Shark Tank Việt Nam tập 15 xuất hiện một cái tên quen thuộc của làng môi giới bất động sản. Anh Tô Văn Hùng – Founder mạng xã hội bất động sản RecBook, Chủ tịch Hội môi giới BĐS Hải Phòng, Trưởng đại diện tại Hải Phòng của Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS).
Nói về cơ duyên với ngành bất động sản, anh Hùng cho biết anh chọn nghề bất động sản bởi ra trường thiếu vốn, ngành này cũng đã tạo ra tài sản cho anh là các bất động sản. Tuy nhiên, đến năm 2019, anh nhận ra bất cập của thị trường: Cứ khi thị trường nóng sốt, nhiều người từ các ngành nghề khác nhau lại đổ về đi làm môi giới dù không có kiến thức, tạo hình ảnh xấu xí cho những người làm nghề môi giới nói chung.
Anh Hùng quyết định tự xây dựng một mô hình kinh doanh cộng đồng, mà anh gọi đó là chuỗi nhượng quyền các điểm kinh doanh, dịch vụ bất động sản. Lên Shark Tank lần này, anh muốn gọi vốn 6 tỷ đồng đổi lấy 10% cổ phần.
“Mô hình này được quản lý, điều hành, xây dựng cũng như khai thác ứng dụng thông tin và dữ liệu BĐS trên một nền tảng thiết kế mang tính chất đặc thù riêng cho thị trường BĐS. Nền tảng này không chỉ là cổng thông tin phản ánh trực tiếp thông tin BĐS hàng ngày liên tục, còn là một nền tảng, công cụ làm việc dành cho các nhà môi giới, dành cho các văn phòng, các sàn giao dịch BĐS có thể làm việc trên một nền tảng chung duy nhất, thay thế tất cả website, phần mềm, các mạng xã hội“, anh Hùng chia sẻ.
Trong năm 2022 – giai đoạn bất động sản trầm lắng, RecBook vẫn hoạt động tốt.
“Khi nhiều nhà môi giới bỏ nghề, nhiều sàn môi giới đóng cửa, thì sàn của em vẫn quy tụ được rất nhiều nhà môi giới về và vẫn phát triển. Đây là mô hình đã được kiểm chứng trong thực tế và em muốn nhân rộng toàn quốc“, anh Hùng chia sẻ trước các cá mập.
Nhu cầu mua nhà/dân số cả Việt Nam là 1%, dù chỉ hoạt động ở Hải Phòng, RecBook thu hút tới 3%, tuyên bố không đốt tiền
Theo chia sẻ từ nhà sáng lập, doanh thu tăng của RecBook tăng trưởng đều qua các năm: 4,1 tỷ đồng năm 2020; 9,5 tỷ đồng năm 2021, 27,5 tỷ đồng năm 2022 và dự kiến đạt 30 tỷ đồng cho năm 2023, thu trực tiếp từ các giao dịch.
Anh Hùng cho biết nguồn doanh thu này có được từ ba nguồn chính: Một là quảng cáo BĐS chính chủ, tức là nhân viên của RecBook sẽ thực hiện công việc đăng tin, chụp ảnh, xác thực BĐS và đăng quảng cáo cho khách hàng. Thứ hai là hoa hồng từ hoạt động môi giới nhà phố riêng lẻ. Nguồn thứ ba là môi giới BĐS dự án. Hiện tại cơ cấu doanh thu từ dự án đang chiếm khoảng 70 – 80%. Nhà phố rơi vào khoảng 15 – 25%.
Chia sẻ thêm về vai trò và sự hỗ trợ của RecBook đối với những sàn giao dịch BĐS nhỏ lẻ, anh Hùng cho biết đó là đào tạo đội ngũ môi giới và chuẩn hóa quy trình giao dịch BĐS. Anh ví mô hình kinh doanh của mình giống như một “CRM” giúp kết nối nhà môi giới và khách hàng dựa trên những thông tin phù hợp.
“Em hay nói với các bạn Sales là: Các em tiếp cận với người giàu thì rất khó, các em hãy tìm quản gia của họ để tiếp cận. Thì mình ngầm hiểu môi giới của mình chính là “quản gia của nhà giàu”“, Founder RecBook ví von.
Em hay nói với các bạn Sales là: ‘Các em tiếp cận với người giàu thì rất khó, các em hãy tìm quản gia của họ để tiếp cận’, thì mình ngầm hiểu môi giới của mình chính là “quản gia của nhà giàu”
Founder RecBook
Anh cũng cho biết đã đầu tư 15 tỷ đồng và mô hình kinh doanh đã được chứng minh, không cần đốt tiền.
Không phải là lĩnh vực phù hợp với định hướng và sở trường đầu tư nên Shark Bình, Shark Hùng Anh và Shark Tuệ Lâm quyết định không tham gia vào thương vụ.
Với lĩnh vực chuyên môn về bất động sản, Shark Hưng quyết định đề nghị 6 tỷ đồng cho 28% cổ phần. Shark Hưng cho biết ông khá ấn tượng với kết quả kinh doanh của RecBook: “Các bạn có 70.000 BĐS hay người mua đang có nhu cầu mua thì cũng là một con số kinh khủng rồi. Cả nước đang có khoảng 1 triệu nhu cầu đấy, chiếm khoảng 1% dân số. Bạn có 70.000 tức là bạn vượt con số 1% rất nhiều so với dân số Hải Phòng rồi. Điều đấy là rất tốt!”.
Dân số Hải Phòng tính đến cuối năm 2022 đạt 2,09 triệu người. Chiếu theo tính toán của Shark Hưng, số cầu từ RecBook/số dân Hải Phòng đã ở mức 3,3%.
Shark Minh Beta cũng tỏ ra thích thú với mô hình này, đề nghị với mức định giá doanh nghiệp 30 tỷ đồng, tương đương 6 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Trước hai lời đề nghị này, nhà sáng lập Recbook mong muốn có thể đồng hành cùng cả hai Shark và muốn thương lượng mức 6 tỷ đồng cho 16% cổ phần. Cho rằng còn “nhiều việc phải làm và nhiều tiền phải chi”, Shark Hưng tính dừng lại ở con số 24%.
Sau khi được Shark Minh ngỏ lời hợp tác, cuối cùng Shark Hưng cũng gật đầu. Startup và các Shark đã thống nhất con số 6 tỷ đồng cho 20% cổ phần.
Nguồn tin: https://cafef.vn/chu-tich-hoi-moi-gioi-bds-hai-phong-lap-mang-xa-hoi-quan-gia-cua-nha-giau-len-shark-tank-goi-von-6-ty-dong-cau-duoc-cung-luc-ca-shark-hung-lan-shark-minh-188240109114106175.chn