Kết thúc năm 2023, những doanh nghiệp trong hệ sinh thái của An Phát Holdings (mã chứng khoán: APH) đều đón nhận kết quả tích cực so với năm trước đó. Thậm chí, có những công ty còn tăng trưởng bằng lần.
Đầu tiên phải kể đến An Phát Holdings, công ty này ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 221 tỷ đồng gấp 3,8 lần năm 2022. Trong đó, đóng góp chủ yếu là nhờ sự tăng trưởng trở lại mảng sản xuất bao bì và báo lãi mảng thương mại hạt nhựa.
Doanh thu năm qua đạt 14.522 tỷ đồng, giảm 16% so với năm 2022 do giảm quy mô thương mại và giá hạt nhựa trung bình năm thấp hơn. Biên gộp cải thiện từ 8,8% năm 2022 lên 9,8% năm 2023. Chi phí tài chính và chi phí bán hàng giảm lần lượt 13% và 29% so với cùng kỳ. Lợi nhuận trước thuế khấu hao và lãi vay (EBITDA) đạt 1.098 tỷ đồng, biên EBITDA đạt 7,6%, tăng mạnh so với mức 5,3% năm 2022.
Tính riêng trong quý 4/2023 An Phát Holdings ghi nhận doanh thu thuần 3.186 tỷ đồng, giảm 20% so với cùng kỳ 2022 chủ yếu do giảm quy mô thương mại. Kết quả, lợi nhuận sau thuế của công ty đạt 98 tỷ đồng, cải thiện mạnh so với mức lỗ 162 tỷ đồng cùng kỷ 2022. Tổng tài sản tại 31/12/2023 đạt 12.324 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền đạt 2.505 tỷ đồng, tỷ lệ nợ ròng/vốn chủ sở hữu đạt 0,23 lần.
Không chỉ An Phát Holdings, Nhựa An Phát Xanh (AAA) cũng báo lãi tăng trưởng bằng lần trong năm 2023 vừa qua. Cụ thể, doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 311 tỷ đồng, gấp hơn 2,7 lần so với năm 2022, chủ yếu do mảng sản xuất bao bì tăng trưởng trở lại và mảng thương mại có lãi khi giá hạt nhựa diễn biến ổn định hơn trong năm 2023.
Biên gộp tăng mạnh từ 7,1% lên 8,8% dù doanh thu đạt 12.622 tỷ đồng, giảm 18% so với năm 2022 do giảm quy mô hoạt động thương mại và giá hạt nhựa trung bình năm thấp hơn. Đồng thời chi phí bán hàng giảm 23% do giảm cước vận tải so với mặt bằng cao năm 2022.
Tính riêng trong quý 4/2023, Nhựa An Phát Xanh ghi nhận doanh lợi nhuận sau thuế lần lượt đạt 92 tỷ đồng, cải thiện mạnh mẽ so với mức lỗ 149 tỷ đồng cùng kỳ năm 2022. Tổng tài sản hợp nhất tại ngày 31/12/2023 đạt 11.535 tỷ đồng, trong đó tiền và tương đương tiền đạt 2.435 tỷ đồng, tỷ lệ nợ vay ròng/vốn chủ sở hữu đạt 0,09 lần.
Còn CTCP An Tiến Industries (HII) ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 80 tỷ đồng, tăng trưởng vượt bậc so với mức lỗ 143 tỷ năm 2022, đóng góp chủ yếu do mảng thương mại có lãi trở lại khi giá hạt nhựa diễn biến ổn định hơn trong năm 2023. Doanh thu năm qua của doanh nghiệp đạt 7.882 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2022 do giảm quy mô thương mại và nền giá hạt nhựa năm 2023 thấp hơn 2022.
Cuồi cùng, CTCP Nhựa Hà Nội (NHH) trong quý cuối năm 2023 đã đạt 38 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, 2,5% so với cùng kì 2022 và gấp 2,2 lần so với quý 3/2023, đóng góp chủ yếu bởi phục hồi hoạt động mảng nhựa kỹ thuật và mảng nhựa xây dựng tăng trưởng.
Lũy kế năm 2023 NHH ghi nhận doanh thu và lợi nhuận sau thuế đạt 2.039 tỷ đồng và 96 tỷ đồng, giảm 14% so với năm 2022, chủ yếu do Công ty tái cấu trúc tập khách hàng và xử lý hàng tồn kho.
Nguồn tin: https://cafef.vn/doanh-nghiep-ho-an-phat-holdings-dong-loat-bao-ket-qua-kinh-doanh-tich-cuc-trong-nam-2023-188240130101021555.chn