Nghị định 37 đã được Chính phủ ban hành trong tháng 4 vừa qua để hướng dẫn thực thi Luật Thủy sản. Kèm theo là quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác của các loài thủy sản sống trong vùng nước tự nhiên. Trong đó, có loài cá ngừ vằn – nguyên liệu chủ lực của ngành chế biến và xuất khẩu cá ngừ đóng hộp. Sau khi quy định mới có hiệu lực, cả ngư dân lẫn doanh nghiệp chế biến xuất khẩu cá ngừ đều chung mối quan tâm đó là tháo gỡ những khó khăn khi tuân thủ đúng quy định về kích thước cá ngừ vằn trong khai thác.
Cá ngừ vằn, ngư dân thường gọi là cá ngừ sọc dưa, cá dưa gang… Theo quy định, kể từ ngày 19/5/2024, cá ngừ vằn được phép khai thác phải có chiều dài tối thiểu là 500 mm. Nếu dưới kích cỡ này thì các doanh nghiệp sẽ không được thu mua để chế biến xuất khẩu. Quy định này là nhằm bảo vệ nguồn lợi cá ngừ, tránh khai thác cá ngừ ở kích thước nhỏ. Tuy nhiên, lâu nay số lượng cá ngừ vằn kích cỡ 500 mm trở lên thường chỉ chiếm từ 10 – 20% mẻ lưới.
Các doanh nghiệp lo lắng, việc tuân thủ quy định mới về kích cỡ cá ngừ vằn sẽ không đủ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu. Ảnh: NLĐ.
Cá ngừ vằn là nguyên liệu chủ lực để chế biến, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp mà cả nước đang có 15 doanh nghiệp hoạt động. Năm ngoái, xuất khẩu cá ngừ đóng hộp chiếm đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu cá ngừ 800 triệu USD. Các doanh nghiệp lo lắng, việc tuân thủ quy định mới về kích cỡ cá ngừ vằn sẽ không đủ nguyên liệu để chế biến, xuất khẩu.
Ông Vũ Đình Đáp – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam đánh giá: “Không đủ nguyên liệu thì phải nhập, mà nhập không dễ dàng gì. Ngư dân không bán được cá, giá sẽ giảm 50 – 60%”.
Cả nước có 3.500 tàu cá làm nghề lưới vây và lưới rê khai thác cá ngừ vằn. Sản lượng khai thác mỗi năm khoảng 60.000 tấn. Trong khi sản lượng khai thác cho phép là 200.000 tấn. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn đưa ra quy định về kích cỡ cá ngừ vằn được phép khai thác nhằm bảo vệ nguồn lợi. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, cần có lộ trình để thực hiện.
Theo ông Vũ Đình Đáp – Chủ tịch Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam: “Khoa học phải đi trước, quy định mắt lưới như thế nào, kỹ thuật bắt ra sao, quan sát bầy cá trên biển như thế nào để bắt cá to, công nghệ tàu thuyền như thế nào để bắt cá to. Nói chung là phải thay đổi phương tiện, kỹ thuật và đặc biệt trước hết là nhận thức”.
Trước mắt, ý kiến đề xuất từ Hiệp hội Cá ngừ Việt Nam là nên xem xét kích cỡ cho phép khai thác đối với cá ngừ vằn là 380 mm đối với cá cái và 387 mm đối với cá đực. Theo nghiên cứu, với kích cỡ này, cá ngừ vằn đã sinh sản.
Hơn nữa, đối với cá ngừ vằn – loài cá di cư có trữ lượng lớn, các quốc gia và các tổ chức quản lý nghề cá thường áp dụng hạn ngạch khai thác, chứ không quản lý kích thước khai thác.
Nguồn tin: https://cafef.vn/doanh-nghiep-gap-kho-ve-quy-dinh-kich-co-ca-ngu-duoc-phep-khai-thac-188240728090956379.chn