Nửa chừng “thay tướng” vẫn giải ngân 97%
PMU Mỹ Thuận được Bộ GTVT giao làm chủ đầu tư loạt dự án lớn ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long như: Cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ, cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn Cần Thơ – Cà Mau, cầu Rạch Miễu 2…
PMU Mỹ Thuận là một chủ đầu tư mới, vừa được ổn định tổ chức bộ máy và chính thức ra mắt, đi vào hoạt động từ tháng 2/2021. Kết thúc niên độ giải ngân năm 2022, đơn vị này có tỷ lệ giải ngân thấp nhất trong số 10 Ban thuộc Bộ GTVT, với con số khoảng 5.083/5.376 tỷ đồng (đạt 94,6%) – thấp hơn mức tối thiểu (95%) mà Bộ đề ra năm đó.
Gần cuối năm 2023, PMU này vẫn bị Bộ GTVT bêu tên khi chậm tiến độ ở cao tốc Cần Thơ – Cà Mau. Theo thống kê đến hết năm 2023, PMU Mỹ Thuận giải ngân được 11.800 tỷ/12.300 tỷ vốn được giao (đạt 95%).
Ở chiều ngược lại, trong năm 2022, PMU Thăng Long là “ngôi sao giải ngân”, với con số 12.977 tỷ/13.001 tỷ đồng vốn giao – đạt 99,8%. Tuy nhiên, đầu năm 2023, Ban này phải “thay tướng”, vì Giám đốc PMU Thăng Long – ông Dương Viết Roãn bất ngờ viết đơn xin nghỉ hưu trước tuổi. Bộ GTVT buộc phải điều người từ TP.HCM ra Hà Nội thay ông Roãn.
Trao đổi với PLVN , Giám đốc PMU Thăng Long Đinh Công Minh – cho hay: “Năm 2023, Ban được giao số lượng vốn không nhiều – khoảng 9.100 tỷ đồng. Chúng tôi phấn đấu đến hết niên độ giải ngân năm 2023 (31/1/2024) sẽ đạt tỷ lệ 97%”.
Thứ trưởng GTVT Nguyễn Duy Lâm (bìa phải) kiểm tra công trình cầu Mỹ Thuận 2 trước thời điểm khánh thành, đưa vào sử dụng.
Ngoài 2 chủ đầu tư có “hoàn cảnh” riêng về tổ chức bộ máy và người đứng đầu nói trên, các PMU còn lại với nhiều kinh nghiệm các lĩnh vực khác nhau của Bộ GTVT cơ bản duy trì được “phong độ” điều hành, quản lý dự án. Cụ thể PMU đường Hồ Chí Minh, đến cuối năm 2023, giải ngân được 7.000 tỷ/7.486 tỷ đồng – tương đương 93,5%; dự kiến hết tháng 1/2024 chạm mốc 95%.
Ban này, năm vừa rồi đã hoàn thành, đưa vào khai thác gần 150km đường cao tốc thuộc hai Dự án Cam Lộ – La Sơn và BOT Nha Trang – Cam Lâm. Tuy nhiên, Dự án cao tốc Vạn Ninh – Cam Lộ của PMU đường Hồ Chí Minh vẫn đang gặp khó, có nguy cơ ảnh hưởng thứ hạng của Ban trong thời gian tới, bởi tiến độ giải ngân là tiêu chí quan trọng đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ của chủ đầu tư và người đứng đầu Ban.
“Tiền tươi thóc thật” sẽ kích thích được nhà thầu
Ở phía Nam, PMU7 năm rồi “ghi điểm” với cơ quan chủ quản khi đã hoàn thành, đưa vào khai thác công trình cầu Mỹ Thuận 2 vượt sông Tiền. Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2023, tỷ lệ giải ngân của PMU7 đạt 94,6% – tương đương gần 12.000 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Duy Lâm – Thứ trưởng GTVT, người trực tiếp theo dõi, chỉ đạo hai PMU của Bộ này ở khu vực phía Nam – nhận định: “PMU7 làm tới đâu, gọn tới đó”.
Ông Lê Quyết Tiến – Cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ GTVT (thứ 4, phải sang) kiểm tra thực địa Dự án cao tốc Bãi Vọt – Hàm Nghi.
PMU2 – đơn vị “từng trải” với các dự án ODA ngành Giao thông, năm 2023 tham gia quản lý, điều hành và hoàn công một số dự án cao tốc trên trục Bắc – Nam phía Đông, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của Ban.
“Ngoài các dự án đang triển khai, năm rồi, PMU2 đã hoàn thành hơn 43 km cao tốc đoạn QL45 – Nghi Sơn; Đưa vào sử dụng 2/6 cầu thuộc Dự án Cải tạo cầu yếu và cầu kết nối trên các quốc lộ – Giai đoạn 1. Dự kiến, hết niên độ giải ngân năm 2023, PMU2 sẽ đạt 96,5%”, ông Lê Thắng – Giám đốc PMU2 trao đổi với PLVN .
Có được kết quả tương đối tốt như trên, lãnh đạo PMU2 cho biết, năm qua tập thể lãnh đạo Ban phải sâu sát ở hiện trường, xử lý kịp thời những vướng mắc của nhà thầu, phối hợp với địa phương. “Điều quan trọng nữa là phải xử lý thật nhanh thủ tục giải ngân cho nhà thầu khi đã có đủ đề nghị thanh toán hợp lệ”, Giám đốc Thắng nói, đồng thời khẳng định đó là động lực để các nhà thầu có trách nhiệm, làm ngày, làm đêm trên công trường.
Đối với nhóm PMU ít được dư luận chú ý như các PMU Hàng hải, Đường thủy và Đường sắt – năm rồi việc “tiêu” tiền ra sao?
Theo Thứ trưởng GTVT Nguyễn Danh Huy, đối với lĩnh vực đường sắt, thời gian qua gặp khá nhiều khó khăn, nguồn vốn đầu tư thấp. Tuy vậy, năm 2023, PMU Đường sắt hoàn thành giải ngân được 2.126 tỷ/2.147 tỷ đồng được giao – đạt 97,8%…
Khó khăn nhất vẫn là PMU các dự án đường thủy – vốn giao năm 2023 gần 2.000 tỷ, trong đó phần cho giải phóng mặt bằng khoảng 1.200 tỷ, số còn lại là xây lắp. Tới thời điểm này, tỷ lệ giải ngân của Ban chỉ đạt 90,5% – thấp nhất trong số các Ban thuộc Bộ.
“Dự án cụm công trình kênh nối Đáy – Ninh Cơ (Nam Định) hoàn thành tháng 6/2023. Công trình kênh Chợ Gạo (Tiền Giang) đã hoàn thành và đang làm thủ tục bàn giao cho địa phương. Tại 2 dự án này, chúng tôi phải trả lại vốn cho WB và ngân sách hơn 100 tỷ. Nếu tính cả con số này, thì tỷ lệ giải ngân có cao hơn”, ông Dương Thanh Hưng – Giám đốc PMU các dự án đường thủy nói.
Được biết, tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của Bộ GTVT, Bộ trưởng Bộ Nguyễn Văn Thắng cho hay, đến tháng 12/2023, ước giải ngân của Bộ này đạt khoảng 90% kế hoạch, và dự kiến đến hết niên độ sẽ giải ngân sẽ đạt trên 95%.
Nguồn tin: https://cafef.vn/ai-doi-so-ai-ngoi-sao-giai-ngan-dau-tu-cong-o-bo-giao-thong-1882401180937118.chn