CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways, BAV) vừa công bố dự thảo ĐHĐCĐ bất thường, dự kiến thông qua lại phương án phát hành cổ phần nhằm tái cấu trúc khoản vay và phát hành cổ phần cho nhà đầu tư mới.
ĐHĐCĐ bất thường lần 2 của Bamboo Airways sẽ được họp lại vào hôm nay 9/5 sau khi lần trước đã không thông qua được phương án tăng vốn.
Được biết, kế hoạch phát hành mới không thay đổi so với kế hoạch HĐQT đã trình trước đó, tại Đại hội hôm 10/4/2023. Tuy nhiên, do chỉ có 43,5% tán thành nên phương án phát hành cổ phần khi đó đã không được thông qua.
Lúc bấy giờ, theo các cổ đông, Công ty cần có thêm thời gian để bổ sung thông tin, hoàn thiện phương án tăng vốn khả thi nhất cho Bamboo Airways. Sau khi hoàn thiện, phương án tăng vốn sẽ được trình ĐHCĐ thông qua tại cuộc họp gần nhất.
Cụ thể, hãng dự định phát hành 772 triệu cổ phần để hoán đổi các khoản nợ thành cổ phần theo thỏa thuận giữa công ty hàng không này với chủ nợ. Tổng giá trị các khoản nợ được hoán đổi bao gồm lãi và gốc đã phát sinh theo các hồ sơ tín dụng tính đến ngày 10/4.
Giá phát hành dự kiến là 10.000 đồng/cp, tương đương tỷ lệ hoán đổi 1:1, nghĩa là 10.000 đồng nợ hoán đổi được một cổ phần phát hành thêm. HĐQT Bamboo Airways được ủy quyền quyết định danh sách chủ nợ và khoản nợ được hoán đổi cổ phần.
Bên cạnh đó, Bamboo Airways dự định phát hành 185 triệu cổ phần cho nhà đầu tư mới với mức 10.000 đồng/cp, tương ứng giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là 1.850 tỷ đồng.
Như vậy, tổng số cổ phần dự kiến sẽ phát hành là 957 triệu đơn vị. Bamboo Airways hiện có vốn điều lệ 18.500 tỷ đồng, tương đương 1,85 tỷ cổ phần. Nếu thành công, quy mô vốn điều lệ của hãng hàng không này sẽ tăng thêm 51,7%, từ 18.500 tỷ đồng lên mức 28.070 tỷ đồng, vượt qua Vietnam Airlines (22.144 tỷ đồng) để trở thành hãng hàng không có vốn điều lệ lớn nhất Việt Nam.
Thời gian thực hiện trong năm 2023, các cổ phần nói trên sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.
FLC chuyển nhượng toàn bộ cổ phần Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm
Ở diễn biến khác, HĐQT FLC Group cũng đã có nghị quyết chấp thuận thoái vốn khỏi Bamboo Airways theo chủ trương đã được ĐHĐCĐ thông qua và theo tờ trình ngày 5/4 của Tổng giám đốc Công ty.
Sau khi sự vụ của ông Trịnh Văn Quyết, đội ngũ nhân sự cao cấp của Bamboo Airways đã có nhiều biến động. Đáng chú ý là sự xuất hiện của ông Dương Công Minh – nhà sáng lập Him Lam Group và Chủ tịch HĐQT Sacombank trong vai trò Cố vấn cao cấp HĐQT Bamboo Airways.
Hiện, FLC Group đang đầu tư 4.015 tỷ đồng, tương ứng 21,7% vốn của Bamboo Airways. Đến cuối năm 2022, FLC ước tính đã trích lập dự phòng tổn thất 3.642 tỷ đồng cho khoản đầu tư này, tương đương với việc Bamboo Airways có số lỗ lũy kế gần 16.783 tỷ đồng.
Theo Nghị quyết hôm 8/5, FLC sẽ chuyển nhượng hơn 400 triệu cổ phần tại Bamboo Airways cho thành viên HĐQT Lê Thái Sâm, đổi lại là thanh lý toàn bộ nợ. Theo báo cáo tài chính quý 3/2022 của FLC, Công ty đang nợ ông Lê Thái Sâm 621 tỷ đồng.
Đi cùng với việc chuyển nhượng, ông Lê Thái Sâm sẽ tài trợ không hoàn lại cho FLC một khoản tiền để FLC thực hiện các nghĩa vụ tài chính đến hạn và/hoặc giải chấp các tài sản thuộc sở hữu của FLC đang được cầm cố, thế chấp.
FLC thông qua việc ủy quyền toàn bộ và không hủy ngang trong mọi trường hợp quyền cổ đông của FLC tại cuộc họp Đại hội đồng cổ đông Bamboo Airways cho ông Lê Thái Sâm tương ứng với toàn bộ số cổ phần thuộc sở hữu của FLC tại Bamboo Airways.
Ông Sâm tham gia Hội đồng quản trị FLC từ tháng 7/2022 và được FLC giới thiệu là người am hiểu sâu sắc về môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam và có nhiều quan hệ hợp tác với các quỹ đầu tư, các tổ chức, tập đoàn kinh tế lớn. Đến tháng 8/2022, ông Sâm tiếp tục tham gia Hội đồng quản trị Bamboo Airways.
Ít ngày trước, Ngân hàng Quốc dân (NCB) cũng chính thức “lộ diện” là cổ đông lớn nắm giữ 203 triệu cổ phiếu, tương đương 11% vốn của Bamboo Airways khi ngân hàng này lên kế hoạch thoái vốn.