Mới đây, Bộ Công Thương đã công bố báo cáo kiểm tra chi phí sản xuất, cho thấy Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) lỗ hơn 34.000 tỷ đồng từ hoạt động sản xuất kinh doanh điện trong năm 2023. Dù thu nhập từ các hoạt động liên quan đến sản xuất kinh doanh điện đạt hơn 12.400 tỷ đồng, EVN vẫn báo lỗ ròng gần 22.000 tỷ đồng. Trước đó, năm 2022, EVN đã lỗ 26.235 tỷ đồng, nâng tổng mức lỗ của hai năm 2022 và 2023 lên hơn 48.000 tỷ đồng.
Trong 6 tháng đầu năm 2024, EVN tiếp tục lỗ sau thuế hơn 8.000 tỷ đồng, tuy nhiên con số này đã cải thiện đáng kể so với mức lỗ 29.107 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Chuyên gia nói gì?
Tại tọa đàm “Giá thành điện – Thực trạng và giải pháp” do Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ tổ chứcngày 10/10 vừa qua, các chuyên gia kinh tế, năng lượng và nhà quản lý đã thảo luận toàn diện về vấn đề này. Ông Nguyễn Thế Hữu, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), cho biết trong năm 2023, giá nhiên liệu đầu vào như than, dầu, khí, và tỷ giá ngoại tệ đều tăng cao do tình hình chính trị xã hội toàn cầu và ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Điều này đã khiến nguồn cung từ thủy điện – vốn là nguồn điện giá rẻ – giảm sút, trong khi các nguồn điện có giá cao như điện than và điện dầu lại tăng mạnh.
Nhu cầu điện của Việt Nam cũng tăng gần 10-11% trong năm qua, buộc ngành điện phải huy động thêm các nguồn điện có giá cao hơn. Tất cả các yếu tố này dẫn đến chi phí phát điện tăng cao, góp phần vào mức lỗ lớn của EVN.
>>Giá điện điều chỉnh như giá xăng, EVN sẽ thoát thua lỗ?
Trước tình hình lỗ kéo dài, ông Nguyễn Tiến Thỏa, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), cảnh báo rằng giá mua điện đang cao hơn giá bán, tạo áp lực lớn cho ngành điện. Ông lo ngại nếu EVN tiếp tục lỗ như vậy, tập đoàn sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo tín nhiệm tài chính để vay vốn và thu hút đầu tư tư nhân vào phát triển nguồn và lưới điện.
TS Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng Xanh, nhấn mạnh rằng nếu EVN tiếp tục duy trì giá điện thấp trong khi liên tục thua lỗ, an ninh năng lượng sẽ bị đe dọa nghiêm trọng. EVN sẽ không đủ nguồn lực để đầu tư vào các dự án lớn, càng làm trầm trọng thêm tình trạng khó khăn hiện tại.
Cùng quan điểm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, cho rằng cần phải giải quyết triệt để những bất cập này để đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên. Ông cảnh báo rằng nếu EVN cố gắng giảm giá mua điện, nhà sản xuất và nhà cung cấp điện sẽ mất động lực đầu tư, gây ảnh hưởng tiêu cực đến an ninh ngành điện.
Từ đó, Đại biểu Phan Đức Hiếu kiến nghị tách bạch chính sách an sinh – xã hội trợ giá điện để tính đúng, tính đủ giá điện. Hiện nay, Luật Điện lực đang xem xét sửa đổi, cơ chế chính sách điều chỉnh giá điện đã có, vì vậy cần được điều chỉnh theo đúng quy định.
>>EVN báo lỗ hơn 34.000 tỷ đồng từ kinh doanh điện
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/evn-lien-tuc-bao-lo-hang-chuc-nghin-ty-chuyen-gia-noi-gi-166336.html