CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Tp.HCM (mã: CII) vừa ban hành Nghị quyết HĐQT thông qua một số nội dung để trình đại hội cổ đông thường niên sắp tổ chức vào cuối tháng 4.
Theo đó, HĐQT trình điều chỉnh tỷ lệ chi trả cổ tức bằng tiền mặt cho năm 2022 và 2023 là 15%, thay vì 12% như dự tính trước đây.
Một kế hoạch đặc biệt hơn được trình tại ĐHCĐ lần này là phương án phát hành trái phiếu chuyển đổi và điều chỉnh giá chuyển đổi cho trái phiếu chuyển đổi CII42013.
Cụ thể, công ty này muốn phát hành 2 gói trái phiếu chuyển đổi với tổng giá trị 4.500 tỷ đồng.
Gói thứ nhất là gói trái phiếu chuyển đổi phát hành ra công chúng với tổng mệnh giá hơn 2.522 tỷ đồng, kỳ hạn 10 năm. Đối tượng phát hành là cổ đông hiện hữu, với tỷ lệ thực hiện 10:1, tức cổ đông sở hữu 10 cổ phiếu được mua 1 trái phiếu. Quyền mua trái phiếu được chuyển nhượng duy nhất 1 lần.
Trái phiếu có lãi suất kết hợp giữa lãi suất cố định 10%/năm trong 4 kỳ tính lãi đầu tiên (mỗi kỳ là 3 tháng). Trong các kỳ tiếp theo, lãi suất thả nổi bằng tổng của 2,5%/năm và lãi suất tham chiếu của kỳ tính lãi.
Trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phần phổ thông của CII qua 10 đợt chuyển đổi, tối thiểu 12 tháng sau khi phát hành với giá chuyển đổi 10.000 đồng/cp.
Số tiền thu được từ đợt phát hành này sẽ được dùng để (i) Góp vốn vào CTCP Đầu tư và Xây dựng Xa lộ Hà Nội, hoặc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do Xa lộ Hà Nội phát hành riêng lẻ với số tiền tối đa 2.400 tỷ đồng; (ii) Góp vốn vào Công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận, và/hoặc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp do công ty này phát hành riêng lẻ với số tiền tối đa là 1.200 tỷ đồng.
HĐQT trình cổ đông thông qua việc ủy quyền chao HĐQT toàn quyền quyết định tất cả các vấn đề và thực hiện công việc cần thiết liên quan đến việc phát hành trái phiếu nói trên.
Gói thứ 2 tiếp tục là trái phiếu chuyển đổi ra công chúng với tổng mệnh giá gần 1.978 tỷ đồng với tỷ lệ thực hiện 20:1. Số tiền từ đợt phát hành này được dùng để (i) thanh toán trái phiếu CIIB2024009 với số tiền 500 tỷ, (ii) Thanh toán trái phiếu CIIB2124001 với số tiền 590 tỷ; (iii) Góp vốn vào công ty TNHH MTV BOT Tỉnh Ninh Thuận, và/hoặc đầu tư trái phiếu do công ty này phát hành riêng lẻ với số tiền tối đa 1.200 tỷ đồng.
Các điều kiện giống như gói trái phiếu thứ nhất.
“ Trong trường hợp phát hành trái phiếu chuyển đổi thành công, với dòng tiền thu từ BOT Xa lộ Hà Nội và BOT tỉnh Ninh Thuận, CII sẽ có đủ nguồn để trả cổ tức đều đặn 3 tháng/lần với tỷ lệ chi trả bình quân hơn 15%/năm sau khi đã hoàn thành trả lãi trái phiếu chuyển đổi ” – Ông Lê Quốc Bình, Tổng giám đốc CII chia sẻ – “ Vào năm 2033, CII sẽ còn số tiền hơn 2.789 tỷ đồng đảm bảo đủ nguồn để hoàn trả gốc trái phiếu chuyển đổi, trong trường hợp các trái phiếu này chưa được chuyển đổi thành cổ phần ”.
TGĐ của CII cho biết, phương án này nhằm cấu trúc lại các khoản vay của các dự án BOT với mục tiêu tạo ra dòng tiền xử lý được đồng thời các khoản trả nợ ngân hàng, trả lãi trái phiếu cho trái chủ (đồng thời là cổ đông) và trả cổ tức cho cổ đông. Có thể hiểu, các gói trái phiếu phát hành với mục đích góp vốn hoặc đầu tư trái phiếu riêng lẻ của Xa lộ Hà Nội và BOT tỉnh Ninh Thuận tương đương với việc dùng tiền này để trả các khoản nợ ngân hàng đã vay để thực hiện 2 dự án BOT.
Nếu không phát hành thành công, ông Bình nói: “ 6 năm nữa CII mới trả hết nợ ngân hàng và cổ đông không được chia cổ tức bằng tiền mặt ”.
Lý do xuất phát từ một đặc thù quan trọng của dự án BOT là theo nguyên tắc cấp tín dụng của các tổ chức tín dụng với dự án BOT, TCTD có quyền ưu tiên thu trước gốc và lãi vay từ dòng tiền ròng của dự án trước khi công ty hoàn trả lợi nhuận và vốn chủ sở hữu cho nhà đầu tư. Việc hoàn vốn chủ sở hữu sẽ được thực hiện sau khi hoàn tất việc trả nợ vay, thức thường được thu hồi chủ yếu vào cuối chu kỳ dự án.
Theo thông tin từ CII, công ty đang sở hữu 7 dự án BOT giao thông, trực tiếp hoặc gián tiếp qua CTCP Đầu tư Cầu đường CII (CII B&R). Tình đến 31/12/2022, tổng vốn đầu tư chưa thu hồi của CII tại các dự án BOT đạt khoảng 20.844 tỷ đồng, bao gồm 9.277 tỷ đồng từ vốn chủ sở hữu và 11.567 tỷ đồng từ vốn vay.
Trước đó, vào năm 2020, CII đã phát hành trái phiếu chuyển đổi cho cổ đông hiện hữu với giá chuyển đổi cơ sở ban đầu là 21.494 đồng, giá chuyển đổi các kỳ tiếp theo (6 tháng/lần) bằng giá chuyển đổi của kỳ trước đó thêm 6%. HĐQT trình kế hoạch điều chỉnh giá chuyển đổi cho lô này, áp dụng từ đợt 6 trở đi là 10.000 đồng, không tiếp tục áp dụng điều khoản chống pha loãng (Tại Nghị quyết số 44/NQ-ĐHĐCĐ ngày 2/6/2020).
Gia tăng nguồn thu từ các dự án BOT cầu đường là một trong những mục tiêu lớn nhất của CII trong năm 2023, với việc hợp nhất dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận (dự án có doanh thu lớn nhất trong danh mục hiện tại từ quý 3/2023). CII cho biết sẽ tiếp tục làm việc với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tăng giá vé tại một số dự án BOT theo lộ trình đã quy định trong hợp đồng.
Công ty này đặt kế hoạch kinh doanh năm 2023 với tổng doanh thu 5.155 tỷ đồng, lợi nhuận ròng 469 tỷ, giảm lần lượt 31% và 36% so với thực hiện năm 2022.