Mới đây, ông Đỗ Cao Bảo – Ủy viên Hội đồng Quản trị của FPT – đã chia sẻ trên trang cá nhân những kỷ niệm đáng nhớ về những con người đã gắn bó với tập đoàn này trong suốt chặng đường phát triển.
Tại buổi họp mặt nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập FPT Software, ông Đỗ Cao Bảo đã có dịp gặp lại nhiều người đồng nghiệp cũ, những người mà đã lâu ông không gặp, những kỷ niệm xưa như ùa về.
Ông nhớ lại “đội thỉnh kinh” sang Ấn Độ gồm Khúc Trung Kiên, Bùi Hồng Liên và Phạm Minh Tuấn. Họ là những người tiên phong đưa FPT Software bước ra thế giới, vượt qua nhiều khó khăn để học hỏi và mang về những kinh nghiệm quý báu.
Cùng với đó, là hình ảnh của “đội chinh Tây” năm 1999 với Hùng Henry và Lê Hồng Sơn. Họ không ngại khó khăn, “ăn mì gói, ngủ giường tầng” ngay tại thung lũng Silicon Valley, Mỹ – nơi được coi là trái tim của công nghệ thế giới.
Ông chia sẻ: ”Bất ngờ nhất là gặp Vũ Trọng Thư, người đã có giấc mơ rất lãng mạn: “phóng vệ tinh do người Việt Nam thiết kế và chế tạo lên vũ trụ với mục tiêu giám sát tàu thuyền trên biển Đông, hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phát hiện cháy rừng sớm hay phục vụ các nhu cầu viễn thông, viễn thám khác của Việt Nam.
Đấy là vào năm 2010-2011, Vũ Trọng Thư, một thành viên của FPT Software có khát vọng thiết kế, chế tạo ra chiếc vệ tinh, phóng lên vũ trụ, trên thân vệ tinh có lá quốc kỳ Việt Nam. Người FPT vốn lãng mạn và “leng keng”, lẽ tự nhiên phải ủng hộ giấc mơ lãng mạn ấy. Thế nhưng FPT là công ty đại chúng trên sàn chứng khoán, nên không thể mang tiền của cổ đông đi làm việc ấy. Anh Trương Gia Bình quyết định chuyển dự án vệ tinh sang Đại học FPT và vận động người FPT góp tiền cho dự án vệ tinh (cũng như các lãnh đạo FPT khác, tôi cũng tham gia tài trợ một khoản cho dự án).
Vũ Trọng Thư khi nhận giải “Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2011”
>> Ông Đỗ Cao Bảo: FPT đã tập hợp được 50 tiến sĩ về AI từ khắp nơi trên thế giới
Đúng 9h06 phút sáng ngày 21/7/2012, tại Cơ quan Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA), chiếc vệ tinh mang tên F-1 do người Việt Nam thiết kế và chế tạo đã được tên lửa HII-B mang theo tàu vận tải HTV-3 cùng vệ tinh F-1 đã rời bệ phóng thành công. Vào lúc 9h13, độ cao tên lửa đạt 200 km. 8 phút sau khi phóng, tên lửa vẫn hoạt động tốt. Vào lúc 9h21, tàu HTV-3 đã tách thành công khỏi tên lửa đẩy và chạy bằng năng lượng của chính mình. Vệ tinh F-1 chính thức bay vào vụ trụ. Rất tiếc rằng sau đó mặt đất không nhận được tín hiệu của vệ tinh F-1 nữa.
Vũ Trọng Thư cho biết, sau vụ phóng vệ tinh F-1 không thành, anh sang Đại học HCT (UAE) để tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình, giờ đây anh cùng với các sinh viên và cộng sự đã thiết kế, chế tạo và đưa 4 vệ tinh lên vũ trụ hoạt động, phục vụ cho các mục đích khác nhau”.
Từ đó, vị ”công thần” của FPT kết lại, bài học của Vũ Trọng Thư chính là bài học không sợ thất bại, quan trọng nhất là sau thất bại đứng dậy và làm lại, “thất bại chỉ là thất bại nếu chúng ta dừng lại” và “thất bại chính là mở đầu cho thành công tiếp theo”.
>> ‘Công thần’ FPT: Tố chất làm AI của người Việt chỉ thua Mỹ, Trung Quốc, Nga, Ấn Độ và 3 đến 5 quốc gia khác
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/nguoi-fpt-von-lang-man-va-leng-keng-chang-trai-thuc-hien-uoc-mo-phong-ve-tinh-do-nguoi-viet-nam-thiet-ke-va-che-tao-len-vu-tru-151614.html