Ngày 19/3/2024, hai doanh nghiệp sản xuất thép lớn trong nước gồm Tập đoàn Hòa Phát và Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa đã gửi hồ sơ đến Bộ Công Thương đề nghị điều tra chống bán phá giá đối với sản phẩm thép cán nóng (HRC) nhập khẩu (Chủ yếu từ Trung Quốc, Ấn Độ).
2 DN này mong muốn cơ quan nhà nước có biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp sản xuất thép HRC trong nước trước tình trạng lượng thép HRC nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ vào Việt Nam tăng đột biến trong năm 2023 và 2 tháng đầu năm 2024. Đồng thời, giá HRC nhập khẩu giảm mạnh.
Vào năm ngoái, một số DN tôn mạ và ống thép Việt Nam bao gồm Hoa Sen, Tôn Đông Á, Nam Kim, Tôn Phương Nam cũng đã nộp đơn đề nghị khởi xướng điều tra và áp thuế chống bán phá giá đối với tôn mạ và tôn mạ màu nhập khẩu từ Trung Quốc, Hàn Quốc vào Việt Nam.
Thông tin trên Nikkei ngày 10/5/2024 cho biết, Bộ Thương mại Thái Lan đang điều tra và xem xét mở rộng các biện pháp chống bán phá giá đối với thép cuộn cán nóng từ Trung Quốc, do thép nước này tràn ngập vào Thái Lan, làm cho các nhà máy thép xứ sở Chùa Vàng lao đao vì dư thừa công suất và hiệu suất sử dụng thấp.
Bộ Ngoại thương Thái Lan (DFT) có thể kết thúc cuộc điều tra vào tháng 6, sau khi nhận được đơn đề nghị điều tra vào năm ngoái từ Sahaviriya Steel, G Steel và GJ Steel, những nhà sản xuất thép cuộn cán nóng lớn nhất Thái Lan.
Trước đó, cơ quan này đã nhận được đơn kiến nghị từ một số công ty sản xuất thép cuộn nóng lớn nhất cả nước, trong bối cảnh các doanh nghiệp của xứ sở chùa vàng lao đao vì không bán được hàng.
Các nguyên đơn yêu cầu DFT điều tra trường hợp 17 nhà sản xuất thép Trung Quốc được cho là đã trốn thuế chống bán phá giá, sau khi thay đổi các thành phần trong sản phẩm thép của họ. Theo DFT, chính quyền Thái Lan đã tìm thấy bằng chứng về việc thay đổi này và bán phá giá của các nhà sản xuất thép Trung Quốc.
Đông Nam Á, điểm đến xuất khẩu thép hàng đầu của Trung Quốc, đang phải đối mặt với nguồn cung dư thừa khi các lĩnh vực bất động sản, cơ sở hạ tầng và sản xuất của Trung Quốc trì trệ. Sản lượng thép thô của Trung Quốc năm ngoái vẫn ở mức tương đương năm 2022, dù mức tiêu thụ giảm 3,5% so với năm trước. Xuất khẩu tăng 39%.
Trong khi đó, nhập khẩu thép của Thái Lan đang tăng mạnh, lên 63% tổng nguồn cung vào năm 2023, tăng từ mức 58% vào năm 2014. Trong cùng thời gian đó, sản xuất trong nước giảm từ 42% xuống 37% tổng nguồn cung. Thái Lan đã sử dụng tổng cộng 16 triệu tấn thép vào năm 2023. Nước này chỉ sản xuất được 30% công suất, thấp hơn mức trung bình 58% của Đông Nam Á hoặc mức trung bình toàn cầu là 77%.
Theo ông Wirote Rotewatanachai, Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan, việc để ngành thép Thái Lan lụi tàn sẽ là một vấn đề đối với an ninh quốc gia. Ông nói với Nikkei Asia: “Chúng ta nên bảo vệ ngành công nghiệp nội địa trong trường hợp xảy ra các vấn đề như gián đoạn chuỗi cung ứng, đặc biệt là hiện nay đang có nhiều xung đột địa chính trị”.
Chủ tịch Viện Sắt thép Thái Lan Wirote cho biết, hợp kim được các nhà sản xuất Trung Quốc trộn vào sản phẩm thép để tránh các biện pháp chống bán phá giá gây ra vấn đề kiểm soát chất lượng cho các nhà sản xuất thép Thái Lan, vốn dựa vào phế liệu thay vì quặng sắt.
Nguồn cung dồi dào, các nhà sản xuất Trung Quốc cung cấp cho người mua Thái Lan mức giá rẻ hơn so với các nhà sản xuất thép nội địa. Năm 2023, giá thép mạ từ Trung Quốc thấp hơn 39% so với sản phẩm của Thái Lan. Thép cuộn Trung Quốc được bán với giá chiết khấu 16%.
Trong một phiên điều trần công khai trước DFT, các nhà nhập khẩu thép từ Trung Quốc tại Thái Lan phản đối kiến nghị trên. Họ cho rằng chính sai lầm trong quyết định đầu tư khiến ngành công nghiệp thép trong nước mất đi năng lực cạnh tranh.
“Các nhà sản xuất thép Thái Lan nên tập trung vào việc cải thiện chất lượng sản phẩm và mở rộng các kênh bán hàng để tránh cạnh tranh về giá, nếu không họ sẽ thua trước hàng nhập khẩu giá rẻ bất chấp các biện pháp bảo vệ từ chính phủ”, Trung tâm Tình báo Kinh tế của Ngân hàng Thương mại Siam cảnh báo vào năm 2017 – thời điểm Thái Lan áp dụng biện pháp chống bán phá giá đối với hàng loạt sản phẩm thép nhập khẩu.
Một số công ty thép Thái Lan hy vọng tận dụng các ưu đãi của Chính phủ bằng cách cung cấp thép đặc biệt cho các nhà sản xuất xe điện. Nhưng việc chuyển sang các sản phẩm có giá trị cao sẽ cần đến sự đầu tư và chia sẻ kiến thức từ các công ty như Nippon Steel của Nhật Bản, bên đã mua lại G Steel và GJ Steel vào năm 2022 với giá 722 triệu USD. Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản đã nhập khẩu thép kể từ khi thành lập chuỗi cung ứng ở Thái Lan cách đây 30 năm.
Ông Wirote cho biết: “Chính phủ Thái Lan đã yêu cầu các nhà sản xuất xe điện sử dụng chuỗi cung ứng địa phương của chúng tôi càng nhiều càng tốt. Nhưng chúng tôi có thể thấy một số nhà sản xuất thép Trung Quốc thiết lập cơ sở ở Thái Lan để cung cấp cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, vốn sẽ cạnh tranh với các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản.”
Trước đó, vào ngày 7/5, tờ Bangkok Post của Thái Lan cũng cho biết, Hiệp hội các nhà sản xuất thép dài EAF cảnh báo nhiều nhà sản xuất thép Thái Lan có thể sẽ đóng cửa trong năm nay, do không chống chọi được với làn sóng bán phá giá từ Trung Quốc.
Chủ tịch hiệp hội, ông Chaichalerm Bunyanuwat, chỉ ra lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm giảm công suất hiệu dụng (capacity utilisation) của ngành thép Thái Lan, với tỉ lệ giảm xuống 28% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 2 năm nay, đánh dấu mức thấp mới. Hiệp hội trên cho biết sản lượng thép dài của Thái Lan đã giảm xuống còn khoảng 6 triệu tấn, giảm từ mức khoảng 7 triệu tấn trong giai đoạn 4-5 năm qua.
Số liệu từ hiệp hội này cho biết, các nhà sản xuất thép của Trung Quốc đã tăng xuất khẩu các sản phẩm thép, bao gồm thép dài và thép dây cán nóng, hơn 37,5% lên 15,9 triệu tấn trong giai đoạn từ tháng 1 đến tháng 2 so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng thời gian, lượng thép Thái Lan nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 18% so với cùng kỳ lên 244.000 tấn.
Nguồn tin: https://cafef.vn/cung-luc-dn-viet-nam-de-nghi-dieu-tra-chong-ban-pha-gia-hrc-thai-lan-muon-mo-rong-cac-bien-phap-cbpg-moi-doi-voi-thep-trung-quoc-18824051307261613.chn