Câu hỏi này được đặt ra trong bối cảnh “profile” của ông Phạm Văn Trọng người mới được bổ nhiệm quyền CEO của Bách hóa Xanh (BHX) thiên về kỹ thuật, công nghệ hơn là kinh doanh.
Ông Trọng sinh năm 1979, là thạc sỹ Toán – Tin trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG TP Hồ Chí Minh. Ông gia nhập MWG từ năm 2004 với vị trí trưởng phòng công nghệ thông tin và giữ chức Giám đốc Khối công nghệ thông tin trước khi được điều chuyển làm Giám đốc khối vận hành của Bách hóa Xanh từ năm 2019.
Ông Trọng được biết tới là người đứng sau hệ thống ERP (Enterprise Resource Planning) quan trọng của Thế Giới Di Động. Hệ thống này giúp quản lý, nắm bắt những yếu tố cơ bản như doanh thu, hàng tồn kho, lợi nhuận, xuất hóa đơn,… mà lãnh đạo doanh nghiệp không cần đi đến cơ sở kinh doanh mà vẫn nắm được thông tin.
Vị trí “thuyền trưởng” của Bách hóa Xanh bỏ trống khi vào năm 2022, vị CEO tiền nhiệm là ông Trần Kinh Doanh – người từng góp công lớn trong việc đưa chuỗi Thế Giới Di Động và Điện Máy Xanh có mặt ở 63 tỉnh thành, bất ngờ tuyên bố từ nhiệm.
Thời gian sau đó, đích thân chủ tịch Nguyễn Đức Tài đã điều hành và dẫn dắt chuỗi siêu thị mini này trong giai đoạn khó khăn nhất, đồng thời ngầm quan sát các ứng viên nội bộ cho vị trí CEO. Cuối cùng, trong rất nhiều “trụ cột”, ông Phạm Văn Trọng là người được gửi gắm trách nhiệm.
Ông Tài cho biết, BHX có 3 bộ phận chủ lực: Mua – Bán và Vận hành. Mua có 2 đội chính là Fresh và FMCG (hàng tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh). Ở giữa bộ phận Mua và Bán đội Vận hành – một mắt xích rất quan trọng. Về cơ bản, đội Vận hành của BHX làm mọi thứ liên quan đến việc đưa những mặt hàng nào vào một shop mới mở, đưa vào theo trật tự, sắp xếp gì,… và dựa nhiều trên nền tảng công nghệ thông tin.
Là người cầm lái bộ phận Vận hành, tuy nhiên, theo Chủ tịch MWG, điều thú vị ở ông Phạm Văn Trọng là không chỉ làm tốt công việc của bản thân bộ phận mình, mà còn hỗ trợ cả 2 đầu mua và bán.
” Trọng nắm rất chắc cả đầu mua và bán. Hơn hết, Trọng là người nắm được đường đi nước bước để BHX đi về tương lai, đến điểm hòa vốn, điểm thành công ” Chủ tịch Tài nhận định và khẳng định ” Tập đoàn này không “promote” (bổ nhiệm) một cậu “Data Guide” lên làm CEO”.
Đồng thời, ông Tài cũng thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ vào những thay đổi và tín hiệu tích cực của BHX diễn ra trong vài tuần kể từ sau khi ông Trọng đảm đương trọng trách mới.
3 tháng đầu năm, BHX đã đạt doanh số 6.370 tỷ đồng, đóng góp 23,6% doanh thu cho MWG. Mặc dù tổng số cửa hàng cuối kỳ giảm 18 đơn vị so với cuối quý 4/2022 nhưng doanh thu cửa hàng cũ đạt mức tăng trưởng 16%.
Tổng doanh thu BHX tăng trưởng 5% so với cùng kỳ, trong đó, kênh online tăng trưởng 19%. Một điểm sáng của BHX trong quý 1 đó là sản lượng và giá trị tiêu thụ của mặt hàng tươi sống tăng 30% – 40% so với cùng kỳ.
Theo ông Trọng lý giải, đó là do chuỗi đã làm tốt được 3 việc: Một là cải thiện chuỗi cung ứng; Hai là thay đổi đa dạng hóa danh mục hàng hóa tại cửa hàng; Ba là thay đổi cách vận hành tại shop. Tất cả những điều này đều nhằm mục đích đem lại những sản phẩm tươi và trải nghiệm mua sắm tốt hơn cho khách hàng.
Cũng theo quyền CEO BHX, doanh số của BHX hiện nay còn quá nhỏ bé so với thị trường, điều quan trọng là nội tại của BHX phải chiếm được trái tim của khách hàng.
Kết thúc quý 1, hơn 90% cửa hàng đã có EBITDA dương và EBITDA cấp độ công ty là 1%. BHX vẫn đang kiên trì với chiến lược trở thành điểm đến của các bà nội trợ trong ngành hàng tươi sống, phấn đấu một tháng trong quý 4/2022 ít nhất sẽ hòa vốn.