“Con chị xem tiktok bảo là người ta bán chai dầu gội này chỉ 18.000 đồng, em bán hơn 70.000 đồng mà cứ nói chỉ lãi 1.000, 2.000. Chị mua hàng ở đây bao nhiêu năm, hóa ra em ăn lãi trên lưng chị dày quá!” – Chủ hiệu thuốc trong một khu chung cư tại Hà Nội tức giận khi kể lại tình huống gặp phải với khách hàng sau khi Dược phẩm Hoa Linh và “chiến thần” tiktoker Hà Linh tung ra chương trình “xanh 18 “cành”, nâu chỉ 11 “cành”.
Không chia sẻ mức giá nhập dầu gội đầu Nguyên Xuân của Dược phẩm Hoa Linh, nhưng chủ hiệu thuốc này vẫn không ngừng khó chịu nói rằng, chưa bao giờ có thể nhập hàng với 18.000 đồng. Thế nhưng, họ đang bị khách hàng “đổ tiếng oan” là đội giá, ăn dày và không chỉ trả lại một sản phẩm dầu gội, với cái nhìn như vậy, khách hàng có thể không quay lại mua bất kỳ sản phẩm nào khác tại hiệu thuốc này.
Đó là nguyên nhân khiến cho làn sóng quay lưng, chẩy chay Hoa Linh nổi lên trong cộng đồng các hiệu thuốc Tây trong những ngày qua. Thậm chí, nhiều chủ hiệu thuốc vì quá tức giận đã nảy ra suy nghĩ rủ nhau mua hàng trong phiên livestream của Hà Linh rồi… bom hàng.
Tối 4/4, tiktoker Hà Linh đã giải thích rằng đây chỉ là chương trình có hạn, nội dung cụ thể là combo Dầu gội Nguyên Xuân xanh Hoa Linh cùng dầu xả và tặng kèm kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu được bán với giá 158.000 đồng. Trong đó, kem đánh răng dược liệu Ngọc Châu đang được bán trên thị trường với giá tầm 70.000 đồng, dầu xả Nguyên Xuân cũng có giá khoảng 70.000 đồng. Như vậy, với 158.000 combo 3 món, giá của Dầu gội Nguyên Xuân xanh chỉ còn 18.000 đồng như đã nói.
Dược phẩm Hoa Linh cũng đưa ra lời xin lỗi, nhưng không thể phủ nhận rằng lời giải thích này không có sức nóng bằng những cụm từ “phá giá, sập sàn, 18 cành” đã được ghim trong đầu người tiêu dùng.
Tuy nhiên, đối tượng khổ nhất ở đây không phải Hoa Linh hay chủ các hiệu thuốc mà là các trình dược viên.
“Sau vụ đó, các nhà thuốc đổ hết sự tức giận lên đầu trình dược viên và đội trình dược viên đến gặp bị mắng ghê lắm” – Một trình dược viên cho biết. Không chỉ “ầm ĩ” trên mạng xã hội mà thực tế, hàng loạt chủ nhà thuốc đã “dọa” ngừng bán hàng do trình dược viên đem đến.
Trình dược viên có thể hiểu là đội ngũ sale của các nhãn dược phẩm, là cầu nối làm việc, bán hàng chủ yếu giữa các doanh nghiệp dược phẩm và nhà thuốc.
Quy trình làm việc mô tả đơn giản từ việc Trình dược viên đến gặp, giới thiệu sản phẩm thuốc hoặc thực phẩm chức năng, đưa ra chính sách chiết khấu với mong muốn nhà thuốc nhập hàng. Tùy theo nhu cầu và chính sách từ nhãn hàng, nhà thuốc sẽ quyết định có nhập hay không.
Một số công ty có thể có chính sách bán hàng điểm, ví dụ trong một vùng chỉ có độc quyền 1 nhà thuốc đó bán sản phẩm của công ty, sẽ khiến nhà thuốc dễ đồng ý hơn.
Giống như góc nhìn thông thường của người dân về ngành dược thì những người làm trình dược viên cũng được miêu tả là ngành có thu nhập rất cao. Tuy nhiên, không nghề sale nào không vất vả.
“Trừ khi là brand quá mạnh, trừ khi khách chủ động đến nhà thuốc và hỏi mua sản phẩm liên tục, còn không thì việc đưa được 1 sản phẩm vào 1 nhà thuốc là cả một vấn đề” – Chuyên gia Digital Marketing Phùng Thái Học chia sẻ.
Chuyên gia này từng theo chân trình dược viên đi bán hàng, có khi đội nắng đội gió, đứng ở cửa nhà thuốc, chờ lúc nào vãn khách mới được vào chào hàng.
“Lúc đang đông mà vào còn bị chửi nữa. Nhiều lúc đến nhà thuốc mà không có chủ thì lại đi về, hôm sau đến lại. Nói chung là cả một kỳ công của Trình Dược Viên để đưa được sản phẩm vào quầy thuốc” – Ông Phùng Thái Học mô tả.
Các trình dược viên được hỏi đều khẳng định tính chất công việc này như vậy. Và để nhà thuốc nhập hàng thì trình dược viên cũng phải chăm sóc những người bán thuốc khá kỹ càng. Chất lượng đội ngũ trình dược viên quyết định doanh số bán hàng của doanh nghiệp.
Hiện nay, 2 kênh phân phối chính của doanh nghiệp dược là kênh qua bệnh viện (ETC) và kênh qua nhà thuốc (OTC). Với thực phẩm chức năng, một kênh phân phối khác được sử dụng là bán hàng online. Sự phát triển của Thương mại điện tử mà tiktok shop là một kênh hiệu quả đang thúc đẩy các hãng dược như Hoa Linh sử dụng.
Mặc dù vậy, với đặc thù sản phẩm dược, hệ thống hàng nghìn nhà thuốc trên toàn quốc là một lực lượng vô cùng quyền lực không thể thay thế. Sẽ không có doanh nghiệp dược phẩm nào mạo hiểm làm ảnh hưởng đến quyền lợi của hệ thống đại lý được xây bằng mồ hôi nước mắt của hàng ngàn người.
Sản phẩm dầu gội và kem đánh răng của Dược phẩm Hoa Linh ít được nhận diện trong các chuỗi siêu thị so với trong các hiệu thuốc, khi đơn vị sản xuất là một hãng dược, và sản phẩm được định vị là “dầu gội/ kem đánh răng dược liệu”.
Bằng kinh nghiệm bản thân, một số trình dược viên đánh giá, giá thành sản xuất của một sản phẩm chỉ chiếm 20% giá bán, còn 80% là tiền marketing và chiết khấu cho các bên liên quan như nhà thuốc hoặc trình dược. Việc đưa sản phẩm vào hiệu thuốc có phần dễ hơn đưa vào siêu thị và mức chiết khấu cũng thấp hơn. Chưa kể các chủ tiệm thuốc đóng vai trò là người tư vấn cho một sản phẩm “dược liệu” sẽ tốt hơn rất nhiều so với nhân viên siêu thị.
Nói tóm lại, với tình cảnh hiện nay, chủ các nhà thuốc có thể nổi giận, cũng có quyền quyết định tẩy chay Hoa Linh hay không nhưng người gánh chịu nỗi tức giận đó đang là các trình dược viên.
“Lẽ ra trước khi đưa ra chương trình quảng cáo như vậy, Hoa Linh nên gửi thông báo trước đến các nhà thuốc và giải thích rõ về chương trình” – Trình dược viên chia sẻ.
Và ai cũng phải thừa nhận rằng, TikToker Hà Linh là bên hưởng lợi nhất trong sự cố này. Càng nhiều người bàn tán, livestream của Hà Linh càng có thêm người biết tới, dù sau này các nhãn hàng hợp tác sẽ rút kinh nghiệm hơn trong việc kiểm soát ngôn từ của KOC.