Tại tọa đàm “Xe buýt xanh – Hành trình của tương lai”, các chuyên gia cho biết Hà Nội hiện có hơn 2.000 xe buýt đang được trợ giá, tuy nhiên chỉ có 277 xe sử dụng năng lượng sạch, chiếm tỷ lệ 13,6%. Cụ thể, có 139 xe buýt chạy bằng khí hóa lỏng (CNG) và 138 xe buýt điện. Ngoài ra, hơn 1.200 xe buýt đạt tiêu chuẩn khí thải Euro IV trở lên, trong khi 1.575 phương tiện vẫn sử dụng dầu diesel và cần được thay thế.
Hà Nội đã đặt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 70-90% xe buýt sử dụng điện và năng lượng xanh, dự kiến tỷ lệ này tăng lên 100% vào năm 2035. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là chi phí đầu tư cho các phương tiện sử dụng năng lượng điện và năng lượng xanh cao gấp 2-4 lần so với xe buýt diesel, tạo ra nhiều khó khăn và thách thức cho doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Công Nhật, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái VinBus chia sẻ, Hà Nội mới chỉ có định mức cho xe buýt điện lớn, chưa có cho các loại xe buýt điện trung bình và nhỏ. Doanh nghiệp mong muốn thành phố sớm hoàn thiện định mức cho tất cả các loại xe buýt điện. Đồng thời, cần có cơ chế “kéo và đẩy”, ưu tiên nhượng quyền và gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp có năng lực, nhằm thúc đẩy quá trình xanh hóa hệ thống giao thông công cộng.
Đại diện Vinbus cho biết việc xây dựng trạm sạc cho hệ thống xe xanh vẫn gặp nhiều thủ tục phức tạp
Về mặt hạ tầng, việc xây dựng trạm sạc cho hệ thống xe xanh hiện vẫn gặp nhiều thủ tục phức tạp, gây cản trở sự phát triển của loại hình phương tiện này.
Theo đại diện VinBus, tuy chi phí đầu tư ban đầu cho xe buýt điện cao, nhưng chi phí vận hành và bảo trì lại thấp hơn nhiều so với xe buýt chạy bằng diesel. Hơn nữa, xe buýt điện còn mang lại lợi ích cho môi trường và sức khỏe cộng đồng. Qua ba năm vận hành thử nghiệm, các tuyến xe buýt điện đã cho thấy hiệu quả toàn diện. Về mặt kinh tế, xe buýt điện nhận được sự đồng tình và ủng hộ từ người dân và hành khách, đặc biệt trong các khung giờ cao điểm khi hệ số sức chứa vượt quá 100%. Chất lượng dịch vụ của xe buýt điện cũng vượt trội so với xe buýt truyền thống.
Ông Trần Đình Tiến, Trưởng phòng Kế hoạch vận hành của Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông Hà Nội cũng cho biết chi phí để đưa một chiếc xe buýt điện hoạt động trên đường phố là rất lớn, vì vậy rất cần có sự hỗ trợ tài chính. Hiện thành phố đã giao Trung tâm lập đề án chuyển đổi từ xe buýt truyền thống sang xe buýt điện, nhưng để thực hiện, cần rà soát và cập nhật hệ thống định mức giá cho các loại xe buýt khác nhau.
Trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình xe buýt điện trên toàn mạng lưới và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch trong giao thông công cộng, nhằm hiện thực hóa mục tiêu xanh hóa giao thông thành phố.
>>Vinbus thông báo mức giá mới nhất của 10 tuyến xe buýt điện
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/dau-tu-xe-dien-ton-gap-2-4-lan-xe-buyt-truyen-thong-vinbus-muon-ha-noi-go-vuong-ve-co-che-175073.html