Là một trong những ngành liên quan mật thiết với thị trường bất động sản, nhóm thầu năm 2023 có thể nói trải qua một năm khó chưa từng có. Dự án hiện hữu thì trì trệ, công trình mới hạn hẹp cộng với tổn thương hậu Covid-19 khiến dòng tiền là bài toán khó của nhiều bên.
Đáng nói, thị trường xây dựng 3 năm trở lại đây chứng kiến nhiều biến động. Năm 2020, “ông lớn” là Coteccons biến động thượng tầng và sa sút liên tục. Hệ quả, Xây dựng Hoà Bình (HBC) chính thức soán ngôi ngay năm sau đó sau cả thập kỷ theo sau. Sang năm 2022, HBC “vui mừng” chưa được bao lâu vướng phải xung đột nhóm HĐQT.
Đặc biệt 2023, thị trường chứng kiến sự cạnh tranh quyết liệt với gói thầu lớn tại Sân bay Long Thành trị giá 35.000 tỷ đồng. Kết quả cuối cùng, chỉ có đội nhà ông Nguyễn Bá Dương lại thêm một năm viên mãn khi đến 3 thành viên nằm trong liên doanh thắng Long Thành là Vietur.
Coteccons dốc sức cho Long Thành song thất bại, cổ phiếu vẫn tăng gần gấp 3
Như đã đề cập, Coteccons (CTD) chính thức bước sang trang mới khi cựu Chủ tịch, nguyên người sáng lập là ông Nguyễn Bá Dương từ nhiệm, nhường lại “cuộc chơi” cho nhóm Kusto. Kể từ giai đoạn này, CTD liên tục sụt giảm lợi nhuận, bị nghi ngờ về hoạt động khi một công ty xây dựng lớn lại rơi vào tay nhóm cổ đông chuyên đầu tư tài chính.
Công ty lần đầu thua lỗ vào quý 3/2021 (tức 1 năm sau khi đổi chủ) và lỗ kỷ lục quý tiếp theo với -63 tỷ đồng. Lúc bấy giờ, tân Chủ tịch là ông Bolat Duisenovn liên tục có động thái trấn an cổ đông, kêu gọi “nhà đầu tư nếu kiên trì sẽ có quả ngọt”.
Thực tế, tình hình kinh doanh Coteccons những quý gần đây đã có sự hồi phục. Công ty đã có 5 quý liên tiếp lợi nhuận cải thiện so với quý liền trước. Quý 3/2023, Công ty bão lãi cao nhất 10 quý trong kỳ đầu tiên của niên độ mới với 67 tỷ đồng. Kết quả trên có được nhờ doanh thu tăng trưởng, trong đó có điểm nhấn quan trọng từ việc thi công dự án tỷ đô của Lego.
Thắng ở Lego, CTD tỏ ra khá tự tin trong cuộc chơi mới ở siêu dự án Long Thành. Công ty cũng cùng với HBC, An Phong… lập Liên doanh Hoa Lư để tham gia đấu thầu, song bất thành.
Lên tiếng về điều này, ông Bolat Duisenovn nói rằng Long Thành chỉ là 1 trong số dự án CTD tham gia. Dù thất bại, song Coteccons xem đây là bước đệm để Công ty nâng tiêu chuẩn xây dựng lên tầm quốc tế và đang tiệm cận quốc tế.
Công ty cũng bất ngờ cho biết sắp “mang quân đánh xứ người”. Theo chia sẻ của Chủ tịch Coteccons, hiện một khách hàng lớn ở Việt Nam đã vươn ra 3 nước. Công ty kỳ vọng khách hàng này sẽ giao cho Công ty dự án ở nước ngoài. Coteccons cũng công bố nghị quyết HĐQT về việc đầu tư ra nước ngoài dưới hình thức thành lập công ty con là Coteccons Constructions Inc để thực hiện các hoạt động liên quan đến xây dựng: cung cấp dịch vụ xây dựng. Hình thức đầu tư ra nước ngoài là bằng tiền. Nguồn vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu, không vốn vay.
Đầu tháng 12/2023, Hội đồng Quản trị Coteccons đã công bố Nghị quyết về việc phê duyệt chủ trương mua lại 100% vốn góp của một Công ty hoạt động trong lĩnh vực cơ điện. Tuy nhiên, thông tin cụ thể về doanh nghiệp cơ điện cũng như giá trị thương vụ không được tiết lộ.
Việc không trúng thầu Long Thành cũng tác động một chút đến biến động cổ phiếu CTD nhưng đến cuối năm, cổ phiếu này tiếp tục thiết lập mức đỉnh mới trong năm, lên xấp xỉ 70.000 đồng – tăng gần 3 lần so với đầu năm và chỉ thấp hơn một chút so với mức đỉnh của đầu năm 2022 khi VN-Index ở vùng 1.500 điểm.
Hoà Bình 1 năm cực sóng gió với những khoản lỗ nghìn tỷ
2023 có thể nói là năm khó quên của HBC. Ngay ngày đầu năm 1/1/2023, HBC vướng vào vòng xoáy phản pháo truyền thông liên quan đến xung đột thượng tầng. Tháng 5/2023, Công ty chính thức xử lý dứt điểm sự cố, song sóng gió vẫn chưa dừng lại.
Đại hội Công ty kéo dài nhiều tiếng liền song không thể thông qua do không đủ tỷ lệ tham gia. Đến 16h cùng ngày, Đại hội HBC được diễn ra ngay phút cuối. Tại đây, Công ty tự tin tăng kế hoạch kinh doanh, dựa trên cơ sở bán được Công ty Matec và dự thu hơn 1.000 tỷ đồng; cũng như công bố Liên doanh Hoa Lư.
Thực tế khó khăn hơn dự báo, đối tác khó khăn khiến việc bán Matec của HBC không thành, lại thất bại ở Long Thành đưa HBC vào thế khó chồng khó. Đỉnh điểm, 9 tháng đầu năm 2023, HBC lỗ tiếp 880 tỷ đồng, đưa tổng lỗ lũy kế 2.980 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu tính đến 30/9/2023 chỉ còn 352 tỷ đồng. Tổng nợ vay tài chính của Công ty này ở mức 5.150 tỷ đồng, gấp 15 lần vốn chủ sở hữu.
Lúc bấy giờ, HBC chấp nhận 2023 sẽ khó đạt đế hoạch, tiếp tục thua lỗ do những dự kiến trong năm không thành. Thậm chí, HBC được biết còn trễ lương 3-4 tháng, giảm 50% lương nhưng nhân viên vẫn tận tâm làm việc, điều này khiến Chủ tịch rất cảm kích.
Hiện, HBC đã dần gỡ dần những nút thắt như: đã trả khoản nợ 1.327 tỷ đồng tại 7 ngân hàng, đạt được thoả thuận với 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ sẽ hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu với giá phát hành 12.000 đồng/cp, lên lại kế hoạch xuất khẩu sang nước ngoài.
Đội nhà ông Nguyễn Bá Dương thêm 1 năm viên mãn
Về phần ông Nguyễn Bá Dương, sau một thời gian kín tiếng, ông Dương xuất hiện dần trở lại tại loạt tên tuổi mới. Năm 2022, trong khi các bên còn khó khăn, hệ sinh thái ông Dương gồm Newtecons, Ricons, BM Windows, Boho Décor, DB… tuyên bố đạt doanh thu hơn 1 tỷ USD. Trong đó, Newtecons vượt mốc 10.000 tỷ đồng doanh thu và đặt mục tiêu tăng trưởng 10% trong năm 2023. Ricons cũng chạm mức doanh thu 11.384 tỷ đồng, cao nhất lịch sử thành lập. Doanh thu SOL E&C gần 4.500 tỷ đồng, gấp 3 lần năm trước.
Những con số này không hề nhỏ so với doanh thu 14.537 tỷ của CTD hay 14.154 tỷ của HBC.
Sang năm 2023, Newtecons lên kế hoạch tăng trưởng lên 12.100 tỷ.
Hay một đơn vị khác là BM Windows vừa thông báo khai trương thêm nhà máy thứ 4 trên cả nước và cũng là nhá máy thứ 2 tại Bình Dương. Với việc vận hành nhà máy này, Công ty dự tăng tổng năng suất thường niên lên hơn 30%. Theo BM Windows, việc đầu tư thêm nhà máy nhằm đáp ứng nhu cầu cung ứng sản phẩm cho hàng loạt các dự án mới trong ngoài nước hiện nay. Hồi tháng 7/2023, BM Windows gây chú ý khi trúng gói thầu xuất khẩu sản phẩm façade cho dự án mang tên The One – Tòa nhà 91 tầng, biểu tượng mới và là Landmark của Toronto, Canada với giá trị gần 10 triệu USD.
Hơn hết, 3 đơn vị thuộc hệ sinh thái ông Dương tiếp tục thắng lớn khi trúng thầu siêu dự án Long Thành với trị giá lên đến 35.000 tỷ đồng. Được biết, liên danh nhà thầu Vietur bao gồm: Tập đoàn công nghiệp và Thương mại xây dựng IC ISTAS; cùng là các doanh nghiệp trong nước như Ricons, Newtecons, SOL E&C, inaconex, ATAD, Phục Hưng Holdings, Hawee và Hancorp.
Như vậy, 2023 có thể xem là một năm viên mãn mới của ông Nguyễn Bá Dương.
Nguồn tin: https://cafef.vn/nam-2023-cua-cac-nha-thau-co-phieu-coteccons-van-tang-gap-3-du-truot-long-thanh-hoa-binh-vat-lon-voi-cac-khoan-lo-nghin-ty-doi-nha-ong-nguyen-ba-duong-tro-lai-manh-me-188231227235329746.chn