Kết thúc ngày 27/2, thị trường chứng khoán đã chứng kiến một phiên giao dịch sôi động khi VN-Index tăng hơn 13 điểm lên mức 1.237,46 điểm. Tuy nhiên, cổ phiếu SAB của tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) lại giảm phiên thứ 5 liên tiếp xuống mức giá 56.300 đồng/cp. Đây cũng là mức giá thấp nhất mà cổ phiếu này từng ghi nhận kể từ khi niêm yết trên HoSE.
Với việc giá cổ phiếu chỉ còn 56.300 đồng/cp, vốn hóa của Sabeco hiện chỉ còn ở mức 72.208 tỷ đồng (tương đương 2,8 tỷ USD).
Vào cuối năm 2017, Vietnam Beverage – thành viên thuộc Thaibev đã gây chấn động chi đến 5 tỷ USD mua trọn lô 343,66 triệu cổ phiếu SAB từ đợt thoái vốn của Bộ Công thương qua đó chính thức nắm quyền chi phối Sabeco. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, giá trị thị trường của số cổ phần trên chỉ còn khoảng 36.838 tỷ đồng (khoảng 1,5 tỷ USD), tức là Thaibev của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đang tạm lỗ 3,5 tỷ USD sau gần 6 năm.
Thực tế, Thaibev đầu tư vào Sabeco với tầm nhìn dài hạn, cùng tham vọng chiếm lĩnh thị trường bia Việt Nam qua đó tạo bàn đạp hướng đến khu vực Đông Nam Á. Vì thế, việc tạm lỗ với khoản đầu tư này không phải là vấn đề quá lớn đối với “đại gia” Thái Lan. Theo Nikkei, trong một cuộc họp báo tại Thái Lan vào tháng 9/2022, đại diện lãnh đạo của ThaiBev chia sẻ, Sabeco là “viên ngọc quý”, một tài sản hiếm có trong số những nhà sản xuất bia ở khu vực Đông Nam Á.
Bên cạnh đó, việc nói vị tỷ phú Thái Lan này lỗ khi đầu tư vào Sabeco cũng không thật sự chính xác. Bởi lẽ, Sabeco này vẫn đang trả cổ tức bằng tiền mặt “đều như vắt tranh” mỗi năm cho các cổ đông. Vì vậy, Thaibev vẫn nhận hàng nghìn tỷ đồng cổ tức từ Sabeco.
Năm 2023, Sabeco có kế hoạch chia cổ tức tỷ lệ 35% bằng tiền. Vì thế, doanh nghiệp đầu ngành bia dự kiến sẽ còn chia thêm 20% cổ tức và tập đoàn của tỷ phú Charoen Sirivadhanabhakdi có thể thu về thêm 1.374 tỷ đồng cổ tức trong tương lai gần. Cổ tức chảy vào túi đại gia này sẽ còn tăng thêm khi Sabeco vẫn đều đặn chia tiền với tỷ lệ cao hàng năm.
Việc đi xuống của giá cổ phiếu Sabeco có thể đến từ triển vọng kém sáng sủa của ngành bia tại Việt Nam. Theo một báo cáo của Vietdata, tính đến năm 2022, mức tiêu thụ bia của Việt Nam đang ở 3,8 triệu lít/năm, chiếm 2,2% thị trường thế giới. Tuy nhiên mức tiêu thụ trên khó có thể được duy trì trong năm 2023, khi không còn cảnh mua bán nhộn nhịp như năm trước, hay tình trạng khan hàng, sốt giá mỗi dịp lễ Tết, ngành bia đang chứng kiến lượng tiêu thụ sụt giảm chưa từng có.
Ngay cả những người trong ngành bia cũng đã nhìn thấy được những khó khăn đó. Giám đốc điều hành Heineken, ông Dolf van den Brink cho biết đang trải qua sự suy giảm 5,6% lượng bán bia trong nửa đầu năm 2023, bởi suy thoái kinh tế ở Việt Nam – một trong những thị trường lớn nhất của Heineken. “Chúng tôi đang phải đối mặt với tình hình suy thoái kinh tế mạnh mẽ tại thị trường quan trọng của chúng tôi, đó là Việt Nam “, ông Dolf nói.
Phía Carlsberg, đại diện là ông Cees’t Hart, cũng nhấn mạnh thị trường bia Việt Nam giảm 6% trong quý 2 do suy thoái kinh tế.
Ngoài ra, Nhà nước cũng đang siết chặt quy định về nồng độ cồn của người tham gia giao thông khiến việc tiêu thụ cũng giảm theo. Các doanh nghiệp sản xuất bia cũng đang phải gồng mình trước tỷ giá ngoại tệ, lãi suất biến động khiến giá cả nhiều yếu tố đầu vào và chi phí sản xuất kinh doanh có xu hướng tăng.
Với sự đi xuống của ngành cùng việc Nhà nước siết chặt việc thổi nồng độ cồn, kết quả kinh doanh của Sabeco đã ngay lập tức bị ảnh hưởng. Quý 4/2023, Sabeco ghi nhận doanh thu thuần đạt 8.520 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuể cổ đông công ty mẹ ở mức 947 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ. Đây là mức lãi quý thấp nhất của Sabeco trong 2 năm qua.
Tính lũy kế cả năm 2023, doanh thu của Sabeco đạt 30.706 tỷ đồng, giảm 13% so với năm trước và xuống còn thấp hơn cả năm 2016. Trước đó, doanh thu của công ty này đã hồi phục mạnh trở lại trong năm 2022, sau khi giảm rất mạnh năm 2020 và 2021 do chịu ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Khấu trừ chi phí, doanh nghiệp lãi sau thuế 4.255 tỷ đồng, giảm 23%.
Theo lý giải của Sabeco, bên cạnh việc siết chặt Nghị định 100, công ty còn chịu ảnh hưởng bởi sự cạnh tranh gay gắt, nhu cầu tiêu dùng giảm bởi kinh tế trong nước suy thoái. Chi phí đầu vào và chi phí quản lý của công ty cũng tăng lên trong khi phần lãi trong liên doanh, liên kết thấp hơn.
Về triển vọng của Sabeco, SSI Research có quan điểm thận trọng hơn trong năm 2024, vì mức tiêu thụ có thể sẽ tiếp tục bị tác động đồng thời từ nghị định 100 và thu nhập của người tiêu dùng giảm sút.
Nhìn vào Trung Quốc, Chính phủ nước này áp dụng luật Lái xe nghiêm ngặt từ năm 2011 và có hiệu lực đến năm 2023, mức tăng trưởng tiêu thụ bia đã chững lại đáng kể (xem biểu đồ bên dưới). Do đó, SSI Research cho rằng các luật nghiêm ngặt tương tự được áp dụng tại Việt Nam kể từ năm 2020 sẽ là yếu tố chính khiến mức tăng trưởng tiêu thụ bia chậm lại.
Ngoài ra, việc người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu là một điểm nổi bật của năm 2023, khi Heineken ghi nhận mức giảm 13% về sản lượng tiêu thụ tại Việt Nam trong khoảng 9T2023 do mức tiêu thụ sản phẩm cao cấp sụt giảm .Trong khi các thương hiệu phổ thông của hãng như Heineken Silver và Tiger Crystal lại giành được thị phần.
Sabeco cũng cho biết doanh nghiệp đã giành được thị phần trong 9T2023 phần lớn nhờ lợi thế cạnh tranh trong phân khúc phổ thông khi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu chuyển từ sản phẩm cao cấp sang sản phẩm phổ thông. SSI Research kỳ vọng xu hướng này sẽ tiếp tục diễn ra đến năm 2024. Giá mạch nha thuận lợi hơn (giảm 17%) trong năm 2024 sẽ là một cơ hội tốt vì SAB sẽ chốt giá nguyên liệu trong 9 tháng tới từ tháng 8 đến tháng 9/2024
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-phieu-sabeco-xuong-thap-nhat-lich-su-khoan-dau-tu-bay-35-ty-usd-ke-tu-khi-thau-tom-nhung-sabeco-co-thuc-su-la-ngum-bia-dang-cua-ty-phu-thai-lan-188240227160436477.chn