Sở hữu nhiều khu công nghiệp lớn
Công ty TNHH MTV Phát triển hạ tầng KCN Chu Lai (CIZIDCO) được UBND tỉnh Quảng Nam thành lập vào tháng 10/2011, trụ sở chính tại lô số 5, đường số 1, KCN Bắc Chu Lai, huyện Núi Thành; Người đại diện pháp luật của công ty là ông Vũ Hồng Nhân, Chủ tịch Hội đồng thành viên và ông Lê Ngọc Thủy, Giám đốc công ty. Đến 8/3/2022, công ty có vốn điều lệ hơn 60,2 tỷ đồng.
CIZIDCO là chủ đầu tư 3 KCN lớn ở tỉnh Quảng Nam gồm: KCN Bắc Chu Lai, KCN Tam Thăng, KCN Tam Thăng mở rộng. Tổng vốn đầu tư 3 KCN này hơn 1.551 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, công ty này còn được tỉnh Quảng Nam giao nhiệm vụ kinh doanh dịch vụ Trung tâm Khách sạn Bàn Thạch; duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng thuộc Khu kinh tế mở Chu Lai; tư vấn khảo sát, lập quy hoạch, lập dự án đầu tư xây dựng các công trình Khu đô thị, giao thông, dân dụng, công nghiệp.
Về các KCN do công ty này làm chủ đầu tư, đến nay đã có 2 KCN đi vào hoạt động và kêu gọi đầu tư; 1 KCN nghiệp đang trong quá trình hoàn thành.
Cụ thể, đối với KCN Bắc Chu Lai được phê duyệt quy hoạch vào tháng 3/2004, có tổng diện tích hơn 361ha tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam.
Cụ thể, giai đoạn 1 là 176,9ha đã được đầu tư kết cấu hạ tầng hoàn chỉnh, trong đó đất công nghiệp cho thuê là: 143,8ha, đã cho thuê đất lấp đầy khoảng 90%.
Giai đoạn 2 có 184,5ha, đã đầu tư xây dựng hạ tầng được 50% diện tích, trong đó đất công nghiệp cho thuê 140,1ha, đã cho thuê lấp đầy 27,5%, hiện đang triển khai đầu tư kết cấu hạ tầng phần còn lại.
Tính đến 31/12/2022, KCN Bắc Chu Lai đã thu hút được 29 dự án (trong đó, 9 dự án vốn FDI với tổng vốn đăng ký khoảng 122,3 triệu USD và 20 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 4.232 tỷ đồng).
Tiếp đến là KCN Tam Thăng được Thủ tướng chính phủ phê duyệt vào tháng 3/2004, được Ban quản lý các KKT và KCN tỉnh Quảng Nam phê duyệt quy hoạch chi tiết với tổng diện tích 197,1 ha.
Khu công nghiệp này thu hút các ngành công nghiệp chính như: Dệt may và phụ trợ ngành dệt may; sản xuất linh kiện và thiết bị điện – điện tử; chế tạo máy móc; công nghiệp công nghệ cao; sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu; sản xuất sản phầm từ plastic.
Tính đến 31/12/2022, KCN Tam Thăng đã thu hút được 23 dự án. Trong đó, 19 dự án vốn FDI, với tổng vốn đăng ký hơn 540 triệu USD, thực hiện 500 triệu USD và 4 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký 338,6 tỷ đồng, thực hiện khoảng 270 tỷ đồng.
Cuối cùng là KCN Tam Thăng mở rộng, được Chính phủ phê duyệt vào tháng 1/2022, với diện tích 242ha thuộc xã Bình Nam, huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam.
Khu công nghiệp này sẽ thu hút các nhóm ngành sản xuất máy móc, thiết bị, cơ khí; linh kiện, thiết bị điện, điện tử; dệt, may – không có công đoạn nhuộm; chế biến gỗ, sản xuất thủy tinh, gốm sứ, vật liệu xây dựng… Dự kiến đến năm 2026, KCN này sẽ hoàn thành.
CIZIDO làm ăn thế nào?
Theo BCTC giữa niên độ cho giai đoạn tài chính 6 tháng kết thúc ngày 30/6 năm 2023, CIZIDCO ghi nhận doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ hơn 42,4 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ năm trước. Trừ đi các chi phí và giá vốn, lợi nhuận trước thuế đạt 11,2 tỷ đồng, tăng 86,6% so với cùng kỳ, lợi nhuận sau thuế gần 9 tỷ đồng, tăng 76,4%.
Trước đó, trong giai đoạn 2020-2022, doanh thu thuần của CIZIDCO tăng nhẹ qua các năm, khi năm 2020 ở mức 55,6 tỷ đồng, tăng lên 61,4 tỷ đồng năm 2021 và đạt 77,3 tỷ đồng năm 2022.
Lợi nhuận sau thuế của CIZIDCO ở mức hơn 6,7 tỷ đồng vào năm 2020 và 2021; năm 2022 lãi công ty đạt hơn 8,9 tỷ đồng.
Trên bảng cân đối kế toán, tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của CIZIDCO đạt hơn 1.205 tỷ đồng, tăng 58 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, tài sản ngắn hạn là 584,8 tỷ đồng, chủ yếu là các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn chiếm đến 527,6 tỷ đồng, tăng 22,7 tỷ đồng so với đầu năm 2023; tiền và tương đương của doanh nghiệp có 29,2 tỷ đồng.
Tài sản dài hạn của công ty hơn 620 tỷ đồng, riêng tài sản cố định ghi nhận 496,2 tỷ đồng.
Nợ phải trả của CIZIDCO đến cuối kỳ báo cáo ở mức 983,4 tỷ đồng, giảm 11 tỷ đồng so với đầu năm nay, chủ yếu là nợ dài hạn chiếm 722 tỷ đồng.