Sáng ngày 2/1/2025, tại trụ sở Bộ Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã chủ trì hội nghị với các trường đại học trực thuộc Bộ với chủ đề “Phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ Chương trình điện hạt nhân”.
Theo khuyến nghị từ Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) và các tập đoàn hàng đầu như EDF (Pháp) và ATOMSTROYEXPORT (Nga), một nhà máy điện hạt nhân với công suất 2.000MW (gồm 2 lò phản ứng) cần khoảng 1.000 nhân sự trình độ từ trung cấp đến đại học. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu tiếp nhận chuyển giao công nghệ, vận hành và duy trì an toàn nhà máy trong điều kiện thực tế của Việt Nam, nhu cầu này tăng lên khoảng 1.200 người có trình độ đại học.
Như vậy, trong trường hợp tái triển khai tái triển khai cả hai dự án Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2, mỗi dự án có công suất 2×2.000MW, nhu cầu nhân lực tương ứng sẽ là 2.400 người trình độ đại học.
Cần khoảng 2.400 nhân lực trình độ đại học tại nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và Ninh Thuận 2
Nguồn nhân lực này sẽ được phân bổ qua các giai đoạn khác nhau: giai đoạn chuẩn bị đầu tư cần khoảng 100 người, giai đoạn đấu thầu dự án cần 140 người, và giai đoạn xây dựng cũng như vận hành thử nhà máy cần 960 người. Trong đó, các vị trí quản lý dự án đòi hỏi nhiều nhân sự nhất với 360 người, tiếp theo là 300 nhân viên bảo trì và hỗ trợ kỹ thuật, 160 nhân sự phụ trách hỗ trợ, cùng 152 nhân viên cung cấp dịch vụ bên ngoài.
Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các quốc gia có ngành công nghiệp hạt nhân phát triển cho thấy, ngoài nhân sự trực tiếp phục vụ nhà máy, cần có thêm khoảng 350 chuyên gia trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trong các lĩnh vực như luật pháp hạt nhân, chu trình nhiên liệu, nghiên cứu và phát triển (R&D). Đội ngũ này sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc nghiên cứu, quản lý và đảm bảo an toàn toàn diện cho nhà máy điện hạt nhân.
Về chuyên ngành đào tạo, theo kinh nghiệm của một số trường đại học ở các nước có ngành khoa học và công nghệ hạt nhân phát triển thì nguồn nhân lực khoa học công nghệ hạt nhân được đào tạo theo các chuyên ngành, gồm: (1) Điện hạt nhân; (2) An toàn bức xạ; (3) Kỹ thuật hạt nhân; (4) Vật lý hạt nhân; (5) Quy hoạch; (6) Cơ khí; (7) Điện; (8) Môi trường; (9) Luật; (10) Kinh tế; và (11) Xây dựng và một số ngành khác.
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận được Quốc hội phê duyệt lần đầu vào năm 2009 với tổng công suất 4.000MW, chia thành 2 nhà máy trên diện tích 1.642ha. Tuy nhiên, tới năm 2016, Quốc hội đã tạm dừng dự án vì nhiều yếu tố khách quan. Ngày 25/11/2024, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII thống nhất chủ trương tái khởi động Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận và tiếp tục nghiên cứu chương trình điện hạt nhân tại Việt Nam.
>>Trường Đại học Điện lực hợp tác Nhật Bản đào tạo nhân sự cho dự án điện hạt nhân Ninh Thuận 2
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/can-2-400-nguoi-co-trinh-do-dai-hoc-hang-tram-thac-si-tien-si-de-van-hanh-nha-may-dien-hat-nhan-ninh-thuan-189489.html