Áp lực đủ đường
Sau khi giữ ổn định suốt từ đầu năm, từ đầu tháng 8, tỷ giá đồng VND/USD có dấu hiệu tăng trở lại với mức 1,62% so với đầu năm và tăng 2% so với mức thấp nhất năm được thiết lập trong tháng 5.
Ghi nhận trên thị trường ngoại hối ngày 22/8 cho thấy, tỷ giá trung tâm giữa VND với USD do Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.886 đồng. Giá USD tự do tiếp tục neo ở mức cao trên giá ngân hàng khi mua vào 24.040 đồng và bán ra 24.140 đồng/USD.
Theo TS Nguyễn Quốc Cường (giảng viên Đại học Bình Dương), việc tăng tỷ giá USD/VND sẽ có lợi cho các DN xuất khẩu hàng hóa, song bất lợi cho DN nhập khẩu nguyên liệu, hàng hóa khi thanh toán bằng đồng USD. Để đề phòng rủi ro, các DN cần thiết phải cân đối việc xuất – nhập khẩu, chọn kinh doanh ở những thị trường dùng đồng USD và đồng tiền khác. Có thể xuất khẩu qua những nước chuyên sử dụng USD, còn nhập khẩu thì chọn những quốc gia không sử dụng đồng USD để mua và bán.Uyên Phương
Chia sẻ với Tiền Phong, ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty Thủy sản Thuận Phước cho biết, việc tỷ giá VND/USD tăng tạo điều kiện cho các DN xuất khẩu của Việt Nam thu lợi. Trước đây DN xuất khẩu đơn hàng trị giá 10 triệu USD, nay nhờ chênh lệch tỷ giá, thu tiền về sau khi trừ chi phí, doanh nghiệp có thể dôi thêm khoảng 3,8 tỷ đồng (tương ứng 162.000 USD).
Số tiền này giúp DN có thêm nguồn quỹ chi trả lương cho công nhân và duy trì hoạt động trong bối cảnh khó khăn. Tuy nhiên, theo ông Lĩnh, trong bối cảnh này DN “lo nhiều hơn mừng” bởi hàng tồn kho của DN đang ở mức cao. Từ đầu năm các DN thủy sản phải liên tục hạ giá mạnh sản phẩm mới bán được hàng. Tỷ giá tăng khiến hàng xuất khẩu của Việt Nam trở nên đắt hơn ở thị trường châu Âu, Mỹ, khó cạnh tranh so với các nước đối thủ.
Với tư cách là đối tác thương mại và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, việc đồng NDT mất giá mạnh giúp hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam nhiều hơn khiến hàng trong nước mất lợi thế, đặc biệt qua đường tiểu ngạch.
“Khi DN không tiếp cận được vốn vay bằng tiền VND, chúng tôi đều phải vay bằng USD. Vừa qua, lãi suất vay USD không những không giảm mà có tới 3 lần tăng, với mức trên 6%/năm. Tỷ giá tăng liên tục khiến DN rất áp lực vì chi phí lãi vay sẽ tăng vọt”, ông Lĩnh nói.
Theo ông Vũ Duy Hải, Tổng giám đốc Công ty CP Vinacam – DN nhập khẩu phân bón, đối với DN xuất nhập khẩu, mọi biến động về tỷ giá đều ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của DN. Tỷ giá tăng có thể là thông tin tích cực với DN xuất khẩu. Tuy nhiên, với các DN nhập khẩu giá vốn sẽ bị đẩy cao, kéo theo giá bán hàng hóa trong nước tăng lên.
Sở Công thương tỉnh Bắc Giang thông tin, hiện tại, hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Giang chưa có biến động lớn và có sự tăng trưởng. Tính từ đầu năm đến ngày 17/8, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của tỉnh Bắc Giang đạt hơn 27 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 14,8 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ, Ấn Độ, Tây Ban Nha. Các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là dệt may, da giày, máy tính, sản phẩm điện tử, điện thoại.
Nguyễn Thắng
Ông Hải cho biết, hiện mỗi tháng Vinacam nhập khẩu bình quân khoảng 15-18 triệu USD hàng hóa, nếu tỷ giá tăng thêm 1,6%, DN phải chi thêm khoảng 240.000 USD, tương đương hơn 5,7 tỷ đồng cho hàng hóa đầu vào. “Để bù đắp khoản này, trong thời gian tới các DN nhập khẩu phân bón chắc chắn sẽ phải tăng giá bán. Nhiều mặt hàng nhập khẩu khác cũng sẽ theo xu hướng này”, ông Hải cho hay.
“Sẽ sớm ổn định trở lại”
Theo các chuyên gia, biến động tỷ giá giữa VND/USD đang tăng trở lại nhưng dự báo sẽ không còn căng thẳng như thời điểm cuối năm ngoái, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) có khả năng chỉ tăng lãi suất thêm một lần với mức không đáng kể.
Lo ngại nhất hiện nay đến từ Trung Quốc khi Chính phủ nước này trong thời gian gần đây liên tục giảm giá đồng nhân dân tệ (NDT) để ứng phó với tình trạng giảm phát của nền kinh tế. Tỷ giá NDT/USD từ tháng 8 đã giảm khoảng 2,4%, còn 7,35 NDT đổi 1 USD. Đây là mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Chuyên gia tài chính- ngân hàng, ông Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong trường hợp này, giá hàng hóa từ Trung Quốc xuất sang Việt Nam sẽ rẻ đi, còn giá hàng hóa từ Việt Nam sang Trung Quốc sẽ đắt hơn. Do đó, nhập siêu từ Trung Quốc vào Việt Nam sẽ tiếp tục xu hướng tăng.
Theo ông Hiếu, với tư cách là đối tác thương mại và là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam, việc đồng NDT mất giá mạnh giúp hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc sẽ sang Việt Nam nhiều hơn khiến hàng trong nước mất lợi thế, đặc biệt qua đường tiểu ngạch. “Chúng ta cần phải kiểm soát tốt tình trạng này bởi hiện sức mua hàng hóa của DN trong nước vẫn ở mức yếu”, ông Hiếu nói.
Nhận định về tỷ giá trong thời gian tới, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, việc tỷ giá USD/VND biến động mạnh trong khoảng gần 1 tháng trở lại đây không phải nhất thời mà đang tạo ra một xu hướng tăng. Tuy nhiên, xu hướng này có kéo dài hay không lại còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố.
“Nhu cầu về nhập khẩu tăng cũng khiến nhu cầu về đồng USD tăng. Tỷ giá có thể được cân bằng lại trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối để bán ra, làm giảm áp lực tỷ giá thị trường hối đoái. Trường hợp FED tăng lãi suất, giá trị đồng USD sẽ tiếp tục tăng”, ông Hiếu dự báo.
Theo TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng ngân hàng BIDV, áp lực tỷ giá trong thời gian gần đây xuất phát từ chênh lệch lãi suất USD và VND. Thời gian qua, để hỗ trợ các DN trong nước và kích thích tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước ưu tiên chính sách nới lỏng tiền tệ và bền bỉ với các biện pháp hạ lãi suất và giữ tỷ giá VND/USD. Song với nền kinh tế có độ mở cao, trong khi FED vẫn liên tục tăng lãi suất, Ngân hàng Nhà nước buộc phải tăng tỷ giá để giữ ổn định lãi suất.
Theo ông Lực, từ nay đến cuối năm sẽ có những vụ mua bán sáp nhập, mua bán cổ đông chiến lược của một số ngân hàng và DN lớn. Những vụ thâu tóm này sẽ giúp tăng nguồn cung USD trên thị trường. “Việc tăng tỷ giá chỉ là tạm thời và sẽ sớm ổn định trở lại”, ông Lực nhận định.