Sở Công Thương TPHCM vừa kiến nghị UBND Thành phố bổ sung dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ 6.000 MW của Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á vào danh mục dự án điện gió ngoài khơi tiềm năng trong dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2023, tầm nhìn tới năm 2050 (Quy hoạch điện VIII).
Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ do Liên doanh các nhà đầu tư là Công ty CP Năng lượng Dầu khí châu Á (Asiapetro) – Tập đoàn Tokyo Gas – Tập đoàn Shizen Energy thực hiện. Địa điểm đầu tư là khu vực ngoài khơi thuộc Nam Biển Đông. Tổng diện tích khảo sát khoảng 325.123 ha. Khu đất liền nằm tại Khu công nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 2, thuộc xã Hiệp Phước, Nhà Bè, với diện tích khoảng 8 ha.
Quy mô đầu tư khoảng 6.000 MW, chia làm 4 giai đoạn. Giai đoạn 2031-2035 (giai đoạn 1) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia vào năm 2031 và 1.000 MW (giai đoạn 2) cho mục đích cấp điện sản xuất hydrogen vào năm 2035.
Giai đoạn 2036 – 2040 (giai đoạn 3) sẽ đầu tư khoảng 2.000 MW cho các mục đích phát điện lên lưới điện quốc gia và 1.000 MW (giai đoạn 4) cho mục đích cấp điện sản xuất hydrogen.
Tổng mức đầu tư cho giai đoạn 313.372 tỷ đồng. Tổng diện tích chiếm đất có thời hạn của dự án dự kiến khoảng 607,97 ha (giai đoạn 2031 – 2035 và 550,97 ha cho giai đoạn 2036-2040). Dự án này sẽ cấp điện đấu nối vào lưới điện quốc gia 500 kV.
Trong 3 nhà đầu tư Dự án nhà máy điện gió ngoài khơi Cần Giờ, Tokyo Gas và Shizen Energy là 2 Tập đoàn Nhật Bản. Trong đó, Tokyo Gas là công ty kinh doanh khí thiên nhiên lớn nhất Nhật Bản và là đối tác quan trọng của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam và PV GAS trong nhiều năm qua còn Shizen Energy hoạt động trong lĩnh vực lắp đặt và xây dựng năng lượng tái tạo điện mặt trời, điện gió, thủy điện quy mô nhỏ, là cổ đông và đối tác kỹ thuật của Halcom Việt Nam.
Tokyo Gas góp tên trong liên danh nhà thầu hợp tác đầu tư dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh có công suất 1.500MW, kinh phí đầu tư trên 47.000 tỷ đồng (~ 2 tỷ USD). Tokyo Gas Asia (công ty con của Tokyo Gas) góp vốn trong CTCP LNG VIETNAM cùng với PV GAS, Bitexco. Bên cạnh đó, Tokyo Gas Asia còn đang sở hữu 25% VĐL tại Công ty Cổ phần Phân phối khí thấp áp Dầu khí Việt Nam (PV Gas D).
Còn công ty Việt Nam trong liên doanh Dự án điện gió Cần Giờ Asiapetro cũng góp mặt trong liên doanh nhà đầu tư Dự án điện gió ngoài khơi La Gàn với công suất 3.5GW, có tổng giá trị đầu tư khoảng 10,5 tỷ USD.
Asia Petro của ai?
CTCP Năng lượng Dầu khí châu Á (Asiapetro) được thành lập vào tháng 2/2008, đăng ký ngành nghề chính là hoạt động chuyên môn, khoa học và công nghệ khác chưa được phân vào đâu (cụ thể: tư vấn chuyển giao công nghệ năng lượng). Trên website, Asiapetro cho biết mục tiêu của công ty là phát triển thành công trong lĩnh vực năng lượng tái tạo và Điện gió ngoài khơi tại Việt Nam.
Ngày 14/7/2017, công ty này tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 100 tỷ đồng, ông Đặng Quốc Toản (SN 1973) là chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật của công ty.
Asiapetro đang góp vốn trong 2 công ty về năng lượng tái tạo là CTCP Điện gió Duyên Hải và CTCP Phát triển dự án điện gió La Gan.
CTCP Phát triển dự án điện gió La Gan là đơn vị phát triển dự án Điện gió ngoài khơi La Gàn 10,5 tỷ USD. Công ty thành lập năm 2020, công ty có vốn điều lệ khi mới thành lập là 23,21 tỷ, Asiapetro góp 5% VĐL, CI NMF I Cooperatief U.A góp 91% VĐL và Novasia Energy góp 4% VĐL. Ông Đặng Quốc Toản là thành viên HĐQT kiêm người đại diện pháp luật.
Còn CTCP Điện gió Duyên Hải có vốn điều lệ 14,3 tỷ đồng; Asiapetro góp 11,96%, Đặng Quốc Toản 87,94% và Diệp Thanh Hải 0,1%. Bên cạnh đó, ông Đặng Quốc Toản cũng đang là Tổng giám đốc tại Điện gió Duyên Hải.
Điện gió Duyên Hải là chủ đầu tư dự án Nhà máy Điện gió Duyên Hải. Giai đoạn 1 của dự án đã được khởi công vào tháng 4/2019 có công suất 48MW (bao gồm 12 turbin gió, mỗi turbin 4MW); diện tích sử dụng khoảng 1.200ha tại tỉnh Trà Vinh. Kế hoạch tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 100 triệu USD, tương đương trên 2.000 tỷ đồng Việt Nam; trong đó vốn tự có của chủ đầu tư chiếm 20%, còn lại 80% là nguồn vốn vay ngân hàng.
Ngoài ra, ông Đặng Quốc Toản cũng đang Chủ tịch HĐQT của CTCP Tư vấn xây dựng năng lượng tái tạo Greenasia thành lập năm 2016, vốn điều lệ 20 tỷ, ông Toản là cổ đông sáng lập nắm 70%, 3 cổ đông sáng lập còn lại là ông Diệp Thanh Hải, ông Lê Công Thành và ông Lâm Hoài Vương mỗi người nắm 10% vốn cổ phần.