Biển Đỏ nối Ấn Độ Dương với Địa Trung Hải thông qua kênh đào Suez là tuyến đường huyết mạch về năng lượng và thương mại quốc tế khi vận chuyển tới 12% khối lượng thương mại toàn cầu. Tuy nhiên, các cuộc tấn công của lực lượng Houthi ở vùng biển này đã khiến tuyến đường thương mại quan trọng nối châu Âu và châu Á sụp đổ trong những tuần gần đây.
Theo đó, các hãng vận tải khổng lồ toàn cầu như Maersk, Hapag-Lloyd, CMA và CGM cũng như Tập đoàn dầu mỏ BP phải tạm ngừng các chuyến hàng qua vùng biển này và tái định tuyến qua mũi Hảo Vọng ở phía Nam châu Phi. Việc này khiến mỗi chuyến hàng khứ hồi kéo dài thêm khoảng 10 ngày, đồng thời chi phí cũng đội lên đột biến, ảnh hưởng không nhỏ tới hàng hóa xuất khẩu của các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Công Thương, thời điểm hiện tại những doanh nghiệp có hàng hóa xuất khẩu đi châu Âu, Trung Đông… đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi cước tàu biển tăng cao (mức phổ biến được các doanh nghiệp cho biết cụ thể là tăng hơn 200% đến 300% so với cuối năm 2023). Hệ quả là kế hoạch giao hàng và sản xuất của doanh nghiệp cũng như đối tác bị đảo lộn, nhiều doanh nghiệp phải tạm dừng xuất khẩu và thảo luận lại hợp đồng với các đối tác…
“Chúng tôi hết sức lo ngại về tình hình an ninh Biển Đỏ sẽ tác động mạnh tới hoạt động của doanh nghiệp. Theo đó, việc mất an ninh ở khu vực này buộc các hãng tàu phải đổi hành trình và tăng giá cước lên rất cao. Ngoài ra, thời gian vận chuyển cũng kéo dài hơn so với trước đây”- ông Lê Duy Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Việt Nam- cho biết.
Cũng theo ông Lê Duy Hiệp, trong 3 năm qua tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam vốn đã chịu tác động nặng của Covid-19 và mới chỉ đang hồi phục gần đây, nay thêm tác động của lạm phát cũng như khu vực Biển Đỏ sẽ khiến quá trình phục hồi chậm lại, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp tới xuất khẩu.
“Hiện chúng tôi đã gặp các hãng tàu tìm hiểu, nắm bắt tình hình và sẽ thương thảo với các hãng tàu về mức tăng sao cho hợp lý hơn, bởi mức tăng hiện tại quá đột ngột. Về phía doanh nghiệp Việt Nam, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp tìm cung đường vận chuyển hàng khác an toàn hơn với giá cạnh tranh hơn”- ông Lê Duy Hiệp nói.
Trong khi đó, ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Long Sơn, đồng thời cũng là Chủ tịch Hội Điều tỉnh Bình Phước- cho biết, mặc dù doanh nghiệp khi chọn nhà vận chuyển tránh rủi ro bằng cách chọn nhiều hãng tàu. Tuy vậy, thời điểm hiện tại các hãng đồng loạt tăng giá gấp 3 nên doanh nghiệp không có sự lựa chọn khác bởi các đơn hàng đã ký buộc phải giao để giữ chữ tín với khách hàng. Riêng với đơn hàng mới, doanh nghiệp sẽ cố gắng chào theo giá cước mới để giảm thiệt hại.
Cũng theo ông Sơn, điều lo lắng hơn là hiện không chỉ tuyến đi qua khu vực Biển Đỏ tăng giá mà nhiều cung đường khác (cụ thể là đi bờ Tây nước Mỹ) cũng bị “đội giá” theo gấp đôi.
“Trong khi chưa có giải pháp nào hữu hiệu, chúng tôi khuyến cáo doanh nghiệp phải đoàn kết để hạ giá thành sản xuất. Muốn làm được, chúng ta phải bắt tay hạ giá điều nhập khẩu thô từ châu Phi vì nước này hiện cung cấp chủ yếu cho doanh nghiệp Việt Nam”- ông Sơn nói.
Theo nhiều doanh nghiệp, ngành hàng, hiện chỉ có một số tuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… không bị tăng giá cước – đây cũng là thị trường có nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng điều, dệt may, gạo, thủy sản lớn. Do đó, doanh nghiệp cần chú trọng nhiều hơn vào những thị trường này, đồng thời chú ý thực hiện các tiêu chuẩn nghiêm ngặt theo yêu cầu của thị trường để giữ khách hàng.
“Hiện việc xuất khẩu của chúng tôi qua Nhật Bản bình thường, không chịu tác động từ cước vận tải biển. Đây cũng là thị trường chủ lực của doanh nghiệp trong năm 2023 nên TCM vẫn duy trì, mở rộng thị trường này trong thời gian tới”- ông Trần Như Tùng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Dệt may – Đầu tư – Thương mại Thành Công (TCM) chia sẻ.
Nguồn tin: https://cafef.vn/cang-thang-bien-do-leo-thang-hiep-hoi-nganh-hang-khuyen-cao-gi-188240121203209061.chn