Trong bối cảnh thị trường năng lượng toàn cầu có nhiều biến động, Công ty TNHH Chứng khoán Guotai Junan dự báo giá khí tự nhiên có khả năng bước vào xu hướng tăng trong ngắn hạn.
Dự báo này dựa trên tình hình căng thẳng địa chính trị giữa Israel và Iran, nhu cầu sản xuất điện tại Mỹ cùng với việc nhiều dự án khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên toàn cầu bị chậm tiến độ, dẫn tới nguồn cung bị hạn chế.
Diễn biến giá khí tự nhiên. Nguồn: Chứng khoán Guotai Junan
Sự tăng giá của khí tự nhiên sẽ đẩy giá phân bón thế giới lên, tạo điều kiện thuận lợi cho Đạm Phú Mỹ (HoSE: DPM) điều chỉnh giá bán sản phẩm, đặc biệt là ure – sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp. Tại thị trường Việt Nam, nhu cầu phân bón tại khu vực miền Bắc được thúc đẩy sau bão Yagi, khi nông dân tăng cường hoạt động trồng trọt để khôi phục sản xuất nông nghiệp.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, Đạm Phú Mỹ có thể không hưởng lợi ngay lập tức, bởi nhu cầu chủ yếu hiện tại đang tập trung vào phân lân và NPK, trong khi sản phẩm NPK của công ty còn phải đối mặt với sự cạnh tranh lớn từ các đối thủ.
Ngoài việc hưởng lợi từ nhịp tăng giá của khí tự nhiên, đơn vị phân tích cũng nhấn mạnh về triển vọng của Đạm Phú Mỹ khi Quốc hội thông qua việc đưa mặt hàng phân bón trở lại diện chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Việc này sẽ giúp các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước được khấu trừ thuế, từ đó giảm chi phí sản xuất, đồng thời làm tăng giá phân bón nhập khẩu, cải thiện sức cạnh tranh của các sản phẩm phân bón nội địa.
Theo Chứng khoán Guotai Junan, đây sẽ là thông tin tích cực với Đạm Phú Mỹ và có thể trở thành yếu tố thúc đẩy giá cổ phiếu của công ty trong thời gian tới. Chốt phiên giao dịch 16/10, cổ phiếu DPM đóng cửa tại mức 34.150 đồng/cp. Tính theo mức giá này, vốn hóa của doanh nghiệp ước đạt hơn 13,4 nghìn tỷ đồng.
>> Năng lượng tái tạo chuyển tiếp tại Việt Nam: Sản lượng hiện tại đóng góp ra sao?
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/dam-phu-my-dpm-co-the-dieu-chinh-gia-ban-ure-do-gia-khi-tu-nhien-tang-cao-168112.html