CTCP tập đoàn Thế giới Di động (MWG) đang trải qua những tháng đầu năm khó khăn khi công bố BCTC quý I với mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 10 năm trở lại đây, vỏn vẹn 21 tỷ đồng với hệ thống hơn 5.700 cửa hàng trên cả nước.
Đang từ đỉnh cao lợi nhuận quý 4/2021, sang năm 2022, lợi nhuận MWG giảm dần và với mức về gần sát 0 như hiện tại, ranh giới giữa Lãi – Lỗ trở nên “mong manh”.
Biên lợi nhuận gộp MWG trong quý 1 năm nay chỉ còn 19,2% trong khi mức bình quân của năm ngoái là 23% (quý I năm ngoái là 22,2%), cho thấy lãi gộp trên sản phẩm bán ra đã giảm. Điều này đã được dự báo từ cuối năm 2022, khi Lãnh đạo MWG chủ trương: ” Biên lợi nhuận gộp của các chuỗi TGDĐ/ĐMX trong năm 2023 có thể thấp hơn giai đoạn 2021-2022 do sức mua yếu và Công ty tiếp tục triển khai các chương trình khuyến mãi để bán hàng “.
Trong ĐHCĐ vừa qua, Chủ tịch Nguyễn Đức Tài cũng tuyên bố sẽ “chiến” giá với sản phẩm iPhone, thậm chí cảnh báo về “tiếng rên xiết kéo dài” của các đối thủ trong thời gian tới.
Một loạt các chương trình khuyến mãi, giảm giá sau đó được tung ra cụ thể hóa những tuyên bố của người đứng đầu MWG.
Tuy nhiên với đặc thù là ngành bán lẻ, tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên doanh thu (ROS) của MWG vốn không cao, ngay cả trong thời kỳ kinh doanh thuận lợi, ROS của công ty cũng chỉ dao động từ 3% đến 5%. Không có nhiều dư địa cho việc hạ giá bán, để bảo vệ lợi nhuận, MWG bắt buộc phải cắt giảm các chi phí quản lý, bán hàng bao gồm: Chi phí nhân viên, điện nước, khấu hao, thuê mặt bằng…
Thực tế, nhìn vào báo cáo kết quả kinh doanh 3 tháng đầu năm, khi biên lợi nhuận gộp tăng, chi phí tài chính tăng (95 tỷ), “cứu cánh” giúp MWG không bị lỗ là nhờ cắt giảm CP quản lý và bán hàng.
Tổng cộng, kết thúc quý I/2023, CP quản lý và bán hàng của MWG đã giảm tới 1.165 tỷ đồng, tương đương mức giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong đó, có tới 76% chi phí cắt giảm là chi phí nhân viên, tương đương 882 tỷ đồng. Như vậy, cứ trong 10 đồng chi phí giảm đi, có 7 đồng nằm ở chi phí nhân viên.
Theo BCTC phản ánh, số lượng nhân viên MWG giảm ròng trong quý I là 5.960 người, tương đương giảm 8%. Theo số liệu MWG mới cập nhật để đồng nhất cách tính, 6 tháng trở lại đây số lượng nhân viên MWG nghỉ việc là 9.000 người, tương đương tỷ lệ giảm 12%.
Nói về việc sụt giảm nhân sự này, MWG cho rằng tổng số lượng nhân sự của Tập đoàn sụt giảm là hoàn toàn do biến động tự nhiên. Các năm trước, số lượng nhân sự nghỉ việc được bù đắp bằng số lượng tuyển mới, tuy nhiên, do tình hình kinh tế và sức mua giảm sút từ thời điểm cuối năm ngoái tới đầu năm nay khiến công ty tạm ngừng tuyển dụng thay thế đồng thời thực hiện sắp xếp lại các vị trí dựa vào doanh thu thực tế, nên sẽ có sự sụt giảm.
MWG cũng cho biết thêm, tỉ lệ nghỉ việc 9.000 người trong 6 tháng là tỉ lệ biến động tự nhiên, và con số này hoàn toàn bình thường so với trung bình ngành, khoảng 15,6%.
Tuy nhiên, theo thống kê với CTCP bán lẻ kỹ thuật số FPT (FRT), một doanh nghiệp hoạt động cùng ngành thường được so sánh với MWG, trong 6 tháng qua, nhân sự của FRT tăng 751 người, tương ứng tỷ lệ tăng 5,1%.
Tham khảo hệ thống CellphoneS, chuỗi bán lẻ điện thoại, laptop,… được biết, nhân sự của chuỗi không giảm từ đầu năm đến nay, tuy nhiên đang tạm dừng tuyển mới, chỉ tuyển mới bổ sung bù đắp cho các trường hợp nghỉ việc và phục vụ các điểm cửa hàng mở mới tại Đồng Tháp, Phú Quốc.
Trước đây, Thế giới di động được biết đến với cách quản trị nhân sự đặc biệt: quản trị bằng yêu thương. Năm 2019, ông Nguyễn Đức Tài – Chủ tịch HĐQT Thế giới di động và bà bà Nguyễn Trịnh Khánh Linh – Tổng giám đốc Dale Carnegie Việt Nam đã có cuộc trao đổi gây tranh cãi về chủ đề này.
Ông Tài chia sẻ “ Tôi cho rằng, chúng tôi đang kinh doanh ngành dịch vụ, nên yếu tố yêu thương phải được coi là vô cùng quan trọng, khác hẳn các ngành khác. Một người nhân viên không hạnh phúc thì không thể nào anh ta mang niềm vui đến cho những người khách hàng xa lạ ”
Chủ tịch MWG kể lại: “Năm 2015 đánh dấu một cột mốc lớn với Thế giới di động. Vì phát triển nhanh, “nóng” nên cũng nhiều trưởng bộ phận được thăng chức, nhưng nếu chỉ toàn áp lực kinh doanh, thì mọi mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được đều trở thành nỗi dằn vặt của nhân viên. Tôi cho rằng đập bàn quát tháo nhau có thể đạt được kết quả nhưng nhẹ nhàng thảo luận cũng có thể đạt được. Thế nên tôi kiên quyết xây dựng chiến lược giá trị yêu thương. Tất cả những quan niệm cũ phải loại bỏ. Trước kia nếu trưởng phòng sa thải nhân viên “trong vòng một nốt nhạc” thì nó chứng tỏ là “em quyết liệt lắm”, còn ngày nay đó là điều tầm bậy, thậm chí nó chứng tỏ em thiếu kỹ năng lãnh đạo. ”.
Ông Nguyễn Đức Tài cũng cho rằng, khi đã triển khai được giá trị yêu thương, thì công việc kinh doanh không còn thuần túy kiếm tiền nữa mà mỗi ngày đến công ty phải gặp được những con người có cùng chí hướng, cùng niềm tin, cùng hệ giá trị. Đó mới là con đường kinh doanh bền vững.
Cũng chính ông Tài, trong một hội nghị khác cách đây nhiều năm đã khẳng định: Mọi thứ Chi ra đều là Phí, nhưng có 2 khoản Chi không Phí là chi cho nhân viên và khách hàng.
Đó là những tuyên bố trong giai đoạn MWG kinh doanh thuận lợi và đang tăng trưởng tốt. Còn khi gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ bàn tới “Chi phí” hay “Yêu thương”?