Sau một thời gian thử sức với kinh doanh tự do nhưng gặp nhiều khó khăn và thu nhập không ổn định, anh Nguyễn Doãn Vũ (sinh năm 1995) ở Hà Tĩnh, đã quyết định cùng người anh họ vào Bình Dương để học hỏi về mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Tại đây, anh nhận thấy mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng đang mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trở về quê, với ý chí quyết tâm và được sự ủng hộ người thân, anh Vũ đã mạnh dạn “cắm” sổ đỏ của gia đình vay ngân hàng hơn 500 triệu để khởi nghiệp.
Do gia đình không có sẵn đất canh tác phù hợp, anh phải thuê lại đất nông nghiệp của người dân trong thôn. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và các hộ dân, năm 2022, anh thuê 1,5ha đất màu để triển khai mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng.
Với số vốn trong tay, anh Vũ đã đầu tư xây dựng một nhà màng khép kín có diện tích 2.000m2, được thiết kế chắc chắn để chống lại mưa bão. Bên trong, anh trang bị hệ thống tưới nhỏ giọt tiết kiệm nước theo công nghệ Israel. Tháng 6 cùng năm, anh bắt đầu vụ dưa lưới đầu tiên.
“Khó khăn lúc bắt đầu khởi nghiệp chính là nguồn vốn và kỹ thuật, nhưng được sự ủng hộ từ gia đình, chính quyền địa phương. Đặc biệt, về kỹ thuật, được người anh họ có kinh nghiệm nhiều năm trồng dưa lưới ở miền Nam hướng dẫn nên khá yên tâm. Vụ dưa lưới đầu tiên dù năng suất chưa cao nhưng đã giúp cho tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm để tiếp tục triển khai trong những vụ tiếp theo”, anh Vũ kể lại.
Mô hình trồng dưa lưới của anh Nguyễn Doãn Vũ
>> Chàng trai 18 tuổi gọi vốn khởi nghiệp bị các ‘cá mập’ nhận định là ‘ngây thơ’, Shark Bình đưa ra lời khuyên cho các startup ‘con nhà giàu vượt sướng’
Sau đó, anh Vũ đã mạnh dạn mở rộng quy mô lên 4 nhà màng, mỗi nhà có diện tích 2.000m2 với tổng mức đầu tư trên 1,5 tỷ đồng.
Anh cho biết: “Trồng dưa lưới theo mô hình nông nghiệp công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu tương đối cao, người trồng phải biết áp dụng khoa học – kỹ thuật vào sản xuất. Quy trình sản xuất được kiểm soát chặt chẽ, từ khâu chọn hạt giống, trồng cây, chăm sóc, theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây cho đến lúc thu hoạch sản phẩm”.
Theo anh Vũ, để phòng ngừa sâu bệnh tốt, việc xử lý đất và vệ sinh nhà màng ngay từ đầu vụ là rất quan trọng. Cây dưa lưới chỉ hút dinh dưỡng từ đất, nên mọi chế độ dinh dưỡng đều được pha chế đúng kỹ thuật, đi theo đường nước tưới cắm trực tiếp xuống đất cạnh mỗi gốc cây.
Việc lựa chọn quả để lại trên cây rất quan trọng, thường được tuyển chọn 2 lần. Lần đầu, lựa chọn chỉ để lại 4-5 quả, lần 2, sau 3 ngày khi quả đã đậu chắc chắn, tiếp tục kiểm tra, mỗi cây chỉ giữ lại một quả đẹp nhất để nuôi. Sau đó thường xuyên cắt tỉa lá, nhánh giúp cây tập trung chất dinh dưỡng nuôi quả và phòng tránh dịch bệnh.
Theo kinh nghiệm sau nhiều vụ sản xuất, anh Vũ cho biết giống dưa lưới TL3 là lựa chọn tối ưu, với khả năng kháng bệnh tốt, thịt quả có màu cam, giòn, ngọt và thơm, vỏ cứng nên giữ được lâu sau thu hoạch. Mỗi quả dưa TL3 nặng từ 1,2-1,5kg, giá bán từ 20-25 nghìn đồng/kg, phù hợp với túi tiền của nhiều khách hàng.
Hiện nay, sản phẩm dưa lưới của anh Vũ chủ yếu tiêu thụ tại chợ đầu mối ở TP.Vinh, các chợ bán lẻ và cửa hàng hoa quả trong tỉnh.
Với 4 nhà màng trồng dưa lưới TL3, mỗi vụ anh thu hoạch từ 20-25 tấn quả, sau khi trừ chi phí, lợi nhuận đạt từ 150-170 triệu đồng mỗi vụ. Trung bình mỗi năm anh trồng 3 vụ, mang lại thu nhập 450-500 triệu đồng/năm.
Mô hình của anh Vũ không chỉ mang lại lợi nhuận cao mà còn tạo việc làm ổn định cho 2 lao động địa phương, với mức lương 7 triệu đồng/người/tháng. Vào mùa thu hoạch, anh còn thuê thêm 7-10 nhân công thời vụ.
>> ‘Đánh liều’ nuôi động vật trong sách đỏ, một nông dân Cần Thơ thu về hàng tỷ đồng mỗi năm
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/cam-so-do-de-khoi-nghiep-chang-trai-mien-trung-bat-ngo-doi-doi-nho-nong-nghiep-cong-nghe-cao-154650.html