Quỹ responsAbility (Thụy Sĩ) vừa hỗ trợ vốn vay lên đến 20 triệu USD dưới hình thức tài trợ nợ dài hạn có bảo đảm cho CME Solar Investments (CME Solar), mục đích nhằm phát triển các dự án năng lượng tái tạo trên khắp Việt Nam. Đây là khoản đầu tư lớn nhất của Quỹ responsAbility vào các tổ chức phi tài chính tại Việt Nam tính đến năm 2023, nâng tổng số tiền đầu tư vào CME Solar cho đến nay lên đến 32 triệu USD.
Trước đó, CME Solar đã nhận gói vay vốn đầu tiên từ Quỹ responsaAbility vào năm 2021, và đã phát triển dự án năng lượng mặt trời áp mái lắp đăt tại nhà máy Foxconn (công suất 31,5 MWp) tại Bắc Giang và Bắc Ninh. Dự án năng lượng mặt trời áp mái lắp đặt tại nhà máy Foxconn là một trong những dự án tiêu biểu, ứng dụng tấm PV N-type trên toàn hệ thống và được triển khai hoàn thiện trong 3 tháng.
Với khoản hỗ trợ vốn vay trong năm 2023 này, CME Solar dự kiến sẽ triển khai một loạt các dự án, với trọng tâm là tăng cường đầu tư phát triển năng lượng mặt trời thương mại và công nghiệp (C&I) trên nhiều lĩnh vực bao gồm sản xuất, điện tử, thực phẩm, đồ uống và dệt may tại Việt Nam, đồng thời mở rộng phạm vi hoạt động ra khắp Đông Nam Á.
Thông qua đó, CME Solar muốn góp phần giảm thải 51.200 tấn Co2 mỗi năm. Với sản lượng điện được tạo ra, khách hàng có thể đạt được khoảng 70.000 giấy chứng nhận tái tạo REC. Đây là định hướng để đạt được mục tiêu trung hòa Co2 của Chính phủ và Liên Hợp Quốc cam kết hướng tới một tương lai bền vững và thân thiện môi trường hơn.
Được biết, CME Solar là thành viên của CME Group, hiện tập trung đầu tư và phát triển các giải pháp năng lượng mặt trời áp mái cho lĩnh vực Thương mại và Công nghiệp (C&I) tại Việt Nam. Tính đến nay, CME Solar đã đạt công suất lên tới 100 Megawatt (MWp) vào giữa năm 2023 và đặt mục tiêu tăng thêm 150 MWp vào năm 2024.
Ông Chung Diệu Tuấn, Giám đốc điều hành của CME Solar Investments rất lạc quan về triển vọng thị trường, nhấn mạnh nhu cầu lắp đặt năng lượng mặt trời trên mái nhà ngày càng tăng trong các lĩnh vực sản xuất FDI của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử/bán dẫn, dệt may và tiêu dùng đa quốc gia toàn cầu.
Trước CME Solar, SkyX Solar vừa công bố kế hoạch sẽ phát triển thêm hơn 200MWp điện mặt trời áp mái tại Việt Nam. Hiện, đơn vị này đang phát triển và vận hành khoảng 100MWp điện mặt trời áp mái, tập trung ở khu vực phía Bắc và phía Nam, cùng một vài dự án ở miền Trung như Quảng Nam, Huế. Được biết, SkyX Solar ban đầu thuộc VinaCapital, năm 2020 đơn vị tách riêng và tập trung phát triển DMTMN. Tổng công suất năm này vào khoảng 30MWp. Năm 2021, bên cạnh cổ đông lớn là VinaCapital, SkyX Solar đón nhận thêm một cổ đông lớn khác là EDF Renewables.
Động thái của các chủ đầu tư trên diễn ra trong bối cảnh thị trường năng lượng tái tạo đã và đang phát triển tại Việt Nam, đặc biệt được “hâm nóng” lại sau loạt chính sách mới từ Quy hoạch điện 8, ưu tiên phát triển mạnh năng lượng tái tạo trong giai đoạn tới.
Cụ thể, với mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Quy hoạch điện 8 nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu điện, đáp ứng yêu cầu tăng trưởng khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030, khoảng 6,5 – 7,5%/năm trong giai đoạn 2031-2050. Trong đó, Quy hoạch điện 8 ưu tiên phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo phục vụ sản xuất điện. Nguồn điện này sẽ đạt tỉ lệ khoảng 30,9 – 39,2% vào năm 2030.
Mục tiêu là hướng tới đạt tỉ lệ năng lượng tái tạo 47% theo cam kết về chuyển đổi năng lượng công bằng với Việt Nam (JETP). Định hướng đến năm 2050, tỉ lệ năng lượng tái tạo lên đến 67,5 – 71,5%. Bên cạnh đó, Việt Nam phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu (phục vụ tiêu thụ tại chỗ, không bán điện vào hệ thống điện quốc gia).
Việc định hướng phát triển nguồn năng lượng tái tạo nhằm giúp kiểm soát mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện đạt khoảng 204-254 triệu tấn năm 2030 và còn khoảng 27-31 triệu tấn vào năm 2050.