Kêt thúc phiên giao dịch ngày 27/5, cổ phiếu MCM của CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk) đã tăng 12,05% lên mức 43.700 đồng/cp. Thanh khoản trong phiên giao dịch hôm nay cũng tăng vọt từ vài chục nghìn lên gần 280.000 đơn vị. Đây cũng là phiên tăng thứ 4 của cổ phiếu này.
Thị giá MCM tăng “bốc đầu” sau khi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) mới châ[s thuận niêm yết là 110 triệu cổ phiếu MCM với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu. Tổng giá trị cổ phiếu niêm yết theo mệnh giá là 1.100 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày 24/5. Mộc Châu Milk phải tuân thủ quy định về chứng khoán, thị trường chứng khoán và các quy định có liên quan khác.
Trước đó, cổ phiếu MCM đã được niêm yết trên sàn UPCoM từ tháng 12/2020, số lượng lưu hành là 110 triệu cổ phiếu, tổng giá trị 1.100 tỷ đồng. Với giá đóng cửa phiên giao dịch ngày 27/5, ước tính vốn hoá của Mộc Châu Milk là hơn 4.800 tỷ đồng.
Mộc Châu Milk có tiền thân là Nông trường Quân đội Mộc Châu, được thành lập vào năm 1958. Đây hiện là thương hiệu sữa lâu đời nhất ở Việt Nam. Bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc kiêm Thành viên HĐQT Vinamilk, cũng đồng thời đảm nhiệm vị trí Chủ tịch Mộc Châu Milk.
Đầu năm 2020, Mộc Châu Milk chính thức về tay CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk) thông qua GTNFoods (đã sáp nhập vào Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam – Vilico). Hiện Mộc Châu Milk vẫn là công ty còn của Vinamilk khi “ông lớn” ngành sữa này đang nắm trực tiếp 8,85% vốn còn nắm 59,3% qua Vilico.
Kể từ khi về tay Vinamilk, Mộc Châu Milk đã có sự tăng trưởng tích cực về kết quả kinh doanh. Về kết quả kinh doanh, trong năm 2023, Mộc Châu Milk ghi nhận doanh thu thần đạt 3.135 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với năm 2022. Song, lợi nhuận sau thuế lại tăng 8% và đạt mức kỷ lục 374 tỷ đồng.
Quý 1/2024, doanh nghiệp ngành sữa ghi nhận doanh thu thuần đạt 625 tỷ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2023. Lợi nhuận ròng giảm 50% xuống gần 50 tỷ đồng, mức thấp nhất trong vòng 3 năm qua.
Nhận định về kết quả quý vừa rồi, ban lãnh đạo công ty cho biết doanh thu bán hàng đi lùi do tình hình kinh tế còn khó khăn khiến sức mua của người tiêu dùng suy yếu. Ngoài ra, thu nhập tài chính cũng bị ảnh hưởng do lãi suất tiền gửi giảm.
Với năm 2024, cổ đông Mộc Châu Milk đã thông qua kế hoạch doanh thu cao kỷ lục 3.367 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế gần 332 tỷ đồng, lần lượt tăng 7% và giảm 11% so với kết quả thực hiện năm ngoái.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dẫn nghiên cứu từ Vinamilk cho biết, thị trường miền Bắc có tiềm năng lớn để mở rộng mạng lưới phân phối cho các sản phẩm sữa có thương hiệu như Sữa Mộc Châu.
Đầu tiên, trong bối cảnh điều kiện cơ sở hạ tầng tốt hơn, MCM sẽ tiếp tục mở các cửa hàng sữa tự vận hành mới (cửa hàng Sữa Mộc Châu). Cho tới cuối năm 2023, công ty đã đang vận hành 69 cửa hàng, mở thêm 11 cửa hàng so với thời điểm cuối năm 2022. Thứ hai, công ty cũng có kế hoạch tận dụng 200.000 điểm bán hàng trong hệ thống các đối tác phân phối của Vinamilk để mở rộng mức độ thâm nhập vào thị trường miền Bắc.
Theo VDSC, Mộc Châu Milk đang lên kế hoạch cho một dự án tái định vị thương hiệu, theo sau thành công của chiến lược tái định vị thương hiệu của Vinamilk. Công ty kỳ vọng sẽ triển khai dự án này vào giữa hoặc cuối năm 2024, giúp thu hút nhiều khách hàng hơn cho thương hiệu Sữa Mộc Châu. Cùng với khả năng tối ưu hóa chi phí, VDSC dự đoán lợi nhuận ròng năm 2024 của MCM sẽ tăng cùng mức độ với doanh thu.
Nguồn tin: https://cafef.vn/co-phieu-cua-cong-ty-sua-lau-doi-nhat-viet-nam-tang-boc-dau-sau-khi-duoc-hose-chap-thuan-niem-yet-110-trieu-co-phan-188240527205534535.chn