Trong phiên giao dịch ngày 29/7, cổ phiếu HVN của Vietnam Airlines đã bất ngờ tăng trần, trắng bên bán đạt mức giá 22.350 đồng/cp. Trong phiên cuối tuần trước cổ phiếu của doanh nghiệp này đã bắt đầu tăng trở lại sau chuỗi 9 phiên giảm liên tiếp. Tuy nhiên, so với mức đỉnh 5 năm 36.5350 đồng/cp thiết lập hồi đầu tháng 7, cổ phiếu này cũng đã giảm 38,5%.
Trước đó, thị giá của HVN đã có giai đoạn tăng nóng từ mức 13.500 đồng hồi đầu cuối tháng 4/2024 lên mức đỉnh 5 năm 36.350 đồng/cp vào hồi đầu tháng 7/2024, tương ứng mức tăng 170% chỉ sau 3 tháng.
Vốn hóa lúc này của Vietnam Airlines đạt mức 49.500 tỷ đồng, giảm gần 31.000 tỷ chỉ sau 3 tuần.
Trong thời gian gần đây đã có một số thông tin tích cực đến với Vietnam Airlines. Cụ thể, vừa qua Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-NHNN về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 của Thống đốc NHNN quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Theo thông tư cũ, Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.
Thông tư mới được sửa đổi thành Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm.
Đây được xem là động thái giúp Vietnam Airlines giảm bớt áp lực về dòng tiền liên quan tới các khoản vay tái cấp vốn đến hạn thanh toán trong năm nay.
Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức vào ngày 16/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines ước tính lợi nhuận trước thuế hợp nhất của hãng hàng không này trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Con số này cho thấy Vietnam Airlines vẫn có lãi trong quý 2 nhưng thấp hơn nhiều so với đầu năm.
Đà tăng trưởng của cổ phiếu HVN giai đoạn đầu năm gây ngỡ ngàng với giới phân tích. Hồi đấu tháng 7 vừa qua, một tờ báo nước ngoài cho biết “lợi nhuận bất ngờ đã đưa Vietnam Airlines trở thành hãng hàng không có cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất thế giới, bất chấp nguy cơ phá sản, công ty đã phục hồi sau đại dịch, lấy lại đà tăng trưởng”.
Hãng tin này cũng cho biết hãng hàng không có cổ phần nhà nước Việt Nam đã tăng 179% cho đến nay vào năm 2024, nhờ nhu cầu đi lại phục hồi. Điều đó thúc đẩy công ty công bố lợi nhuận quý đầu tiên bội thu sau hơn bốn năm thua lỗ liên tiếp. Cổ phiếu của hãng hàng không này cũng đang “vượt mặt” đối thủ lớn trong khu vực là Singapore Airlines, khi hãng này chỉ ghi nhận mức tăng 7,8% trong năm nay. Thậm chí, một đối thủ khác của Vietnam Airlines là Air China còn ghi nhận cổ phiếu giảm 3,7%.
“Đây là một sự thay đổi ấn tượng đối với một hãng hàng không cho đến gần đây vẫn có nguy cơ phá sản và có nguy cơ bị hủy niêm yết khỏi Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM”, hãng tin này nhận định.
Các nhà phân tích Tim Bacchus và Eric Zhu nhận định: “Tham vọng thu hút du khách nước ngoài của Việt Nam đang trở thành động lực tăng trưởng chính cho các hãng hàng không trong nước như VietJet và Vietnam Airlines”. Với mục tiêu đạt 70 triệu lượt khách quốc tế vào năm 2045, các nhà phân tích khẳng định: “Việt Nam có thể trở thành điểm đến du lịch lớn thứ hai ở Đông Nam Á, sau Thái Lan”.
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-phieu-vietnam-airlines-cat-canh-tro-lai-tang-tran-sau-khi-von-hoa-da-bay-hon-30000-ty-trong-chua-day-mot-thang-18824072914234291.chn