Sau khi 2 doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam trúng thầu cung ứng gạo cho Indonesia với giá thấp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) đưa ra đề xuất áp dụng giá sàn trong xuất khẩu gạo. Phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch Công ty CP Tập đoàn Tân Long – một trong những doanh nghiệp có nhiều năm kinh nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh, xuất khẩu gạo về đề xuất này.
Yếu tố tương lai sẽ quyết định xu hướng giá
Trước đề xuất của VFA về áp giá sàn cho gạo xuất khẩu, quan điểm của ông thế nào?
Tôi hoàn toàn không đồng ý với quan điểm của VFA khi đưa kiến nghị về áp giá sàn xuất khẩu gạo chỉ vì hai hợp đồng trúng thầu xuất khẩu gạo sang Indonesia với giá bình quân thấp hơn thị trường khoảng 15 USD/tấn trên tổng giá trị 580 USD/tấn. Với mức giá thấp hơn này không thể nói là doanh nghiệp phá giá.
Trong vận hành thị trường nông sản, không chỉ Việt Nam mà cả thế giới, đó là thị trường tương lai, nguồn cung ảnh hưởng rất lớn từ tác động thời tiết, mùa vụ, dịch bệnh, nên yếu tố tương lai quyết định xu hướng giá. Doanh nghiệp nào nhận định xu hướng giá tương lai giảm thì họ sẽ ký hợp đồng với mức giá giảm và họ vẫn có lãi.
Cụ thể trường hợp doanh nghiệp trúng thầu tại Indonesia, hợp đồng này doanh nghiệp ký xuất khẩu giao hàng tháng 7, có thể họ có thể nhận định giá gạo tháng 7 sẽ rớt khoảng 15 USD/tấn so với mức giá ở thời điểm bỏ thầu. Câu chuyện doanh nghiệp chủ động nhận định xu hướng giá để ký bán là quyền tự do của doanh nghiệp, không thể nói đây là phá giá.
Ngược lại nếu giá tăng thì doanh nghiệp vẫn phải giao hàng, chấp nhận chịu lỗ, đây là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp. Chúng ta không thể nói điều này ảnh hưởng lớn đến an ninh lương thực hay ảnh hưởng lớn đến người dân.
Nếu chỉ căn cứ vào việc này mà áp giá sàn xuất khẩu gạo như đề nghị của VFA thì tôi cho rằng việc này phi nguyên tắc thị trường.
Tôi xin nhấn mạnh, giá sàn sẽ không có giá trị gì khi giá thị trường quốc tế cao hơn giá sàn. Còn trong trường hợp giá thị trường quốc tế thấp hơn giá sàn thì cầu của thị trường sẽ mua gạo của các nước có giá tốt hơn như Thái Lan, Pakistan, Myanmar, Ấn Độ… và vô hình chung gạo Việt Nam sẽ không xuất khẩu được. Khi đó, giá sàn như một rào cản cấm xuất khẩu. Như vậy, làm cho người nông dân không bán được hàng, giá lúa nội địa sẽ giảm sâu. Thực tế câu chuyện này đã từng xảy ra nhiều năm trước, sau đó chúng ta đã bắt buộc phải bỏ giá sàn.
Mặc dù Chủ tịch VFA đã đưa ra đề xuất như vậy nhưng thực tế, VFA vẫn chưa thảo luận với bất kỳ doanh nghiệp nào trong ngành hàng lúa gạo, hay với các thành viên hiệp hội.
Là doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường lúa gạo, ông có thể phân tích kỹ hơn về tính phi thị trường trong đề xuất này?
Thị trường nông sản có đặc thù hơn so với các thị trường khác do có tính mùa vụ và chịu ảnh hưởng lớn bởi các yếu tố dịch bệnh, thời tiết. Mùa vụ khác nhau thì nguồn cung sẽ khác nhau. Ví dụ Việt Nam đang vào vụ Hè Thu, nhưng Thái Lan không có mùa vụ này, nên giá gạo Thái Lan chắc chắn sẽ cao hơn giá gạo Việt Nam do nguồn cung hạn chế, còn giá gạo Việt Nam đang giảm xuống vì nguồn cung đang rộ lên vì nguồn cung ở vụ Hè Thu rất lớn.
Ở Ấn Độ cũng vậy, họ đang có chính sách an ninh lương thực của đất nước nên họ hạn chế xuất khẩu. Tuy nhiên, chính sách này không thể kéo dài mãi, đến lúc nào đó nguồn cung nội địa dư dần, tồn kho nội địa lớn lên, Ấn Độ sẽ phải dỡ bỏ chính sách hạn chế xuất khẩu. Chỉ cần Ấn Độ dỡ bỏ chính sách này thì giá gạo thế giới sẽ giảm ngay.
Thực tế, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải ‘rón rén’, không dám mua hàng nhiều vì sợ tồn kho nhiều và đến khi Ấn Độ dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu thì giá sẽ giảm. Câu chuyện này, thời gian qua một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang Indonesia họ cũng xác định khả năng Ấn Độ có thể nới lỏng thì giá gạo xuất khẩu sẽ lại giảm. Do vậy, tôi xin nhắc lại, câu chuyện kiến nghị đưa giá sàn là điều phi thị trường.
Các nước xuất khẩu ngũ cốc trên thế giới, trong đó có lúa mì là mặt hàng giao dịch hàng năm lên tới mấy trăm triệu tấn nhưng chưa có nước nào có rào cản về giá sàn xuất khẩu mà hoàn toàn vận hành theo thị trường tự do.
Các nước xuất khẩu gạo quanh chúng ta như Myanmar, Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan cũng không có nước nào áp giá sàn xuất khẩu, cũng chưa thấy có nước nào có thị trường tập trung. Đã là doanh nghiệp thì bình đẳng, ai cũng có quyền giao dịch xuất khẩu, trừ những viện trợ của Chính phủ thì mới giao cho các doanh nghiệp thị trường tập trung để thực hiện các cam kết hỗ trợ của Chính phủ với các nước. Còn các thị trường khác thì hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Philippines trước đây áp dụng thị trường tập trung, Chính phủ nhập khẩu gạo và phân phối trong nước. Tuy nhiên, sau đó xuất hiện lợi ích nhóm và nhiều vấn đề khác nên nước này đã bỏ thị trường tập trung. Tôi nghĩ rằng Việt Nam cần nhìn những bài học của các nước xung quanh mình và thế giới về kinh tế thị trường.
Nông dân trồng lúa sẽ là người chịu tổn thất nặng nề
Nếu chúng ta áp giá sàn cho xuất khẩu gạo thì người trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng như thế nào, thưa ông?
Theo như VFA nói rằng hiện nay có một vài doanh nghiệp đang xuất khẩu giá thị trường, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của người nông dân. Tôi cho rằng điều này không đúng. Vì các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu giá thấp của Indonesia so với thị trường là họ nhận định tương lai giá gạo trên thị trường sẽ giảm. Và thực tế là mấy ngày nay giá đang giảm. Sản lượng họ ký chỉ 90 ngàn tấn so với tổng sản lượng xuất khẩu gạo mỗi năm của Việt Nam lên tới 7-8 triệu tấn thì không ảnh hưởng gì cả.
Nếu áp giá sàn, tôi khẳng định ngay lập tức giá nội địa sẽ giảm rất sâu. Như vậy, người nông dân trồng lúa sẽ chịu thiệt thòi nhiều nhất. Nhiều năm trước, Việt Nam cũng từng áp dụng giá sàn xuất khẩu gạo và người nông dân phải chịu gánh chịu nhiều ảnh hưởng của chính sách này.
Như ông nói, chúng ta không nên thực hiện những chính sách phi thị trường như vậy. Theo ông thì việc áp giá sàn sẽ dẫn đến những hệ lụy cụ thể nào?
Khi áp giá sàn sẽ xảy ra 2 trường hợp. Thứ nhất, thị trường vận hành theo quy luật cung cầu, giá thị trường quốc tế cao hơn giá sàn Việt Nam đưa ra thì sẽ không ảnh hưởng gì cả, doanh nghiệp vẫn xuất khẩu trên giá sàn bình thường. Trong trường hợp ngược lại, chúng ta định ra một giá sàn. Vậy đơn vị nào sẽ là người định giá sàn? Dựa trên yếu tố gì để định giá? Bởi giá là phải do người mua, người bán thiết lập, chứ không do một đơn vị nào định giá thị trường được.
Nếu họ định giá cao hơn giá thị trường quốc tế thì Việt Nam sẽ không xuất khẩu được. Điều này chẳng khác nào chúng ta cấm xuất khẩu, giá gạo trong nước giảm, người dân sản xuất lúa bị tổn thất nặng nề.
Rõ ràng, đây là câu chuyện rất phi lý. Nếu áp rào cản này, doanh nghiệp sẽ đối diện với tình trạng hàng tồn kho lưu mãi trong nước mà không xuất khẩu được.
Thứ hai, khi đã áp dụng giá sàn, mỗi lần thay đổi giá sàn phải có sự quyết định của Chính phủ, quy trình này sẽ mất nhiều thời gian, doanh nghiệp sẽ là bên bị nhiều thiệt hại. Việc áp dụng giá sàn cũng làm chính sách xuất khẩu, thị trường không linh hoạt theo thị trường thế giới. Hơn nữa, nếu áp dụng giá sàn thì sẽ có một đơn vị đứng ra xác định giá sàn và trình lên Thủ tướng. Các đơn hàng xuất khẩu của Việt Nam sẽ đều phải thông qua đơn vị này để đăng ký, khi đó mới có thể xuất khẩu được. Việc này đồng nghĩa là tạo thêm thủ tục hành chính, chi phí và tạo sự không thuận lợi cho doanh nghiệp, có thể nảy sinh cơ chế xin – cho, thiếu minh bạch. Giá của doanh nghiệp xuất khẩu cho đơn vị nào, giá bao nhiêu, lẽ ra là bí mật của doanh nghiệp nhưng lại phải công khai là rất vô lý.
Giá sàn là con dao tiêu diệt ngành nông nghiệp của Việt Nam. Việc quay lại áp giá sàn và thị trường tập trung tôi cho rằng Việt Nam nên quên đi, không quay lại nữa.
Đã từng có những bài học nhãn tiền
Như ông vừa chia sẻ, Việt Nam cũng từng áp giá sàn rồi huỷ bỏ. Câu chuyện này cụ thể như thế nào, thưa ông?
Trước đây Việt Nam đã từng áp giá sàn trong xuất khẩu gạo, sau đó giá gạo trong nước không xuất khẩu được. Nhiều tháng liền nông dân không bán được hàng vì doanh nghiệp tồn kho không xuất khẩu được. Khi không bán được hàng thì giá lúa gạo trong nước liên tiếp giảm sâu. Nông dân là bên chịu thiệt hại nặng nhất. Sau đó, Chính phủ phải bãi bỏ giá sàn. Đây là bài học nhãn tiền.
VFA dẫn điều 31 Luật Thương mại 2005 về việc áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế. Trong trường hợp cần thiết, để bảo vệ an ninh quốc gia và các lợi ích quốc gia khác phù hợp với pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Thủ tướng Chính phủ quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp đối với hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
Điều 31 chỉ áp dụng trong trường hợp khẩn cấp, các doanh nghiệp tham gia thương mại quốc tế, nếu như có dấu hiệu thao túng hoặc làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, người dân thì Chính phủ sẽ hành động khẩn cấp. Nhưng trong trường hợp này chưa phải là điều kiện khẩn cấp, viện dẫn điều 31 để kiến nghị áp giá sàn xuất khẩu gạo là thái quá, vì chỉ có 90 ngàn tấn, giá xuất khẩu chỉ giảm 15 USD/tấn so với giá hiện tại. Việc vin vào điều luật này là làm nặng nề vấn đề chứ tôi cho rằng không ảnh hưởng gì cả. Tôi khẳng định Việt Nam không cần lo đến an ninh lương thực vì mỗi năm chúng ta có ba vụ lúa, luôn có tồn kho, nên không thể thiếu gạo.
Thế nhưng rõ ràng việc doanh nghiệp bỏ thầu giá thấp cũng ít nhiều có những ảnh hưởng tiêu cực?
Những ảnh hưởng này chỉ trong ngắn hạn, sau đó thị trường sẽ vẫn vận hành theo quy luật, giá được xác định trên cơ sở người mua người bán quyết định, chứ không phải một ai đứng ở giữa quyết định giá này.
Là đơn vị kinh doanh lúa gạo nhiều năm, không chỉ có lúa gạo, chúng tôi còn kinh doanh ngũ cốc, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Chúng tôi cũng là doanh nghiệp nhập khẩu ngô, lúa mì, khô đậu tương… nhiều nhất Việt Nam nên hoàn toàn hiểu vận hành của thị trường.
Xin cám ơn ông!
Nguồn tin: https://cafef.vn/doanh-nghiep-lo-loi-ich-nhom-quay-lai-co-che-xin-cho-neu-ap-dung-gia-san-xuat-khau-gao-188240601101045943.chn