Sẵn sàng về đích
Xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam dự báo sẽ chạm mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 44 tỷ USD năm 2024. Đối với Tập đoàn Dệt May Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu 9 tháng đầu năm 2024 của Vinatex đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng hơn 7% so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả sản xuất kinh doanh 9 tháng năm 2024 cũng có những dấu hiệu tích cực hơn so với năm trước với doanh thu hoàn thành 73,6% kế hoạch, tăng 2% so với cùng kỳ; lợi nhuận bằng 80% kế hoạch, tăng hơn 70% so với cùng kỳ…
Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt thông tin, lũy kế hết tháng 9/2024 doanh thu đã đạt được 108% so với cùng kỳ 2023. Chia sẻ về chiến lược phát triển trong giai đoạn tới, ông Thân Đức Việt nhấn mạnh, giai đoạn tới, May 10 sẽ tiếp tục tập trung đầu tư, ngày càng nâng tầm thương hiệu các sản phẩm Việt trên trường quốc tế, từ lựa chọn nguyên liệu đến từng đường kim mũi chỉ… Qua đó góp phần đưa ngành dệt may Việt Nam lên tầm cao mới.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Vinatex Cao Hữu Hiếu cho rằng, vẫn còn đó những thách thức cần mỗi doanh nghiệp trong hệ thống phải tìm ra hướng đi phù hợp để chạm đích thành công năm 2024 cũng như chuẩn bị tiềm lực, tâm thế cho kế hoạch năm 2025.
Trong 9 tháng, các đơn vị trong tập đoàn đều có hiệu quả, doanh thu tăng 10%, lợi nhuận tăng 24% so với cùng kỳ năm 2023. Một số đơn vị với nền tảng quản trị và thị trường tốt cho thấy sự phục hồi mạnh mẽ, lợi nhuận 9 tháng vượt 75%, thậm chí vượt 100% kế hoạch cả năm 2024. Tuy nhiên, ngành Sợi vẫn gặp khó khăn với kết quả sản xuất kinh doanh lỗ, mặc dù đã giảm lỗ tới 80% so với cùng kỳ năm 2023.
Hầu hết các thị trường xuất khẩu chính của Dệt May Việt Nam đều có tín hiệu phục hồi tích cực. Đối với thị trường Mỹ, ngày 18/9, FED lần đầu tiên hạ lãi suất kể từ tháng 3 năm 2020, GDP quý II/2024 ở mức 3%; lạm phát tháng 8/2024 ở mức 2,5% so với cùng kỳ, là mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021; doanh số bán lẻ tháng 8 cũng đã tăng 2,11% so với cùng kỳ. Kinh tế châu Âu cũng dần được kiểm soát gần với mục tiêu, lạm phát tháng 8 ở mức 2,4%, là mức thấp nhất kể từ tháng 6/2021; doanh số bán lẻ tăng nhẹ. Đối với thị trường Nhật Bản, GDP quý II/2024 tăng 2,9% so với cùng kỳ, tăng 7% so với quý trước, mặc dù lạm phát vẫn ở mức cao nhưng chi tiêu hộ gia đình có xu hướng tăng nhẹ…
Ngành Sợi được nhận định có sự cải thiện nhẹ, giá bông nguyên liệu bị tác động nhiều bởi yếu tố đầu cơ và logistics nên tăng giảm đột ngột, rất khó đoán định. Các phân tích cho thấy, việc giá bông tăng hiện tại chỉ là tạm thời, chưa có trụ đỡ chắc chắn từ lực cầu. Kỳ vọng đến cuối năm 2024, giá bông sẽ đi lên trong ổn định nhưng khả năng cao sẽ không tăng đột biến.
Trong khi đó, giá bông giảm kéo theo giá sợi giảm sâu, nhìn chung vẫn chưa có khả năng phục hồi mạnh, bên cạnh đó giá cước vận chuyển tăng, cạnh tranh gay gắt với sợi nội địa Trung Quốc… sẽ khiến hiệu quả ngành sợi không có dấu hiệu cải thiện rõ rệt.
Thị trường xuất khẩu ngành may trong 9 tháng qua có sự phục hồi do sự chuyển dịch đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam. Tồn kho tại các thị trường chủ lực như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản có xu hướng giảm dần so với cùng kỳ năm trước, cộng với sức mua có xu hướng tăng đã tạo nên sự phục hồi nhu cầu đặt hàng từ các đối tác. Dự kiến đơn hàng may mặc trong quý IV/2024 và quý I/2025 sẽ tiếp tục dồi dào, song đơn giá chưa cải thiện đáng kể. Trong dài hạn, khi chính sách cắt giảm lãi suất tại các thị trường lớn thực sự có tác động tích cực đối với nền kinh tế, tạo ra việc làm ổn định và sức mua, đơn giá sẽ cải thiện
“Nhiều khả năng dệt may sẽ chạm đích thành công kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024, nhưng vẫn cần thận trọng trước bối cảnh thị trường không có nhiều tín hiệu khả quan để chúng ta có thể hy vọng vào những kết quả đột phá trong tương lai gần” – ông Cao Hữu Hiếu chỉ ra. Đồng thời nhấn mạnh, yếu tố thị trường không bao giờ là bất biến, công tác quản trị phải được doanh nghiệp chủ động những giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả, chuẩn bị sẵn sàng nguồn lực nhằm tận dụng cơ hội cũng như lường trước các rủi ro để phòng tránh.
Giải pháp để tháo gỡ
Để chuẩn bị tốt tâm thế sẵn sàng với mọi tình huống thị trường khôn lường, nhận diện rõ những khó khăn, bất lợi, ông Cao Hữu Hiếu cho rằng, doanh nghiệp nên chủ động tập trung cải thiện, bảo đảm phát huy tối đa lợi thế, hạn chế tối thiểu những yếu điểm. Ngay trong ngắn hạn, những tháng cuối năm 2024 và năm 2025, những vấn đề phải đối mặt và tháo gỡ ngay.
Ngoài ra, tập trung tăng năng suất các nhân tố tổng hợp (Total Factor Productivity – TFP) như đổi mới công nghệ, hợp lý hoá sản xuất, cải tiến phương thức quản lý, đào tạo nâng cao trình độ của người lao động…, từ đó giúp nâng cao hiệu quả sử dụng các yếu tố hữu hình như tài sản cố định và lao động.
Do đó, doanh nghiệp ngành nên cải thiện năng lực sản xuất. Tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm thay vì tăng quy mô sản xuất. Kết nối năng lực sản xuất chuỗi nên tạo kênh liên kết một nhóm đơn vị sợi – dệt nhuộm – may phù hợp về mặt sản phẩm và công nghệ để hình thành chuỗi cho một vài sản phẩm đặc thù (sản phẩm vải chống cháy, sản phẩm khăn…).
Ngoài ra, kiên định mục tiêu xanh hóa chuỗi sản xuất, xác định mục tiêu xây dựng chuỗi sản xuất dệt may bền vững, quan tâm đến các tiêu chuẩn môi trường và trách nhiệm xã hội, tiến tới mô hình kinh doanh tuần hoàn.
Chỉ còn 2 tháng bước sang năm 2025, ông Cao Hữu Hiếu khuyến cáo, những tín hiệu tích cực nhất định, các doanh nghiệp vẫn cần hết sức thận trọng, quản trị chặt chẽ hoạt động sản xuất kinh doanh bám sát kế hoạch đã đề ra, nhận diện và phòng ngừa tốt rủi ro, không để xảy ra bất kỳ tình huống bất ngờ hoàn thành kế hoạch năm. Đây là sự chuẩn bị cần thiết để doanh nghiệp trong ngành dệt may đủ “sức khỏe” đón bắt kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2025 mà không bị lệ thuộc vào sự may rủi của thị trường.
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/det-may-nhan-dien-thao-go-diem-that-ve-dich-va-don-co-hoi-moi-170713.html