Kết thúc phiên giao dịch ngày 25/6, cổ phiếu HRT của CTCP Vận tải Đường sắt Hà Nội tăng trần 15% đạt mức giá 9.700 đồng/cp. Đây đã là phiên tăng trần thứ hai liên tiếp của cổ phiếu này. Thị giá của HRT đã tăng 28% chỉ trong một tuần trở lại đây và đưa cổ phiếu này lên mức cao nhất trong vòng hai năm qua.
Không chịu kém cạnh, cổ phiếu SRT của CTCP Đường sắt Sài Gòn cũng tăng trần 15% trong phiên 25/6, đạt mức giá 8.700 đồng/cp. Đây cũng là mức giá cao nhất trong vòng hai năm qua của cổ phiếu này.
Cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều là công ty con của tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR). Hiện VNR đang sở hữu 91% vốn của HRT và 78% vốn của SRT.
Cổ phiếu của ngành đường sắt “nổi sóng’ trong thời gian gần đây sau khi có doanh nghiệp Trung Quốc ngỏ ý muốn giúp Việt Nam khai thác hiệu quả hơn. Cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có buổi gặp gỡ và làm việc với Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC).
Được biết, CRRC có lịch sử phát triển lâu đời, thuộc Tập đoàn Toa xe Trung Quốc, là doanh nghiệp Nhà nước quy mô lớn trọng điểm duy nhất của Trung Quốc độc lập phát triển và sản xuất đầu máy đường sắt (bao gồm đầu máy diesel, đầu máy điện), phương tiện đường sắt đô thị, tàu tốc hành và đầu máy năng lượng mới, có nhiều công nghệ hàng đầu thế giới trong lĩnh vực đường sắt.
Tại buổi làm việc nói trên, Thủ tướng mong muốn Việt Nam và Trung Quốc có thể đẩy mạnh hơn nữa hợp tác, kết nối hai nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực đường sắt – đây cũng là lĩnh vực mà Việt Nam có nhu cầu quan trọng và cấp bách trong giai đoạn hiện nay.
Với năng lực và ưu thế của CRRC, Thủ tướng đề nghị công ty nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các doanh nghiệp Việt Nam về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn. Đồng thời, tham gia xây dựng các dự án đường sắt chất lượng, hiệu quả, góp phần phát triển công nghiệp đường sắt tại Việt Nam; đồng thời hoan nghênh CRRC tham gia các dự án, lĩnh vực khác như năng lượng mới.
Về phía CRRC, Chủ tịch Hội đồng quản trị CRRC, ông Tôn Vinh Khôn bày tỏ mong muốn tham gia cụ thể hóa các thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao hai nước, dưới chỉ đạo của Chính phủ hai nước.
Bên cạnh đó, công ty sẵn sàng tham gia xây dựng các tuyến đường sắt kết nối giữa hai nước, cũng như các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP. HCM cũng như cung cấp các giải pháp tổng thể, công nghệ cao, thúc đẩy nội địa hóa, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo nhân lực. Từ đó, góp phần giúp Việt Nam phát triển ngành công nghiệp đường sắt, cũng như phát triển các lĩnh vực như giao thông năng lượng mới, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước.
SỰ LỘT XÁC CỦA NGÀNH ĐƯỜNG SẮT VIỆT NAM SAU ĐẠI DỊCH COVID-19
Kể từ sau dịch Covid-19, ngành đường sắt Việt Nam đã chứng kiến một cú lột xác ngoạn mục. Trước đây, khi nói đến đi tàu hỏa sẽ không phải là lựa chọn của nhiều người vì chất lượng dịch vụ kém, thời gian di chuyển lâu và cơ sở hạ tầng cũ kỹ. Thậm chí đã có rất nhiều người còn nhận định ngành đường sắt Việt Nam đã quá lạc hậu.
Tuy nhiên, trong những năm trở lại đây VNR đã thực sự chăm chút, đầu tư cái thiện dịch vụ cho các tuyến đường sắt. Ví dụ, cho đến nay, VNR đã khai trương nhiều tuyến tàu hỏa 5 sao chất lượng cao, điều chưa từng xảy ra trước đây. Ví dụ có thể kể đến như Hà Nội – Hải Phòng; Hà Nội – Lào Cai; Hà Nội – Đà Nẵng; Đà Nẵng – Huế – Đồng Hới; TP.HCM – Nha Trang; TP.HCM – Bình Thuận; TP.HCM – Đà Nẵng…
Trong một trao đổi mới đây, ông Hoàng Gia Khánh, Tổng giám đốc VNR cho biết hiện ngành đường sắt phục vụ lượng khách hàng rất nhỏ so với 5 loại hình vận tải. Tuy nhiên, những năm gần đây ngành đã có sự đầu tư về cơ sở hạ tầng.
“Chúng tôi đã có những nỗ lực lớn mặc dù việc đầu tư cho 1 dự án lớn trong những năm gần đây là không có do nguồn vốn và thị phần vận tải giảm. Hai năm trở lại đây, ngành đường sắt đã đầu tư cải tạo lại phương tiện vận chuyển như các đoàn tàu, toa xe, nâng cấp chất lượng phục vụ hành khách tiện nghi. Chúng tôi cải tạo từ cái nhỏ nhất như nhà vệ sinh”, ông Hoàng Gia Khánh chia sẻ.
Tổng giám đốc VNR cũng cho biết thêm: “Ngày xưa đi tàu hay có mùi tàu thì nay đã cải tạo tất cả hệ thống vệ sinh, bồn chậu rửa theo hướng tiện nghi, phục vụ cho công tác du lịch là chính vì đường sắt có tốc độ chậm, khách hàng đa số dùng cự ly ngắn dưới 500km. Đường dài thì chúng tôi gần như không cạnh tranh đc. Việc chỉnh trang lại các khu vực nhà ga, cải tạo điểm đầu để đem lại cảm giác thoải mái cho các vị khách là những việc chúng tôi đang làm”.
Ông Hoàng Gia Khánh chia sẻ năm qua VNR đã khai trương các đoàn tàu chất lượng cao như se19 20 trên tuyến Huế – Đà Nẵng. Tổng công ty cũng phối hợp các địa phương, công ty du lịch để làm ra các hành trình theo yêu cầu. Ví dụ để tăng tính truyền thông quảng bá cho đoàn tàu du lịch Huế – Đà Nẵng, tổng công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch sơn mới 1 toa tàu mang hình ảnh đặc trưng của du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.
Không chỉ cải thiện chất lượng dịch vụ, ngành đường sắt còn không ngừng tạo ra những sản phẩm mới. Mới đây, tổng công ty Đường sắt Việt Nam và CTCP Vinpearl tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm thúc đẩy phát triển các điểm đến du lịch tại Việt Nam.
Theo đó đó, Vinpearl sẽ tư vấn chiến lược phát triển sản phẩm du lịch, đồng thời cung cấp những chính sách ưu đãi đặc biệt về dịch vụ và các tiện ích trong hệ sinh thái sản phẩm Vinpearl đặc biệt là hệ thống VinWonders, Vinpearl Safari ở các Thành phố du lịch cho các khách hàng của Đường sắt Việt Nam.
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ trên các chuyến tàu, tạo ra các sản phẩm mới với hàng loạt trải nghiệm giàu tính bản địa trên mỗi chuyến tàu, áp dụng chính sách ưu đãi vé dành cho khách du lịch tới các điểm đến có Vinpearl trên cả nước.
Còn theo chia sẻ của ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch CTCP Vận tải đường sắt Hà Nội sự tăng trưởng của ngành đường sắt một phần là do giá vé máy bay tăng cao gần đây. Điều này khiến nhiều người dân phải cân nhắc và chọn lựa các phương tiện di chuyển khác như tàu hỏa, nhất là trong những dịp cao điểm như ngày lễ, ngày nghỉ.
Qua khảo sát thị trường cho thấy việc tăng giá vé máy bay đã dẫn đến giá cả các tour du lịch tăng từ 15-17%. Du khách phải cân nhắc khi chọn lựa phương tiện di chuyển. Điều này mở ra cơ hội cho du lịch bằng tàu hỏa, với giá vé rẻ hơn và tiết kiệm hơn cho người dùng. Ông Đỗ Văn Hoan cũng nhìn nhận, sau thời gian khai thác, số lượng khách đi tàu có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó nhiều khách quốc tế lựa chọn đây là phương tiện đi lại
Để thu hút khách đi tàu, ngành đường sắt đã có chủ trương, định hướng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch và có những chính sách hợp tác cụ thể phù hợp với từng công ty du lịch. Qua đó kịp thời thích ứng và có sự chuyển mình tích cực, tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng tiện ích và dịch vụ cho hành khách đi tàu.
Thành quả mà ngành đường sắt có được ngày hôm nay đã thể hiện ngay qua những con số. Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, ngành đường sắt trong 5 tháng đầu năm đã phục vụ 2,8 triệu lượt khách, tăng 14% so với cùng kỳ năm trước.
Còn tại Đà Nẵng, ngành du lịch thành phố này đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ của dòng khách di chuyển bằng tàu hỏa. Số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa đã đạt hơn 16.000 lượt, tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài ra, các doanh nghiệp trong ngành đường sắt cũng báo kết quả kinh doanh năm 2023 cao nhất trong nhiều năm trở lại đây. Ví dụ cả Đường sắt Hà Nội và Đường sắt Sài Gòn đều báo lãi tăng trưởng mạnh trong năm trước.
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-phieu-duong-sat-tang-15-30-trong-1-tuan-cuoc-bat-tay-voi-hang-tau-trung-quoc-toa-tau-5-sao-va-nhung-mon-loi-nhuan-cao-nhat-nhieu-nam-188240625174310133.chn