Ngày 4/1, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam ( VIMC ) tổ chức Hội nghị triển khai nhiệm vụ kinh doanh năm 2024. Tại đây, Tổng Giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết trong năm 2023, doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều thách thức.
Theo ông Tĩnh, hiện nay đội tàu của các doanh nghiệp vận tải biển thuộc doanh nghiệp đa phần đã nhiều tuổi, size tàu và tính năng lạc hậu nên hầu hết đều trong tình trạng kỹ thuật kém khiến một số tàu đã xảy ra sự cố làm tăng chi phí sửa chữa; chi phí vật tư, phụ tùng… Năng lực đội tàu hàng năm giảm dần về cả số lượng và chất lượng. Việc đầu tư phát triển đội tàu gặp nhiều khó khăn về thủ tục theo quy định của pháp luật cũng như khó khăn về thu xếp nguồn vốn đầu tư.
Trong khi đó, nhiều hãng tàu tư nhân trong nước đã đầu tư thêm nhiều tàu có tuổi thấp, tính năng tốt để tận dụng cơ hội thị trường giúp nâng cao khả năng cạnh tranh.
Năm 2023, sản lượng vận tải biển của VIMC đạt 20,6 triệu tấn (116% kế hoạch); cảng biển 113,5 triệu tấn (84% kế hoạch) . Doanh thu đạt gần 18.000 tỷ đồng (104% kế hoạch), lợi nhuận đạt hơn 2.000 tỷ đồng.
“Chúng ta thấy sản lượng cảng biển chỉ bằng 84% so với kế hoạch và bằng 92% so với cùng kỳ, nhưng tổng doanh thu tăng 4% là do các doanh nghiệp đã tích cực thực hiện mở rộng các hoạt động kinh doanh ngoài bốc xếp, hoạt động thương mại. Lợi nhuận toàn tổng công ty hơn 2.000 tỷ đồng, trong đó có 160 tỷ đồng được ghi nhận từ chương trình quản lý chi phí hiệu quả được triển khai từ các doanh nghiệp thành viên với nhiều giải pháp“ – ông Tĩnh cho biết.
Cũng theo Tổng Giám đốc VIMC, sản lượng toàn khối cảng biển giảm 16% so với kế hoạch do chịu ảnh hưởng chung bởi tình hình kinh tế thế giới không thuận lợi. Nhu cầu tiêu dùng yếu đặc biệt tại hai thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam là Mỹ và châu Âu dẫn tới sản lượng các cảng của VIMC tại khu vực Cái Mép Thị Vải sụt giảm mạnh so với cùng kỳ.
Năm 2024 thị trường vận tải biển dự báo tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi chiến tranh tiếp tục căng thẳng, leo thang tại nhiều khu vực kéo theo nhiều hệ lụy, sức tiêu dùng chưa có dấu hiệu phục hồi gây ảnh hưởng tới nhu cầu vận tải hàng hóa. Các yếu tố khác như hạn hán tại kênh đào Panama, những cuộc tấn công lên các tàu thuyền thương mại liên tục leo thang ở khu vực biển Đỏ, kênh đào Suez gây ảnh hưởng đến hoạt động của các hãng tàu và có thể dẫn tới tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nguồn cung tàu cũng dự kiến tăng trưởng mạnh mẽ khi các hãng tàu bắt đầu nhận bàn giao tàu mới sau 2 năm chờ đóng. Trong khi đó, dự báo chỉ có số lượng thấp tàu được đem đi phá dỡ. Hoạt động kinh doanh của các hãng tàu suy giảm nghiêm trọng. Các hãng tàu phải cắt giảm mạnh chi phí hoạt động (hãng tàu Cosco đã cắt giảm 37% chi phí hoạt động so với năm 2022) dẫn tới nhiều khó khăn trong quá trình đàm phán giá dịch vụ giữa các cảng và hãng tàu.
Xu hướng tăng size tàu đặc biệt đối với size tàu đi châu Âu (cỡ tàu lớn nhất lên tới hơn 24.000 TEU). Điều này dẫn tới việc mất đi cơ hội đối với các cảng của VIMC như SSIT, CMIT, SP-PSA, lợi thế hoàn toàn thuộc về Gemalink.
Riêng đối với VIMC, những thách thức còn đối mặt như đội tàu già (tuổi tàu trung bình là 20 tuổi), tính năng kỹ thuật kém, không đồng bộ, quy mô đội tàu ngày càng thu hẹp do quá trình tái cơ cấu cũng như do vướng mắc trong quy định về thủ tục đầu tư nên nhiều năm nay các doanh nghiệp của VIMC chưa đầu tư phát triển được đội tàu.
Đối với khối cảng biển, VIMC chịu áp lực ngày càng gay gắt từ khối tư nhân cũng như sự ra đời của nhiều cảng mới tại tất cả các khu vực có lợi thế hơn vị trí cảng của VIMC. Với khối dịch vụ, phương tiện thiết bị của nhiều đơn vị còn hạn chế nên phải thuê ngoài nhiều, làm tăng chi phí. Vị trí kho bãi không thuận lợi, cách xa trung tâm khai thác cảng, cơ chế chính sách đối với khách hàng còn thiếu linh hoạt, không còn ưu thế cạnh tranh.
Các quy trình quản trị, thủ tục đầu tư của doanh nghiệp Nhà nước luôn chịu các cơ chế quản lý ràng buộc dẫn đến kém linh hoạt so với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân dẫn tới nguy cơ để mất cơ hội thị trường.
Trước những thách thức phải đối mặt, VIMC thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận. Cụ thể, mục tiêu của VIMC năm 2024 đạt doanh thu 17.742 tỷ đồng, bằng 99% ước thực hiện năm 2023 và lợi nhuận đạt 2.169 tỷ đồng, tăng 4% ước thực hiện năm 2023. Doanh nghiệp cũng đặt mục tiêu duy trì và mở rộng thị trường, thị phần khách hàng tại các khu vực, tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cơ cấu tổ sản xuất kinh doanh, tài chính, tái cơ cấu đội tàu vận tải biển, triển khai mạnh mẽ chương trình quản lý chi phí hiệu quả nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp thành viên.
Lãnh đạo VIMC cho biết đặt mục tiêu đảm bảo tiến độ triển khai các dự án đầu tư đặc biệt các dự án đầu tư trọng điểm như dự án đầu tư bến 3,4 Lạch Huyện, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, dự án cảng nước sâu Liên Chiểu; Tiếp tục mở rộng và hoàn thiện hệ sinh thái cảng biển – vận tải biển – logistics của VIMC thông qua việc tham gia đầu tư dự án cơ sở hạ tầng logistics, ICD, kho bãi… và đưa Công ty cổ phần container VIMC vào hoạt động; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tiếp tục triển khai dự án quản trị nhân tài…
Nguồn tin: https://cafef.vn/ceo-hang-van-tai-bien-lon-nhat-viet-nam-noi-ve-muc-tieu-doanh-thu-18824010507430908.chn