Theo thông tin từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Đầu tư Revital Việt Nam hiện còn lưu hành một lô trái phiếu đang niêm yết với tổng giá trị 1.155 tỷ đồng với mã REV.Bond.2018.
Lô trái phiếu này được phát hành ngày 17/9/2018, kỳ hạn 7 năm tức đáo hạn ngày 17/9/2025. Lãi suất được cố định ở mức 4%/năm, kỳ trả lãi mỗi 3 tháng. CTCP Chứng khoán Dầu khí (PSI) làm tổ chức lưu ký cho lô trái phiếu trên.
Đáng chú ý, theo cập nhật trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, Đầu tư Revital Việt Nam hiện đang làm thủ tục giải thể.
Như vậy, trái chủ của gần 1.200 tỷ đồng trái phiếu được phát hành bởi CTCP Đầu tư Revital Việt Nam liệu có cơ hội nhận lại được tiền gốc và lãi?
Theo các chuyên gia pháp lý, theo quy định hiện hành, điều kiện để doanh nghiệp được phép giải thể đó là khi doanh nghiệp bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của doanh nghiệp; các chủ nợ sẽ được thanh toán đầy đủ các khoản nợ theo thứ tự pháp luật quy định.
Chiếu theo quy định tại Luật Chứng khoán hiện hành, trái phiếu là loại chứng khoán có kỳ hạn từ 01 năm trở lên do doanh nghiệp phát hành, xác nhận quyền và lợi ích hợp pháp của người sở hữu đối với một phần nợ của tổ chức phát hành.
Như vậy, trong trường hợp này, về nguyên tắc, CTCP Đầu tư Revital Việt Nam chỉ đủ điều kiện làm thủ tục giải thể khi đảm bảo thanh toán hết nợ trái phiếu cho các trái phiếu.
Trái chủ ra sao khi doanh nghiệp phá sản
Khác với doanh nghiệp làm thủ tục giải thể, khi doanh nghiệp rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán sẽ bị tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
Đối với trường hợp doanh nghiệp phá sản, theo Điều 54 Luật Phá sản 2014, khi công ty phá sản, thứ tự phân chia tài sản được quy định như sau:
– Trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã được phân chia theo thứ tự sau:
+ Chi phí phá sản;
+ Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
+ Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
+ Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Như vậy, khác với trường hợp doanh nghiệp giải thể, khi một doanh nghiệp phá sản, trái chủ chỉ được thanh toán khoản nợ trái phiếu của doanh nghiệp sau khi tài sản của doanh nghiệp đã được dùng để đảm bảo cho 3 nghĩ vụ nợ khác.
Nếu sau khi đã đảm bảo 3 nghĩa vụ nợ mà tài sản của doanh nghiệp phá sản vẫn còn không đủ để thanh toán cho nghĩa vụ nợ ở hàng ưu tiên cùng với trái phiếu thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.