trị.
“Hai khu vực này phải đi song song cùng nhau. Hình thành khối tư nhân lớn mạnh, đặc biệt doanh nghiệp trong ngành công nghiệp phụ trợ đủ chất lượng để có thể tham gia vào các công đoạn sản xuất của nhà đầu tư nước ngoài, bù đắp sự thiếu hụt linh kiện, trở thành môi trường hấp dẫn thu hút và giữ chân dòng vốn FDI”, ông Nguyễn Minh Cường nhấn mạnh
TS Phan Hữu Thắng – nguyên Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư – bày tỏ trăn trở, doanh nghiệp nước ngoài không thể chuyển giao, cho doanh nghiệp Việt Nam gia vào chuỗi cung ứng, nếu năng lực trong nước không đủ.
“Công nghiệp phụ trợ không phát triển, giá trị gia tăng không cao, Việt Nam sẽ mãi đi làm thuê. Doanh nghiệp phải liên kết để gia tăng giá trị của Việt Nam trong chuỗi sản xuất toàn cầu”, ông Thắng nhấn mạnh.
Nâng vị thế cho doanh nghiệp nội địa
Chính sách phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ đã có, nhưng theo TS Phan Hữu Thắng, điểm yếu của Việt Nam vẫn là khâu thực hiện. “Chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, phải rà soát ra những doanh nghiệp có đầy đủ điều kiện nhất, chọn ra các đơn vị có thể đi đầu trong 2-3 năm tới để nhà nước đóng vai trò bà đỡ. Chúng ta phải tập trung hỗ trợ những doanh nghiệp đấy mạnh lên, để có thể hợp tác với những doanh nghiệp FDI lớn”, ông Thắng đề xuất.
Bản thân các doanh nghiệp phụ trợ trong nước cũng đang gặp nhiều vướng mắc. Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn xa vời, nếu doanh nghiệp còn “loay hoay” với thị trường trong nước, không làm chủ được nguồn nguyên liệu, lao động.
Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo Công ty cổ phần chế tạo biến thế điện lực Hà Nội (MBT) trăn trở, sau 14 năm hoạt động, có thị phần máy biến áp và tủ điện chiếm tới 40% tại Việt Nam, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa làm chủ được nguồn cung nguyên vật liệu. Khi chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gẫy, doanh nghiệp dễ bị “tổn thương”, do hầu hết nguyên vật liệu đều phải nhập khẩu từ nước ngoài.
Ông Lê Lam – Phó Tổng Giám đốc phụ trách sản xuất của MBT – cho biết, doanh nghiệp đang phải trả 1,5 USD/ốc vít mua từ ngoài, dù giá trong nước chỉ là 1.000 đồng/cái. Doanh nghiệp đã thử nhiều sản phẩm nội địa, nhưng chất lượng chưa tương thích.
“Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đặc biệt là các hiệp hội trong vai trò quy tụ, kết nối nhu cầu giữa các doanh nghiệp, tạo điều kiện hợp tác tăng năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm để mở ra nhiều bạn hàng mới, đẩy mạnh tiêu thụ. Doanh nghiệp đã tính tới cơ chế đặt hàng, nhưng do yêu cầu chuyên biệt, sản lượng chưa cao nên khó tìm đối tác”, ông Lê Lam nói.
Nếu không thể tiết giảm chi phí nguyên vật liệu, tối đa doanh thu, ông Lê Lam lo lắng chưa nâng được lương công nhân, khó giữ nhân lao động giỏi. Để tuyển được lao động điều khiển máy móc công nghệ cao trong nhà máy cũng là điều không đơn giản. Doanh nghiệp mất nhiều thời gian đào tạo lại, nên rất sợ mất nhân công “cứng”.
Tuyển dụng lao động chất lượng cao cũng bài toán khó với nhiều doanh nghiệp trong ngành. Ông Nguyễn Hồng Phong – Giám đốc Công ty trách nhiệm hữu hạn Dụng cụ An Mi – cho hay, trong quá trình tuyển dụng hàng năm tại doanh nghiệp, chỉ có khoảng 30-40% lao động đạt yêu cầu ngay. Sau đó, doanh nghiệp mất nhiều thời gian đào tạo lại. Doanh nghiệp chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí chính xác này đang rất thiếu nhân viên kỹ thuật trong lĩnh vực gia công cắt gọt và tự động hoá.
Đào tạo nghề, lao động chất lượng cao cũng vướng nhiều thế khó. TS. Phạm Xuân Khánh – Hiệu trưởng trường Cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội (HHT) – thừa nhận, lượng học sinh lựa chọn học nghề hiện còn thấp, dù được đảm bảo đầu ra, thậm chí có thu nhập ngay trên ghế nhà trường, từ các chương trình hợp tác với doanh nghiệp.
Không chỉ vốn đăng ký giảm, vốn đầu tư thực hiện của các dự án đầu tư nước ngoài trong 3 tháng đầu năm 2023 cũng giảm so với cùng kỳ, đạt 4,3 tỷ USD, giảm 2,2%. Song, mức giảm này cũng đã cải thiện so với 2 tháng đầu năm
Vắng dự án lớn, thu hút FDI trong 3 tháng đầu năm giảm mạnh so với cùng kỳ 2022. Quý 1/2022, vốn FDI gia tăng đột biến với việc cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án LEGO, tổng vốn đăng ký 1,32 tỷ USD. Riêng dự án này đã chiếm tới 41% tổng vốn đăng ký mới trong 3 tháng năm 2022.