CTCP Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An (UPCoM: PAP) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2023. Theo đó, do PAP là doanh nghiệp dự án, hiện đang trong quá trình đầu tư, chưa đi vào hoạt động, nên công ty vẫn tiếp tục một quý chưa có doanh thu.
PAP cho biết, Công ty đang dần bước vào giai đoạn thi công dự án nên chi phí quản lý doanh nghiệp tăng so với quý 2/2022. Kết quả, công ty báo lỗ hơn 1,8 tỷ đồng trong quý 2 và hơn 3,3 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2023. Tính đến ngày 30/6, công ty lỗ lũy kế hơn 10 tỷ đồng.
PAP cho rằng đây là tình trạng chung của hầu hết doanh nghiệp đầu tư xây dựng dự án trong giai đoạn đầu tư ban đầu.
Những con số cho thấy những chuyển động mới
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của PAP lên hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 26% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, khoản tiền và tương đương tiền giảm mạnh 85% còn 96 tỷ đồng.
Khoản phải thu ngắn hạn tăng lên gấp 7,7 lần, chủ yếu do số tiền trả trước cho CTCP Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc lên gần 378 tỷ đồng, gấp 5,2 lần hồi đầu năm và phát sinh khoản trả trước cho Công ty Mitsui E&S Machinery Co.,Ltd hơn 141 tỷ đồng.
Về phía nguồn vốn, nợ phải trả Công ty tăng 78% lên 1.909 tỷ đồng, trong nửa đầu năm, Công ty phát sinh gần 775 tỷ đồng vay nợ dài hạn.
Chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn lên gần 3.300 tỷ đồng, tăng 911 tỷ đồng so với đầu năm.
Cảng Phước An – Từ tay “đại gia” Hoành Sơn đến Tuấn Lộc
Công ty Cổ Phần Dầu khí Đầu tư Khai thác Cảng Phước An là đơn vị được thành lập vào ngày 29/4/2008 để thực hiện việc đầu tư và khai thác Cảng tổng hợp Phước An theo thỏa thuận hợp tác đầu tư giữa Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam và tỉnh Đồng Nai.
PAP được sáng lập với 2 Cổ đông chính là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam, góp 350 tỷ đồng, tỷ lệ sở hữu 79,54% và Tổng Công ty Phát triển Khu Công nghiệp (SONADEZI) tỷ lệ 17,05% và các cổ đông cá nhân 3,41%.
Năm 2016, PAP tiến hành tăng vốn điều lệ từ 440 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng bằng cách chào bán cổ phiếu cho cổ đông chiến lược là Công ty TNHH MTV Hoành Sơn do ông Phạm Hoành Sơn (SN 1972) làm Chủ tịch HĐQT. Lúc này, Công ty TNHH MTV Hoành Sơn sở hữu 51,11% vốn điều lệ công ty.
Năm 2017, PAP tiếp tục tăng vốn điều lệ từ 900 tỷ đồng lên 1.100 tỷ đồng. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn là cổ đông duy nhất mua số cổ phiếu trị giá 200 tỷ đồng, sở hữu 60% cổ phần tại PAP, trong khi PVN chỉ sở hữu 31,82%.
Tuy nhiên, dự án vẫn không có tiến triển và đến tháng 2/2019, ông Phạm Hoành Sơn đã bán Công ty TNHH MTV Hoành Sơn cho Công ty TNHH MTV đầu tư xây dựng Khu công nghiệp Nhơn Trạch 6A –nằm trong hệ thống công ty con của CTCP đầu tư xây dựng Tuấn Lộc (Tập đoàn Tuấn Lộc).
Sau đó, 2021, PAP tiếp tục tăng vốn lên 1.500 tỷ đồng và năm 2022 tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng. Tỷ lệ sở hữu của PVN chỉ còn 17,5%. Công ty TNHH MTV Hoành Sơn đã bán ra hơn 25,8 triệu cổ phiếu vào tháng 6/2022.
ĐHCĐ thường niên năm 2023 mới đây đã thông qua kế hoạch tăng vốn của điều lệ của Công ty từ 2.000 tỷ đồng lên 2.380 tỷ đồng thông qua chào bán cổ phiếu. PVN tiếp tục giảm tỷ lệ sở hữu.
Năm 2022, PAP đã liên tiếp ký 3 hợp đồng 518, 519, và 520 thi công xây dựng công trình với Tập đoàn Tuấn Lộc với giá trị lần lượt 1.363 tỷ, 1.725 tỷ và 3.725 tỷ đồng.
Ngoài việc là nhà thầu thi công các dự án có tổng trị giá gần 7.000 tỷ đồng của Cảng Phước An, Tập đoàn Tuấn Lộc còn được tỉnh Đồng Nai chấp thuận là nhà đầu tư dự án BOT đường 319 – cảng Phước An dài 5,8 km với tổng mức đầu tư 1.000 tỷ đồng.
Cảng Phước An có gì đặc biệt?
Cảng Phước An nằm trong nhóm cảng biển số 5 – Hệ thống cảng biển khu vực Tp. Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bà Rịa Vũng Tàu, đã được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chi tiết năm 2005 và phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.
Dự án Cảng Phước An có vị trí nằm bên bờ sông Thị Vải, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, có tuyến luồng được đánh giá là tốt nhất hiện nay của Việt Nam. Cảng nằm trong vùng kinh tế động lực phía Nam ( hạt nhân quan trọng là TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa – Vũng Tàu) – Khu vực có lượng hàng Container thông qua chiếm 70%, hàng tổng hợp chiếm 50% lượng hàng thông qua cảng biển Việt Nam.
Ngày 16/6/2022, HĐQT công ty đã phê duyệt quyết định tách dự án cảng Phước An và Khu dịch vụ hậu cần (Logistics) thành 2 dự án:
Dự án đầu tư xây dựng Cảng Phước An có diện tích 183ha, chiều dài bến 3.050m, gồm 6 Bến container và 4 bến tổng hợp, tiếp nhận tàu hàng 60.000DWT, công suất 2,5 triệu TEU/năm và 6,5 triệu tấn hàng tổng hợp/năm. Tổng vốn đầu tư hơn 11.860 tỷ đồng chia thành 3 giai đoạn.
Dự án Khu Dịch vụ hậu cần cảng (Logistics) có diện tích trên 555ha, tổng mức đầu tư 5.874 tỷ đồng.
Theo tài liệu ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, dự án đã cơ bản hoàn thành công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, ký hợp đồng thuê đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiết kế bản vẽ thi công Phân kỳ 1 dự án đã được phê duyệt, đã ký hợp đồng thi công, được cấp Giấy phép xây dựng và đang triển khai thi công theo tiến độ hợp đồng để đưa dự án vào vận hành, khai thác trong năm 2024.
PAP cho biết sẽ tập trung đầu tư các cầu cảng còn lại trong khoảng thời gian từ năm 2025-2030 nhằm đảm bảo cân đối nguồn vốn, cũng như đánh giá hiệu quả phân kỳ mang lại, làm cơ sở triển khai các phân kỳ còn lại để khai thác đồng bộ với hạ tầng giao thông trong khu vực đang được các cấp thẩm quyền triển khai thực hiện (nạo vét Tuyến luồng, cầu Phước An, đường Liên Cảng, cao tốc Bến Lức Long Thành, đường Vành đai 3…).
Ngoài ra, PAP đã ký hợp đồng hợp tác với CTCP Phát triển Khu Công nghiệp Tín Nghĩa (HOSE: TIP) thực hiện dự án KCN Phước An.