Trong tuần qua, vào phiên giao dịch ngày 15/6/2023, nhóm cổ phiếu của doanh nghiệp chăn nuôi heo hút dòng tiền khá mạnh. HAG của Hoàng Anh Gia Lai, BAF của Nông nghiệp BaF tăng tốt, riêng DBC của Dabaco bật trần. Đà tăng thực tế đã diễn ra hơn tuần qua, theo dấu giá heo hơi trên thị trường dần hồi phục.
Giá heo hồi phục
Thống kê trong vòng gần 2 tháng gần đây, giá heo hơi của nước ta đã tăng mạnh trở lại. Dữ liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, giá heo hơi tại miền Bắc kể từ giữa tháng 4 đến nay đã ghi nhận mức tăng tốt nhất với 21%.
Tiếp theo sau đó là miền Nam với mức tăng 18,18% và miền Trung – Tây Nguyên với mức tăng 17,3%. Trong khoảng thời gian đầu tháng 6, giá thịt heo hơi nhìn chung đang biến động sát ngưỡng 60.000 VND/kg. Đây được xem là vùng giá mà các doanh nghiệp và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ bắt đầu có lãi.
Báo cáo ngày 15/6 của Anova Feed ghi nhận, giá heo hơi đã và đang tăng thêm tại nhiều tỉnh. Điển hình tại Thái Bình lập đỉnh mới, tăng 1 giá vươn lên mức 63.000VND/kg, ở tỉnh Nghệ An hôm nay tăng 3.000VND/kg, đạt mốc 61.000VND/kg. Miền Bắc- Trung có đà tăng mạnh hơn so với miền Nam- giữ mức giá khá ổn định trong tầm 59.000VND/kg.
Hộ chăn nuôi, doanh nghiệp đã có lãi trở lại
Với mức giá này, hộ nông dân đã có lãi trở lại. Chia sẻ bởi một người trong ngành, giá vốn bình quân của nộ nông dân vào khoảng 53.000 – 54.000 VND/kg, ai làm tốt hơn thì 51.000 – 52.000 VND/kg.
Đặc biệt doanh nghiệp với quy mô lớn, giá vốn thấp hơn, do đó bức tranh kinh doanh các bên dự báo sẽ khả quan trở lại. Quý 1/2023, ngoại trừ HAG có lãi dương thì hầu hết các đơn vị còn lại tăng trưởng âm, có đơn vị thậm chí lỗ lớn như DBC.
Đối với các doanh nghiệp niêm yết, chia sẻ của lãnh đạo HAG và BAF cho biết giá vốn khoảng 42.000 – 45.000 VND/kg. Hai đơn vị này có lợi thế là tự sản xuất cám, riêng HAG tận dụng được chuối thải nên giá thành sản xuất cạnh tranh hơn đơn vị cùng ngành.
Còn DBC, trong một chia sẻ gần nhất, lãnh đạo Công ty cho biết giá thành sản xuất mảng heo của DBC đang ở mức 55.000 – 56.000 VND/kg.
Về dài hạn, nhu cầu hồi phục cùng với áp lực giá đầu vào giảm sẽ tiếp tục hỗ trợ cho thị trường. Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) dự báo tiêu thụ thịt heo nước ta sẽ ghi nhận mức tăng trưởng hằng năm là khoảng 3,1% trong giai đoạn 2022 – 2023. Công ty tư vấn Fitch Solution cũng dự báo tiêu thụ thịt heo của Việt Nam sẽ tăng 25% trong giai đoạn 2018 – 2026.
Với việc lạm phát hạ nhiệt từ tháng 3, nhu cầu của người tiêu dùng nhiều khả năng sẽ có sự cải thiện rõ rệt. Điều này dự kiến sẽ giúp giá heo hơi tiếp tục có động lực tăng trong nửa cuối năm nay.
Bên cạnh nhu cầu tốt, việc giá nông sản hạ nhiệt từ đầu năm cũng sẽ hỗ trợ ngành, đặc biệt là khi khoảng 75% nguồn cung nguyên liệu thức ăn chăn nuôi của nước ta phụ thuộc vào nhập khẩu. Theo số liệu sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, nước ta đã nhập khẩu 398.603 tấn ngô trong tháng 05, giảm 36% so với tháng trước đó. Lũy kế nhập khẩu ngô trong 5 tháng đầu năm nay của nước ta cũng đang thấp hơn 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong 5 tháng đầu năm nay, nước ta chủ yếu nhập khẩu ngô từ Brazil, chiếm 43% tổng nhập khẩu ngô cả nước. Tiếp theo là Argentina với 28,3%.
Thị phần hộ chăn nuôi rơi mạnh vào tay doanh nghiệp: Từ 70% chỉ còn 20-30%
Ở diễn biến khác, ngành heo đang tự tái cấu trúc cực mạnh sau cơn bĩ cực vừa qua. Trong đó, thị phần từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đang dần rơi vào tay doanh nghiệp niêm yết, dĩ nhiên với những đơn vị có lợi thế về giá thành sản xuất. Nếu trước năm 2019, các hộ nhỏ lẻ chiếm đến 70% chăn nuôi, thì sau dịch tả lợn (ASF) vừa qua, con số này đang giảm mạnh. Số lượng nông hộ tại Việt Nam đã giảm gần gấp 5 lần chỉ còn chưa đến 2 triệu hộ trong 10 năm gần đây.
Đơn cử, riêng địa bàn Đồng Nai, thị phần chăn nuôi nhỏ lẻ chỉ còn khoảng 25-30% giảm mạnh so với mức 70% trước đây, chia sẻ bởi ông Trương Sỹ Bá – Chủ tịch BAF – tại ĐHĐCĐ vừa qua. Chiều ngược lại, doanh nghiệp nói chung và BAF nói riêng đang đón sóng này, tức lấy thị phần từ hộ chăn nuôi nhỏ lẻ.
Đến nay, tổng đàn của BAF ghi nhận vào khoảng 230.000 đầu heo. BAF định hướng tiếp tục mở rộng hệ thống trang trại hiện đại, đưa vào vận hành thêm 9 trại vào cuối năm 2024. Dự kiến tổng đàn BAF sẽ đạt 90.000 heo nái và 2,2 triệu heo thương phẩm, hướng đến lọt Top 3 công ty chăn nuôi.
Về phía HAGL, năm 2023 theo kế hoạch thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên, sẽ duy trì quy mô 10 cụm chuồng trại với công suất 600.000 con heo thịt/năm. Tuỳ thuộc vào tình hình, nếu giá heo tốt lên sẽ thay đổi linh hoạt.