Theo bản Báo cáo Thịnh vượng của Knight Frank mới đây, trong khoảng thời gian từ năm 2017 đến 2022, số lượng người siêu giàu (UHNWI) tại Việt Nam đã tăng gần gấp đôi. Tiêu chuẩn để một cá nhân được xếp vào nhóm người siêu giàu là phải sở hữu khối tài sản từ trên 30 triệu đô là Mỹ .
Cụ thể, Việt Nam có 583 người siêu giàu trong năm 2017. Con số này đã đạt tới 1.059 người vào cuối năm 2022, tăng 82% chỉ sau 5 năm.
Knight Frank dự báo đến năm 2027, con số này sẽ gần chạm mốc 1.300 người, tương đương tăng thêm 22% so với hiện tại và tương đương mức tăng 122% trong vòng 10 năm.
Vậy trong số 1.059 người siêu giàu Việt Nam, có bao nhiêu gương mặt là các đại gia trên sàn chứng khoán?
Theo thống kê của chúng tôi, có ít nhất 139 người đang nắm giữ khối tài sản hơn 30 triệu USD trên TTCK Việt Nam ở thời điểm hiện tại, ít hơn 27 người so với hồi cuối năm 2022.
Người giàu nhất Việt Nam không ai khác vẫn là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup. Tính đến ngày 31/5/2023, ông sở hữu tài sản trị giá 117 nghìn tỷ đồng (tương đương hơn 5 tỷ USD). Theo thống kê thời gian thực của Forbes, ông cũng đang là tỷ phú giàu thứ 658 thế giới.
7 gương mặt tiếp theo sở hữu hơn 10.000 tỷ đồng trên sàn chứng khoán Việt Nam hiện nay gồm có ông Trần Đình Long (Chủ tịch Hoà Phát), ông Đỗ Anh Tuấn (Chủ tịch Sunshine Homes), bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh – Nguyễn Đăng Quang, nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo và ông Bùi Thành Nhơn.
Xét ở ngưỡng 1.000 tỷ đồng trở lên thì TTCK Việt Nam có tất cả 111 người nắm trong tay khối tài sản này.
Điểm thú vị là người đầu tiên và người cuối cùng trên sàn giao dịch đủ tiêu chuẩn làm người siêu giàu thế giới đều là các gương mặt liên quan đến Vingroup. Bà Phạm Hồng Linh – chị gái bà Phạm Thu Hương, Phó Chủ tịch Vingroup (cũng là phu nhân ông Phạm Nhật Vượng) khép lại danh sách này với tài sản 710 tỷ đồng thông qua số cổ phiếu VIC đang nắm giữ.
Nhìn chung, phần lớn người siêu giàu Việt Nam đều chủ yếu nắm giữ lượng lớn cổ phiếu bất động sản và tài chính.