Với dư địa lớn (khi tỷ lệ sở hữu nhà của người dân so với khu còn ở mức thấp), dân số trẻ, nhu cầu hiện hữu đi cùng sự phát triển của nền kinh tế, thị trường bất động sản Việt Nam luôn là điểm đến hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư ngoại. Đặc biệt, trong bối cảnh với nhiều biến động ngắn hạn vừa qua, làn sóng đầu tư của dòng vốn ngoại mạnh mẽ hơn.
Đơn cử, nguồn tin từ Reuters mới đây cho biết Tập đoàn CapitaLand của Singapore đang đàm phán để mua lại một số dự án của Vinhomes, với tổng trị giá lên đến 1,5 tỷ USD – nếu thành công sẽ trở thành một trong những thương vụ bất động sản lớn nhất tại Đông Nam Á trong những năm gần đây.
Trước đó không lâu, Ryobi – Tập đoàn đến từ Nhật Bản – cũng chính thức ký kết hợp tác với VinaCapital trong lĩnh vực bất động sản. Được biết, hai bên hợp tác để phát triển dòng sản phẩm nhà liền thổ, hướng đến đối tượng có thu nhập trung bình và cao ở Tp.HCM có nhu cầu ở trong một không gian nghỉ dưỡng.
Việc dòng vốn ngoại đổ vào được đánh giá là sự tích cực cho sự phát triển của thị trường. Song, ở một khía cạnh khác, điều này dấy lên lo ngại liệu doanh nghiệp bất động sản Việt Nam sẽ đánh mất thị phần vào tay nước ngoài?
Liệu doanh nghiệp bất động sản Việt Nam sẽ đánh mất thị phần vào tay nước ngoài?
Chia sẻ với chúng tôi về vấn đề này, ông Đỗ Chí Hiếu – Chủ tịch VinaLiving, Thành viên của Tập đoàn VinaCapital – nhấn mạnh: “Hiện nay các nhà phát triển bất động sản nước ngoài như VinaLiving đều tập trung vào các phân khúc thị trường ngách. Thị trường chủ lực (Mass Market) vẫn nằm trong tay các chủ đầu tư Việt Nam vì họ có năng lực phát triển quỹ đất, triển khai dự án và bán hàng vượt trội. Sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài sẽ thêm lựa chọn cho người mua nhà, đồng thời khuyến khích sự cạnh tranh bằng chất lượng sản phẩm. Quan trọng hơn hết là sư đa dạng hóa nguồn vốn để triển khai dự án. Do đó về dài hạn theo tôi sẽ đem lại hiệu ứng tích cực cho thị trường”.
Nhận định về thị trường hiện nay, vị này chi biết bất động sản Việt Nam đang thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư nước ngoài có vốn dài hạn. Trong chu kỳ tăng trưởng (Bull-Run) có thể nói là dài nhất của thị trường bất động sản Việt Nam tính từ năm 2016-2022, rất ít nhà đầu tư nước ngoài có thể tham gia vào sự tăng trưởng bằng cách tạo lập quỹ đất mới. Việc các chủ đầu tư Việt Nam sẵn sàng cơ cấu lại danh mục và chấp nhận bán đi một số tài sản có chất lượng cao mở ra các cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Dù rằng, trong ngắn hạn chắc chắn sẽ phải đối mặt những khó khăn. Tuy nhiên tác động của khủng hoảng thanh khoản đối với từng doanh nghiệp, từng phân khúc thị trường và từng khu vực là rất khác nhau, không nên quy kết một cách quá vội vàng cho một bức tranh chung.
“ Vừa qua Chính Phủ cũng đã có chỉ đạo và quyết sách khá hiệu quả để giải quyết vấn đề trái phiếu doanh nghiệp cũng như lãi suất vay cấp vốn cho doanh nghiệp bất động sản . So với các nước trong khu vực láng giềng, chúng ta đang hành động quyết liệt và hiệu quả hơn. Do đó tôi nghĩ thị trường bất động sản Việt Nam vẫn là đích đến hấp dẫn hàng đầu khu vực ”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Câu hỏi đặt ra, khi nào thị trường sẽ dần đi vào ổn định?
Theo ông Hiếu, cần phải căn cứ vào lượng giao dịch lớn để đánh giá xu hướng biến động giá cả. Chúng ta không thể căn cứ vào vài giao dịch “cắt lỗ” để đánh giá giá trị tài sản toàn bộ khu vực. Do đó, sẽ có một sự điều chỉnh diện rộng về giá trị bất động sản trong đó các tài sản có cơ sở pháp lý rõ ràng, chủ đầu tư uy tín và tiến độ bàn giao đảm bảo. Thị trường sẽ ổn định khu cung gặp cầu và thanh khoản phục hồi.
“ Tôi nhìn nhận thị trường trong thời gian tới sẽ rất hấp dẫn ở các bất động sản đánh vào như cầu thực của khách hàng . Từ trước đến nay, Việt Nam chưa thực sự có những hỗ trợ thiết thực để cơ hội sở hữu nhà được thuận lợi hơn so với các nước khác, ví dụ như hỗ trợ lãi vay cố định cho người mua nhà lần đầu, khấu trừ thuế phần lãi vay mua nhà, miễn giảm thuế cho người chỉ sở hữu duy nhất một bất động sản … Nếu chúng ta thi hành các chính sách hỗ trợ này thì sẽ tạo ra dư địa lớn để cung cầu có thể gặp nhau, từ đó thị trường sẽ phát triển hướng tăng trưởng về dung lượng thay vì tăng trưởng về giá, và đó là cơ hội cho rất lớn cho các nhà đầu tư hướng đến tăng trưởng bền vững ”, vị này nói.
Mặt khác, về dòng vốn Nhật liên tục rót vào Việt Nam thời gian gần đây, đại diện VinaCapital cho rằng xuất phát từ bình diện chính trị giữa 2 nước luôn duy trì ở tình trạng hợp tác tích cực. Các nhà đầu tư Nhật đã rất có kinh nghiệm đầu tư vào các thị trường mới nổi và họ tin vào triển vọng dài hạn tại các quốc gia có tăng trưởng kinh tế cao và phần lớn người dân có xu hướng duy trì lượng tài sản ròng cao trong bất động sản. So với các nhà đầu tư từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan… dòng vốn từ Nhật Bản còn tương đối thấp và dư địa tăng trưởng sẽ còn rất cao.