Theo đó, HĐXX tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thuận (SN 1974, quê Đồng Nai, cựu Tổng Giám đốc Công ty Phú Việt Tín) 36 tháng tù; Phùng Thanh Sơn (SN 1974, quê Quảng Trị, tạm trú tỉnh Đồng Nai, phụ trách kinh doanh) 30 tháng tù và Đỗ Thị Thùy Trang (SN 1982, quê Đồng Nai, thủ quỹ) 24 tháng tù, đều cho hưởng án treo cùng về tội làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức.
Đổi tội danh đối với các bị cáo
Tại phiên tòa xét xử, đại diện Viện KSND tỉnh Đồng Nai giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Viện KSND cũng đề nghị bị cáo Nguyễn Thuận mức án từ 5-6 năm tù về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”. Cùng tội danh, các bị cáo Phùng Thanh Sơn bị đề nghị mức án từ 30-36 tháng tù cho hưởng án treo và Đào Thị Thùy Trang từ 24-30 tháng tù cho hưởng án treo.
Về việc giảm mức án và đổi tội danh, HĐXX cho rằng việc các bị cáo làm giả 175 hợp đồng để hưởng số tiền chênh lệch gần 6 tỉ đồng nhằm mục đích tìm nguồn kinh phí xây dựng các công trình phúc lợi cho cán bộ, nhân viên.
Đây là hành vi làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức mà cụ thể là làm giả hợp đồng đặt cọc giữa Công ty Phú Việt Tín với khách hàng. Sau khi chiếm được số tiền trên, các bị cáo không bỏ trốn, cũng không cố tình không trả và không sử dụng tài sản vào mục đích bất hợp pháp.
Trong quá trình xét hỏi, bị cáo Nguyễn Thuận thừa nhận được Công ty Cao su Đồng Nai cử sang làm Tổng Giám đốc Công ty Phú Việt Tín từ năm 2009 đến 7-2019 thì chuyển công tác. Thời gian mở bán dự án Khu dân cư A1-C1 (đô thị Dầu Giây ở huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai), Thuận đã chỉ đạo Sơn làm giả chữ ký của 175 hợp đồng khách hàng để hưởng chênh lệch gần 6 tỉ đồng.
Bị cáo Thuận giải thích số tiền này giữ giùm thủ quỹ Trang vì Trang bận công việc. Sau khi chuyển công tác vào tháng 7-2019, Thuận mới đưa cho Sơn chuyển vào tài khoản ngân hàng Công ty Phú Việt Tín.
Đại diện VKSND tham dự phiên tòa hỏi bị cáo Thuận: “Tổng giám đốc giữ giùm tiền cho kế toán có hợp lý không? Tại sao khi đang làm tổng giám đốc không bàn giao lại tiền cho kế toán mà đến khi chuyển công tác mới đưa cho Sơn chuyển trả cho Công ty Phú Việt Tín?. Bị cáo đã chỉ đạo cấp dưới làm giả chữ ký khách hàng, giả hợp đồng và phiếu thu là có mục đích, không thể nói để có lợi cho công ty. Tại sao lúc đầu bị cáo khai số tiền chênh lệch gần 6 tỉ đồng nhưng sau đó đưa cho bị cáo Sơn chuyển trả lại cho Công ty Phú Việt Tín 6,3 tỉ đồng (?!)…”.
Bị cáo Thuận nói số tiền chênh lệch giữ giùm thủ quỹ là tiền phía Công ty Phú Việt Tín hứa thưởng nhưng không có tài liệu để chứng minh. Bị cáo Thuận thừa nhận rao bán 583 nền đất khách đã trả 95% để thu về 467 tỉ đồng. Thuận chuyển vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín 232 tỉ đồng, còn lại 235 tỉ đồng Thuận chuyển vào tài khoản cá nhân rồi gửi tiết kiệm. Sau này, Thuận có trả lại tiền cho công ty.
Khi đại diện Viện KSND hỏi việc bán 583 nền đất đã được Hội đồng thành viên Công ty Phú Việt Tín chấp thuận chưa thì Thuận nói rằng được phía công ty thông báo bằng miệng. Bị cáo Thuận khẳng định không chiếm đoạt tài sản nhưng không đưa ra được chứng cứ hay tài liệu chứng minh việc tự ý mở bán dự án, làm lại hợp đồng với giá thấp hơn thị trường rất nhiều để hưởng tiền chênh lệch…
Bị cáo Sơn lúc đầu không thừa nhận hành vi làm giả chữ ký khách hàng nhưng sau đó thừa nhận và khẳng định được bị cáo Thuận chỉ đạo làm giả. Về số tiền chênh lệch 6,3 tỉ đồng chuyển trả vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín nhiều hơn số tiền mà cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai kết luận, Sơn cho rằng do Sơn tính toán lại tài liệu thấy số tiền chênh lệch nhiều hơn.
Tranh luận căng thẳng giữa các luật sư
Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ quyền và nghĩa vụ cho Công ty Phú Việt Tín, cho biết tháng 6-2018 khi có khách hàng đến công ty yêu cầu đổi lại hợp đồng thì phía Công ty Phú Việt Tín mới biết các hợp đồng mua bán dự án bị làm giả.
Đến tháng 6-2019, Công ty Phú Việt Tín tổ chức cuộc họp thành viên thì Thuận mới thừa nhận làm lại hợp đồng và phiếu thu để hưởng tiền chênh lệch. Tại cuộc họp, Thuận hứa sẽ sớm khắc phục số tiền chênh lệch này cho công ty. Tuy nhiên, đến khi Thuận chuyển công tác vẫn không khắc phục nên Công ty Phú Việt Tín đã làm đơn tố cáo đến Công an tỉnh Đồng Nai. Thuận, Sơn và Trang bị khởi tố bắt tạm giam sau đó cho tại ngoại.
Theo luật sư này thì việc mở bán 583 nền đất là do Thuận tự ý bán, công ty chưa có chủ trương.
Đại diện Công ty Phú Việt Tín còn khẳng định Thuận là Tổng giám đốc nên khi bán dự án đã để tiền ngoài sổ sách rồi tự ý sử dụng mà công ty không hề hay biết. Riêng số tiền 235 tỉ đồng để ngoài sổ sách, sau khi bị công ty phát hiện Thuận mới chuyển trả được 1 phần cho công ty, còn 102 tỉ đồng, Thuận chưa trả.
Tại phiên tòa, Công ty Phú Việt Tín mong TAND tỉnh Đồng Nai xét xử đúng người, đúng tội. Ngoài ra, đại diện công ty này yêu cầu bị cáo Thuận hoàn trả lại số tiền gần 6 tỉ đồng và 102 tỉ đồng đang giữ của công ty.
Công ty Phú Việt Tín cho rằng HĐXX đưa ra mức án dành cho các bị cáo chưa đủ sức răn đe, bỏ qua ý kiến của cơ quan công tố là Viện KSND tỉnh Đồng Nai tại phiên tòa đã đề nghị mức án cho các bị cáo. Đại diện Công ty Phú Việt Tín nói sẽ kháng cáo lại toàn bộ bản án.
Theo cáo trạng, năm 2013, UBND tỉnh Đồng Nai đã có quyết định giao đất cho Công ty Phú Việt Tín để đầu tư xây dựng khu dân cư A1-C1 theo quy hoạch tại xã Bàu Hàm 2, huyện Thống Nhất. Đến năm 2017, Công ty Phú Việt Tín thực hiện giai đoạn 3 với tổng 590 nền đất.
Từ tháng 6-2017 đến 6-2018, Nguyễn Thuận trực tiếp chỉ đạo bán nền đất và ký hợp đồng mua bán với khách hàng hơn 580 nền đất, tổng số tiền hơn 590 tỉ đồng. Trong đó, khách hàng đã đặt cọc tổng cộng gần 467 tỉ đồng.
Nguyễn Thuận đã cho nộp vào tài khoản Công ty Phú Việt Tín hơn 232 tỉ đồng, còn lại hơn 235 tỉ đồng để ngoài sổ sách và Nguyễn Thuận giữ trực tiếp. Sau đó, Nguyễn Thuận cấu kết với Sơn, Trang làm giả hợp đồng, phiếu thu, ký giả chữ ký khách hàng trên 175 hợp đồng và phiếu thu tiền với giá trị thấp hơn số tiền thực thu để chiếm đoạt hơn 6 tỉ đồng.
Nguồn tin: https://cafef.vn/bat-ngo-muc-an-danh-cho-cuu-tong-giam-doc-cong-ty-phu-viet-tin-188240629075226816.chn