Trưa ngày 16/6, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phát đi thông báo về việc giảm lãi suất điều hành với các mức giảm từ 0,25%-0,5%/năm, có hiệu lực từ ngày 19/6. Theo đó, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng giảm từ mức 5,5%/năm xuống 5%/năm; lãi suất tái cấp vốn giảm từ mức 5,0%/năm xuống 4,5%/năm; lãi suất tái chiết khấu giảm từ mức 3,5%/năm xuống 3,0%/năm.
Điều này phần nào cũng cho thấy NHNN tiếp tục có động thái giảm lãi suất với kỳ vọng kích thích tăng trưởng tín dụng, hỗ trợ cho các doanh nghiệp và nền kinh tế, đặc biệt với nhóm ngành với tổng nợ vay lớn.
Nếu lãi suất cho vay giảm, sẽ tác động tích cực đến một số nhóm ngành
Theo quan điểm của Chứng khoán Mirae Asset (MAS), mức lãi suất cho vay giảm sẽ tác động tích cực đến lợi nhuận trước thuế ở một số nhóm ngành có tỷ lệ nợ vay lớn.
Dựa theo số liệu chốt năm 2022, có 5 ngành đang có mức vay nợ cao và dự báo sẽ hưởng lợi trong ngắn hạn trước quyết định giảm lãi suất này: Bất động sản, Thép, Thực phẩm, Nuôi trồng nông & hải sản và Xây dựng.
Trong đó, MAS dùng lợi nhuận trước thuế 2022 làm cơ sở ước tính. Với kịch bản trung tính nhất ở mức giảm lãi suất cho vay xuống 0,5%, sẽ giúp cho ngành Thép có phần cải thiện tăng lợi nhuận trước thuế lớn nhất ở mức 4,2%, và nhóm thực phẩm có mức biến động thấp nhất với 1,1%.
Quý 4/2023 mới “ngấm” dần vào nền kinh tế
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam đã 4 lần giảm lãi suất điều hành, phát đi tín hiệu nới lỏng tiền tệ sớm hơn nhiều quốc gia khác. Tuy vậy, chính sách tiền tệ theo chuyên gia luôn cần độ trễ nên có thể đến quý 4/2023 mới “ngấm” dần vào nền kinh tế.
Chưa kể, dù lãi suất điều hành hạ nhưng lãi suất cho vay không hạ tương xứng, dẫn đến doanh nghiệp hay người dân vẫn chưa thực sự mặn mà để vay vốn tái sản xuất, đầu tư, chia sẻ của các chuyên gia tại Hội thảo “Tìm ổn định trong bất định” mới đây.
Mặt khác, đây cũng là động thái cần khi tăng trưởng tín dụng đến ngày 20/4/2023 dừng ở 2,57%, giảm mạnh so với mức 6,46% trong cùng kỳ năm 2022. Trong khi, NHNN định hướng tăng trưởng tín dụng khoảng 14-15% trong năm 2023.
Về phản ứng của thị trường chứng khoán, phiên giao dịch sau thông tin hạ lãi suất lần thứ 4, chỉ số có lúc tăng mạnh lên 10 điểm nhưng tâm lý chốt lời ở ngưỡng kháng cự vẫn rất lớn. Đây cũng là phiên ETF cơ cấu danh mục.
Kết phiên VN-Index giảm 1,75 điểm lùi về vùng giá 1.115 điểm. Số mã giảm vẫn áp đảo mã tăng với tỷ lệ 258 xanh/170 đỏ. Lực bán chủ động áp đảo thanh khoản ba sàn tăng vọt lên ngưỡng 25.600 tỷ đồng. Dù vậy, khối ngoại vẫn mua ròng mạnh 466 tỷ đồng, trong khi ngược lại cá nhân tiếp tục là bên xả ròng. Cho nên, tin giảm lãi suất không đủ mạnh để tác động lên thị trường chứng khoán.
Về dài hạn, theo ông Kang Moon Kyung – Tổng Giám Đốc MAS: “Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng trong tương lai, và nhận được rất nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài”.
Chuyên gia từ Mirae Asset đánh giá thêm việc hạ lãi suất cũng có tác động tích cực lên thị trường chứng khoán. Quy luật cung cầu sẽ giúp dòng tiền từ các kênh tiết kiệm dịch chuyển tốt hơn qua kênh chứng khoán.
Dẫn chứng, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới tăng mạnh trong tháng 5 khi đạt lại mốc trên 100.000 đơn vị. Khảo sát sơ bộ của chuyên gia Mirae Asset cho thấy con số mở mới trong tháng 6 vẫn duy trì tốt, cho thấy mức độ quan tâm vẫn rất lớn. Nguyên nhân do dòng tiền tham gia thị trường còn rất lớn đã giúp giữ thị trường ở trạng thái ổn định, khó xảy ra những rung lắc và các cú “sập” lớn bởi dòng tiền lớn vẫn đang bơm vào. Mặt khác, dòng vốn từ khối ngoại cũng đang tích cực hơn, qua đó kỳ vọng mặt bằng điểm số sẽ duy trì ở mức cao hơn giai đoạn trước.