Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán HSG) đã hoàn tất việc góp thêm 200 tỷ đồng để nâng vốn điều lệ CTCP Hoa Sen Yên Bái từ 421 tỷ đồng lên mức 621 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành tăng vốn là ngày 7/5/2024. Trong đó, mục đích huy động vốn nhằm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và triển khai dự án.
Sau tăng vốn, Hoa Sen sẽ sở hữu 97,26% vốn điều lệ còn các cổ đông khác sở hữu 2,74% vốn điều lệ tại Hoa Sen Yên Bái.
Hoa Sen Yên Bái được thành lập ngày 5/5/2016; địa chỉ tại tổ 11, phường Đồng Tâm, Tp. Yên Bái, tỉnh Yên Bái; và hoạt động chính trong lĩnh vực kinh doanh cho thuê văn phòng, kinh doanh nhà.
Đây là chủ đầu tư dự án Trung tâm thương mại dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và tổ chức sự kiện Hoa Sen Yên Bái (Khách sạn Yên Bái). Dự án được triển khai từ năm 2016 trên khu đất có diện tích 1,5 ha, với tổng vốn đầu tư dự kiến ban đầu 1.200 tỷ đồng, đặt mục tiêu đưa vào sử dụng từ năm 2020 tuy nhiên đến nay chưa hoàn thiện.
Theo thiết kế, dự án bao gồm 1 tòa nhà 15 tầng có tổng diện tích sàn 74.410m², được xây dựng thành khu phức hợp cung cấp các hạng mục đa dạng như: trung tâm thương mại, trung tâm hội nghị, khách sạn 4 sao, nhà hàng tiệc cưới, quán café, căn hộ cao cấp.
Tính tới 31/3/2024, trên BCTC hợp nhất của Hoa Sen, chi phí xây dựng cơ bản dở dang của dự án Khách sạn Yên Bái là 393,1 tỷ đồng, tăng thêm 7,3 tỷ đồng so với đầu năm.
Ngoài Hoa Sen Yên Bái, cuối năm qua, Hoa Sen đã đánh tiếng lập CTCP Hoa Sen Sài Gòn có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Công ty sẽ hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, có trụ sở tại số 22 – 24 Nguyễn Cơ Thạch, Khu đô thị Sala (thành phố Thủ Đức, Tp.HCM).
Trong đó, Hoa Sen sẽ sở hữu 40% vốn điều lệ của Hoa Sen Sài Gòn. Ông Trần Ngọc Chu, Thành viên HĐQT của Công ty sẽ là người đại diện phần vốn góp tại đơn vị này.
Phía Hoa Sen cho biết, Hoa Sen Sài Gòn sẽ tìm kiếm bất động sản trị giá 1.000 – 3.000 tỷ đồng để phát triển dự án văn phòng – trung tâm thương mại – nhà ở; bố trí văn phòng làm việc cho HSG, cho thuê hoặc xem xét chuyển nhượng nếu điều kiện phù hợp.
Thời gian triển khai đầu tư dự kiến trong tháng 1/2024. Trong trường hợp các cổ đông khác của Hoa Sen Sài Gòn chưa thu xếp kịp vốn để đầu tư vào các dự án, HSG sẽ tạm ứng kinh phí hoặc bảo lãnh các khoản vay của các cổ đông tại ngân hàng.
Thực tế, Hoa Sen đã có 15 năm kể từ khi lấn sân sang bất động sản, nhưng chưa tạo được dấu ấn trên thị trường. Cụ thể, năm 2009, doanh nghiệp cùng lúc đầu tư vào bất động sản với 5 dự án: Khu chung cư cao tầng Hoa Sen – Phố Đông (quận 9, Tp.HCM); căn hộ Hoa Sen Phước Long B (quận 9, Tp.HCM); căn hộ Hoa Sen Riverview (quận 9, Tp.HCM); Văn phòng trụ sở Hoa Sen Group (quận 2, Tp.HCM); góp 45% vốn vào dự án Cảng quốc tế Hoa Sen – Gemadept.
Song, chỉ sau 2 năm, Hoa Sen bất ngờ tuyên bố rút khỏi mảng kinh doanh phụ và tập trung cho lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là thép. Doanh nghiệp chuyển nhượng để rút hết vốn ra khỏi 4 dự án, chỉ giữ lại dự án Phố Đông – Hoa Sen đang xây dựng dở dang.
Năm 2016, HSG trở lại lĩnh vực này với việc thành lập tới 4 công ty con chuyên đầu tư vào địa ốc gồm CTCP Hoa Sen Yên Bái, CTCP Hoa Sen Hội Vân, CTCP Hoa Sen Vân Hội và CTCP Hoa Sen Quy Nhơn. Tuy nhiên, công ty lần lượt giải thể Hoa Sen Hội Vân, Hoa Sen Vân Hội, Hoa Sen Quy Nhơn; chỉ giữ lại Hoa Sen Yên Bái để thực hiện dự án nói trên.
Nguồn tin: https://cafef.vn/cuoc-choi-moi-cua-ong-le-phuoc-vu-tren-thi-truong-bat-dong-san-188240605063247253.chn