Kể từ khi chính thức ra mắt tại Việt Nam vào năm 2014, Grab đã trở thành một trong những siêu ứng dụng được ưa chuộng hàng đầu, kết nối người dân Việt Nam với hàng loạt dịch vụ tiện ích của nền kinh tế số. Sau một thập kỷ không ngừng mở rộng và phát triển, Grab không chỉ là nền tảng đặt xe mà còn sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại hình dịch vụ như giao đồ ăn, giao hàng, tài chính, và nhiều tiện ích khác.
Chiến lược giúp Grab chinh phục Việt Nam trong 1 thập kỷ
Theo ông Alejandro Osorio – Giám đốc điều hành Grab Việt Nam, một trong những yếu tố quan trọng nhất giúp Grab thành công tại Việt Nam chính là chiến lược “siêu địa phương hóa”. Grab không ngừng điều chỉnh và phát triển các dịch vụ của mình để phù hợp với nhu cầu và thói quen của người dân Việt Nam. Đội ngũ Grab tại Việt Nam thường xuyên thực hiện các chuyến đi thực địa, trực tiếp gặp gỡ người dân, các đối tác và cộng đồng, để nắm bắt và hiểu rõ hơn tâm lý của khách hàng địa phương.
Ông Alejandro Osorio chia sẻ về tầm nhìn và chiến lược của Grab tại thị trường Việt Nam trong tương lai (Ảnh: Grab).
Nhờ chiến lược này, Grab đã phát triển được các dịch vụ đặc trưng như GrabBike, phù hợp với thói quen di chuyển bằng xe máy của người Việt. Các chương trình Grab Ngon Rẻ, GrabBike Tiết kiệm, GrabCar Tiết kiệm cũng ra đời đúng lúc nhu cầu tiết kiệm của người dân tăng cao trong bối cảnh kinh tế khó khăn, giúp Grab duy trì sức hút và đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dùng.
>>Gojek rời cuộc chơi, thị phần gọi xe công nghệ của Việt Nam đang ra sao?
Bên cạnh đó, Grab cũng chú trọng xây dựng một môi trường làm việc bình đẳng, đa dạng và hòa nhập, tạo điều kiện để nhân viên phát huy tối đa khả năng của mình. Với hơn 50% nhân sự là nữ, Grab đạt được sự cân bằng trong cách tiếp cận và quyết định, từ đó mang đến những góc nhìn đa chiều và sáng tạo. Chính điều này đã tạo nên một đội ngũ nhân viên tận tâm và kỹ năng cao, sẵn sàng cống hiến để phục vụ tốt nhất cho người dùng và đối tác.
Năm 2017, Grab còn thành lập trung tâm R&D tại TP.HCM nhằm phát triển tài năng công nghệ trong nước, đồng thời đưa ra các giải pháp sáng tạo phù hợp với thị trường địa phương. Trung tâm này là minh chứng cho cam kết của Grab trong việc nuôi dưỡng nhân tài và phát triển ngành công nghệ tại Việt Nam.
Grab sở hữu hệ sinh thái dịch vụ đa dạng, cung cấp hơn 15 loại hình dịch vụ.
Một lợi thế đặc biệt khác, thường được ví như “chìa khóa” thành công của Grab là hệ sinh thái dịch vụ đa dang, cung cấp hơn 15 loại hình dịch vụ, từ gọi xe, giao đồ ăn, giao hàng, đến dịch vụ tài chính. Điều này giúp người dùng luôn có lý do để quay lại và sử dụng Grab cho các nhu cầu hàng ngày, tạo nên một sự gắn kết bền vững với ứng dụng. Ông Alejandro Osorio tiết lộ rằng, tại bất kỳ thời điểm nào, có hàng trăm thử nghiệm đang được triển khai trên ứng dụng Grab, cho thấy sự đổi mới không ngừng của công ty trong việc mang lại trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng.
>>Vlog CEO Grab đích thân trải nghiệm làm tài xế để kiểm tra ứng dụng, phản ứng của người xem gây bất ngờ
Grab không chỉ dừng lại ở các dịch vụ hiện có, mà còn liên tục cải tiến công nghệ và hệ thống để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dùng. Khả năng phân tích dữ liệu và thấu hiểu thị trường địa phương giúp Grab tối ưu hóa hiệu suất vận hành, rút ngắn thời gian phục vụ và gia tăng sự hài lòng của người dùng.
Tầm nhìn và chiến lược trong tương lai
Grab đặt mục tiêu xây dựng một tương lai nơi tất cả mọi người đều có thể hưởng lợi từ nền kinh tế số. Để đạt được mục tiêu này, Grab đã đặt ra ba trụ cột chiến lược: “Người dân”, “Thành thị”, và “Đổi mới sáng tạo”.
Grab xây dựng chiến lược kinh doanh với ba trụ cột: “Người dân”, “Thành thị”, và “Đổi mới sáng tạo”.
Ở trụ cột đầu tiên là “Người dân”, Grab tập trung vào việc phổ cập kiến thức và kỹ năng số cho đối tác và cộng đồng thông qua các chương trình hợp tác công – tư. Grab cũng cam kết mở rộng phạm vi tiếp cận, phục vụ nhu cầu ngày càng đa dạng của người dùng.
Trong bối cảnh hạ tầng giao thông công cộng tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, đặc biệt khi các tuyến metro đi vào hoạt động, ông Alejandro Osorio nhận định, thói quen di chuyển hàng ngày của người dân sẽ có sự thay đổi. Do đó, Grab xây dựng trụ cột “Thành thị” với mục tiêu tham gia hỗ trợ nhu cầu di chuyển liên kết giữa các tuyến metro và các phương tiện giao thông cá nhân, nhằm mang lại sự tiện lợi tối đa cho người dân khi di chuyển trong các thành phố.
Trụ cột thứ ba là “Đổi mới sáng tạo”, Grab không ngừng đầu tư vào công nghệ, phát triển các giải pháp tiên tiến để phục vụ người dùng tốt hơn. Công ty cũng cam kết mở rộng trung tâm R&D để hỗ trợ sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ tại Việt Nam và nuôi dưỡng tài năng công nghệ trong nước.
>>Grab đang mất thị phần vào các hãng xe Việt
Nguồn tin: https://nguoiquansat.vn/bi-quyet-thanh-cong-dang-sau-hanh-trinh-10-nam-cua-grab-tai-viet-nam-177589.html