2023 được đánh giá là năm khó khăn nhất trong suốt hơn 30 năm xuất khẩu của ngành dệt may (nếu không tính năm 2020 thế giới đóng cửa vì dịch bệnh), khi kim ngạch giảm 10% toàn ngành, trong đó đơn giá sản xuất giảm 30%, thậm chí có mã hàng tới 50%.
Tuy nhiên, ngành đã có những tín hiệu ấm lên sau thời gian dài trầm lắng, chia sẻ đáng chú ý của ông Vũ Đức Giang – Chủ tịch Hiệp hội Dệt may (Vitas) chia sẻ trước thềm Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp dệt & may Thiết bị, nguyên phụ liệu & vải (SaigonTex & SaigonFabric 2024) diễn ra từ ngày 10-13/4/2024.
Dệt may đang ấm dần lên khi tồn kho toàn cầu giảm, nhu cầu dần hồi phục
“Năm 2023 toàn ngành dệt may xuất khẩu được 40 tỷ USD, mục tiêu năm 2024 xuất khẩu khoảng 44 tỷ USD. Riêng quý 1 năm nay, chúng tôi đặt mục tiêu xuất 9,8-10 tỷ USD. Sau 2 tháng đầu năm thì đã xuất được hơn 6 tỷ, do đó khả năng quý đầu năm 2024 sẽ đạt được kế hoạch.
Những tín hiệu này cho thấy một xu thế là hiệu ứng thị trường dệt may toàn cầu đã khởi sắc và ấm lên. Trong đó, ngành dệt may Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội trên thế giới, bởi chúng ta là một nước mở cửa toàn diện”, ông Giang nói.
Được biết, SaigonTex & SaigonFabric 2024 là triển lãm lớn hàng năm tại Việt Nam về ngành công nghiệp dệt may, nguyên phụ liệu và vải; quy mô năm nay gần 30.000 m2 với hơn 1.000 nhà triển lãm trong ngoài nước tham dự.
Hội chợ – theo ông Giang nhằm mục đích đưa các máy móc thiết bị đến doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Trong đó, máy móc thiết bị là một trong những mối quan tâm hàng đầu của DN Việt Nam. Bởi lẽ xu hướng tự động hoá đòi hỏi DN Việt Nam phải đầu tư nhiều hơn để có thể đáp ứng được tiêu chí ngày càng khắt khe của nhãn hàng trên thế giới, không chỉ về chất lượng mà cả thời gian giao hàng cũng ngắn ngày hơn rất nhiều. Riêng lĩnh vực máy móc, thiết bị ngành công nghiệp dệt may dự có nhiều DN lớn có mặt như Averydennison, Baolun Computer, Brother, China Texmatech, China Tongxiang, Hashima, Ramsay McDonald, Sprayway…
Hội chợ lần này cũng phản ánh được sức hấp dẫn của DN Việt Nam trong mắt các nhà sản xuất nguyên phụ liệu. Hiện, các nhà sản xuất nguyên phụ liệu này chọn Việt Nam là điểm đến để trưng bày, bán sản phẩm về sợi, vải, phụ liệu…
Bởi, Chủ tịch Vitas nhấn mạnh Việt Nam hiện có đến 16-17 hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, đây là lực hấp dẫn các nhà đầu tư về phần cung thiếu hụt của dệt may Việt Nam, cũng là xu thế để các nhà nhãn hàng đặt hàng Việt Nam. Đồng thời, đây cũng là tín hiệu rất tốt cho dệt may Việt Nam trong bối cảnh bước đầu hàng tồn kho tại các khách hàng lớn trên thế giới đang giảm, nhu cầu tương ứng tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2023.
Ngược lại, DN Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều áp lực gia tăng, làm sao để xây dựng được ngành dệt may đáp ứng các tiêu chí của nhãn hàng cũng như tự chủ được nguồn nguyên liệu chính là bài toán lớn Vinatex đặt ra cho năm nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035. Thậm chí, nhãn hàng còn đòi hỏi cả vấn đề giá phải cạnh tranh nhiều hơn.
DN Việt Nam chỉ “gia công” là cách nói cũ, bây giờ đã không còn phù hợp
Có một điều đặc biệt, nếu trong những chia sẻ trước đây đại diện Vitas trăn trở việc DN Việt Nam vẫn chỉ gia công là chính, thì hôm nay ông Giang khẳng định điều này không còn tồn tại. Có 4 nguyên nhân chính khẳng định vị thế DN dệt may đã khác xưa, bao gồm:
Thứ nhất, trừ một số DN nhỏ vẫn làm theo cách làm cũ, thì nhiều DN vừa và lớn hiện đã thay đổi cách mua hàng FOB, ODM và thậm chí là OBM. Từ thiết kế, nguyên liệu trong nước cũng như khả năng tài chính mà chúng ta bán hàng trực tiếp.
FOB (Free One Board): sau khi đơn hàng đã được sản xuất hoàn thiện, xưởng may sẽ liên hệ và đưa sản phẩm ra bến tàu. Các chi phí như vận chuyển, các loại chi phí phát sinh tiếp theo sẽ do bên khách hàng đặt may phải chịu.
ODM (Original Design Manufacturing): sản xuất thiết kế ban đầu. Khác với OEM hay CMT, ODM là phương thức sản xuất ngành dệt may bao gồm cả khâu thiết kế.
OBM (Original Brand Manufacturer): nhà sản xuất thương hiệu gốc. Theo phương thức này, từ khâu xây dựng thương hiệu cho đến tạo mẫu thiết kế, tìm nguyên liệu đầu vào, gia công sản phẩm và chuyển sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng đều được thực hiện bơi xưởng gia công may mặc.
Thứ hai, đây là điều cực kỳ quan trọng, là chúng ta đã có đội ngũ các nhà thiết kế những dòng sản phẩm không chỉ đáp ứng được nhu cầu trong nước mà cả trên toàn cầu. Các mua hàng của nhãn hàng trên thế giới họ chỉ đưa ý tưởng thôi, hoặc họ khuyến khích chúng ta sáng tạo mẫu rồi gửi họ. Trong đó, văn hoá Nhật khác, Trung Quốc khác, Mỹ khác, châu Âu khác… nên chúng ta phải đa dạng khuôn mẫu để đáp ứng linh hoạt từng form, kiểu dáng, thông số khách hàng.
Hiện, các nhà thiết kế Việt Nam đã có những trung tâm thiết kế 3D, các manocanh đại diện cho mẫu người nhiều nước… từ đó đáp ứng được nhu cầu từng nhà mua hàng.
Thứ ba, bán hàng trên mạng là hình thức bán hàng rất tích cực và tiếp cận rất nhanh thị trường toàn cầu. Ví dụ, Mỹ khi mua hàng đơn hàng dưới 800 USD thì miễn thuế toàn bộ, điều này khiến việc bán hàng trên mạnh giúp Việt Nam bán hàng đi được nhiều nước trên mạng. Đây là xu thế tất yếu, và Việt Nam chủ động bắt xu hướng rất nhanh.
Thứ tư, gia công ngày càng giảm. Cách mua hàng của nhãn hàng lớn ngày càng muốn mua trực tiếp chứ họ đã bỏ hết trung gian rồi. Nên “gia công” là cách nói cũ, cách nói trước đây chứ bây giờ đã không còn phù hợp. Vì cách mua hàng của khách hàng đã thay đổi, họ sẽ không bỏ tiền ra trước như xưa mà DN Việt Nam phải bỏ tiền ra, bỏ công nghệ ra làm sản phẩm và bán cho họ.
Ảnh hưởng sự cố Biển Đỏ: Chi phí sẽ tăng lên, thời gian giao hàng có thể chậm 2-3 tuần
Riêng về sự cố Biển Đỏ và ảnh hưởng đến xuất khẩu dệt may, ông Giang cho rằng đây là nút thắc của ngành dệt may nói riêng và cả ngành xuất khẩu khác của Việt Nam đi vào châu Âu. Do đó, Vitas luôn có khuyến cáo khi có sự cố tại Biển Đỏ:
(i) truyền tải thông tin kịp thời nhất với DN, đặc biệt về việc chi phí phải tăng lên và thời gian giao hàng có thể chậm 2-3 tuần, nên cần chọn lại đơn hàng cũng như thời điểm bắt đầu giao hàng;
(ii) đưa ra các giải pháp như đa dạng hoá thị trường, khách hàng và đa dạng hoá cả sản phẩm. Năm qua, Việt Nam đã xuất khẩu được sang 104 nước trên toàn cầu, chưa bao giờ Việt Nam đa dạng hoá đi nhiều thị trường nhiều như vậy;
(iii) xây dựng một ngành công nghiệp dệt may thích ứng đòi hỏi về quản trị số, quản trị xanh, bền vững mà minh bạch được ngành.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chu-tich-hiep-hoi-det-may-dn-det-may-viet-nam-thoat-kiep-gia-cong-188240407131123366.chn