Nền kinh tế sinh học tuần hoàn đang nhận được sự chú ý ngày càng tăng, trong cuộc tranh luận về tính bền vững đang diễn ra, vốn đã tăng cường sau khi nguồn quỹ “EU Thế hệ tiếp theo – Next Generation EU” được thông qua. Thống kê cũng cho thấy, quy mô thị trường nhựa sinh học và polymer sinh học toàn cầu là 11,5 tỷ USD vào năm 2022 và dự kiến đạt 27,3 tỷ USD vào năm 2027.
Thông tin từ Ủy ban châu Âu cũng cho thấy, trong 5-6 năm trở lại đây, đã có nhiều tổ chức trên toàn thế giới phát triển phương pháp tiếp cận toàn diện cho lĩnh vực nguyên liệu gốc sinh học. Đặc biệt tại các thị trường mới nổi của Châu Á Thái Bình Dương, việc mở rộng nhận thức về các vấn đề sức khỏe đã và đang thúc đẩy ngành công nghiệp sản xuất nhựa sinh học tăng lên đáng kể.
Riêng Việt Nam, thực tế có không ít doanh nghiệp tiên phong và theo đuổi xu hướng xanh. Gây chú ý với ý tưởng tạo ra giải pháp thay thế xanh hình thành từ năm 2020 (đợt dịch Covid-19 đầu tiên tại Việt Nam), AirX đã cho ra mắt khẩu trang làm từ cà phê và tạo thành cơn sốt.
Đến nay, AirX cho biết đã đạt được doanh số hàng trăm nghìn chiếc AirXCoffee Mask (loại mặt nạ tái sử dụng làm từ cà phê) mỗi ngày cho hơn 50 quốc gia trên thế giới. Khởi đầu làm dòng giày cà phê ShoeX (tham gia gọi vốn trên SharkTank), tuy nhiên AirX đã không còn tập trung vào sản phẩm này.
“Lúc còn du học ở Canada thì thấy mọi người bên đó đã rất quen với khái niệm tiêu dùng xanh, bền vững. Tuy nhiên, sau khi về ban đầu tôi cũng bỏ ngoài tai lĩnh vực này, vì nghĩ mọi người ở Việt Nam chưa quan tâm. Nhưng thực tế khiến tôi rất bất ngờ , khi chỉ 10 năm xu hướng này đã phát triển và hiện rất phổ biến ở Việt Nam”, ông Thanh nhớ lại.
Mặt khác, đại diện AirX là ông Lê Thanh còn chia sẻ vừa ra mắt nguyên liệu carbon âm tính từ cà phê đầu tiên trên thế giới. Trong đó, để đưa dự án cà phê của mình lên cấp độ tiếp theo là PP carbon âm tính, ông Thanh đã đầu tư khoảng 1,5 triệu USD để nghiên cứu vật liệu trong suốt 3 năm qua.
PP âm carbon được biết là nguyên liệu phù hợp trong sản xuất nhờ việc dễ gia công, hiện đang được nhiều doanh nghiệp Nhật Bản ở Việt Nam sử dụng. Song song với cà phê, PP âm carbon cũng được phát triển từ các phụ phẩm nông nghiệp thân thiện khác như tre, mía, gạo…, và đây cũng là mặt hàng thế mạnh của AirX đối với nhiều đối tác nước ngoài.
“Chứng nhận chất lượng đóng vai trò quan trọng trong việc tiếp cận các thương hiệu quốc tế, thúc đẩy sự phát triển của AirX trong một nền kinh tế sinh học tuần hoàn” , ông Thanh khẳng định.
Hiện tại, nguyên liệu này được nhiều doanh nghiệp, đối tác từ Nhật Bản, Singapore, Thái Lan và Châu Âu đặt hàng. Tổng thành phần phế thải cà phê hoặc nông nghiệp đang chiếm khoảng 30-80% và phần còn lại là PP tái chế có chứng nhận GRS.
Nói về Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu, Việt Nam đã công bố mục tiêu giảm phát thải 43,5% vào năm 2030, các mục tiêu phát thải cụ thể theo ngành cho năm 2030 và 2050, và các đề xuất định tính để đạt được các mục tiêu này.
“Những nỗ lực hiện tại là có ý nghĩa, nhưng Việt Nam đâu đó vẫn thiếu đi một chiến lược “khử carbon” chi tiết, nếu so sánh với tốc độ của những quốc gia phát triển trên thế giới”, vị này nói thêm.
Có nhiều nguyên nhân, đầu tiên do lạc hậu về công nghệ sản xuất, doanh nghiệp không biết bắt đầu từ đâu. Do đó, theo ông Thành cần kết nối nhiều hơn giữa chính quyền, doanh nghiệp và các đơn vị giáo dục tuyên truyền. Dù còn nhiều thách thức, tuy nhiên cái then chốt là nhu cầu khách hàng thì đang có. Ông Thanh cho biết nhận thức ngày người tiêu dùng về sản phẩm xanh thúc đẩy sự tăng trưởng nguyên liệu này, khi họ sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm gốc sinh học so với sản phẩm thông thường.
Với sự ra đời của vật liệu sinh học này, Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chơi mới về cung cấp thành phẩm đạt chuẩn chất lượng, trong bối cảnh các quy định mới về môi trường được áp dụng rộng rãi và nghiêm ngặt. Ngoài ra, từ thực tế nhiều đơn vị sản xuất tại Việt Nam đang dần hao hụt đơn hàng đi Châu Âu, Mỹ, Nhật Bản… do lệnh cấm nhựa, thì nguyên liệu này sẽ trở thành lựa chọn thay thế khả thi. Khi sản xuất ở quy mô đủ lớn, giá thành hạt PP âm carbon thậm chí sẽ cạnh tranh lớn với nhựa nguyên sinh, cạnh tranh sòng phẳng với các nguyên liệu nhập khẩu, đồng thời giúp các nhà máy giảm thiểu phát thải carbon ra môi trường.
Bên cạnh mục tiêu Net Zero, việc sử dụng nguyên liệu xanh có thể giúp các doanh nghiệp nước ngoài được hưởng lợi từ chính sách hỗ trợ thúc đẩy phát triển bền vững. Chẳng hạn, các dự án thân thiện với môi trường này được hưởng nhiều loại thuế ưu đãi nhất, bao gồm thuế suất ưu đãi 10% trong 15 năm kể từ năm dự án có doanh thu, hay 4 năm miễn giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tới.
“Doanh nghiệp cũng có thể xem xét việc miễn thuế từ các hiệp định thương mại tự do – FTA nhằm giảm hoặc loại bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng hóa giao dịch giữa các nước thành viên. Một số FTA có thể cung cấp ưu đãi thuế quan cho hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn môi trường nhất định hoặc được sản xuất bằng vật liệu xanh. Ví dụ, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), DNSX Việt Nam sử dụng nguyên liệu xanh có thể được giảm hoặc xóa bỏ thuế quan khi xuất khẩu sang EU, với điều kiện sản phẩm của họ đáp ứng các yêu cầu về quy tắc xuất xứ của EVFTA. Và những doanh nghiệp này hiện là khách hàng cũng như đối tác của AirX”, ông Thanh cho biết.