Mới đây, Tập đoàn Vingroup (HoSE: VIC) tổ chức đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023. Tại đây, ông Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vingroup đã có những chia sẻ liên quan tới đơn vị sản xuất xe điện của tập đoàn – VinFast.
Cổ đông đặt câu hỏi về việc liệu VinFast cho các hãng xe điện khác dùng chung trạm sạc xe điện của mình hay không. Ông Phạm Nhật Vượng đã trả lời: “Chúng tôi xác định chiến lược rõ ràng là sau 10 năm nữa sẽ cho các hãng xe khác dùng chung sạc. Hiện tại, không có lý do gì bỏ ra 500 – 700 triệu USD để xây dựng các hạ tầng mà lại cho các đối thủ dùng chung. Điều đó không đúng”.
Trong video được đăng tải trên kênh YouTube chính thức, VinFast cũng từng làm rõ các vấn đề liên quan tới trạm sạc.
Hãng nêu ra 9 điều cần lưu ý khi sạc xe tại trạm sạc VinFast, trong đó có thông tin là “Khách hàng sử dụng xe VinFast mới được phép sạc tại trạm sạc của VinFast”. Như vậy, trạm sạc xe điện VinFast chỉ cho xe điện của hãng này sử dụng.
VinFast còn đưa ra một số lưu ý khác như khách hàng không được phép kéo dây từ trụ sạc ra bên ngoài phạm vi khoang đỗ đã được thiết kế, khách hàng chỉ sạc xe khi đèn led trên trụ sạc có màu xanh lá cây và màn hình trụ sạc ở trạng thái HOME, khách hàng không được di chuyển xe khi súng sạc vẫn đang cắm vào xe…
Cũng mới đây, tờ Straits Times (Singapore) cho rằng, đến cuối năm 2024, người dùng xe điện (EV) có thể di chuyển khoảng 5.000 km qua năm quốc gia ở Đông Nam Á bằng cách truy cập mạng lưới các trạm sạc bằng một ứng dụng điện thoại thông minh.
Cụ thể, công ty Charge+ có trụ sở tại Singapore đã công bố kế hoạch xây dựng 45 trạm sạc tốc độ cao kết nối Singapore, Malaysia, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Chúng dự định được đặt dọc theo đường cao tốc và trong các thành phố ở các quốc gia trên.
Theo công bố này, 18 địa điểm đầu tiên do Charge+ sở hữu và vận hành sẽ đi vào hoạt động vào cuối năm 2024. Chúng được lên kế hoạch đặt tại Singapore, Kuala Lumpur (Malaysia), Bangkok (Thái Lan), Phnom Penh (Campuchia), Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Còn 27 địa điểm kế tiếp là sự kết hợp của những địa điểm thuộc sở hữu của Charge+ và các đối tác, sẽ sẵn sàng đưa vào sử dụng từ cuối năm 2025.
Người lái xe có thể sử dụng các trạm ở cả năm quốc gia thông qua ứng dụng điện thoại thông minh Charge+ để thanh toán cho dịch vụ sạc xe điện.
Ứng dụng này sẽ có thể xử lý nhiều loại tiền tệ khác nhau của các quốc gia khác nhau và sẽ có đầy đủ chức năng để phục vụ làn sóng trạm sạc đầu tiên khi chúng được đưa vào sử dụng.
Công ty này đã công bố kế hoạch của mình cho mạng lưới sạc xe điện rộng khắp tại hội nghị thượng đỉnh Future Mobility Asia hàng năm kéo dài ba ngày, bắt đầu vào giữa tuần này tại Bangkok.
Tờ báo nêu thêm, sạc dùng cho xe điện sẽ nhanh hơn. Trong khi phần lớn các bộ sạc sẽ được đánh giá ở mức 120 kW, một số sẽ thậm chí còn nhanh hơn, ở mức gần 300 kW.
Cắm Tesla Model 3 EV vào trạm sạc nhanh 120kW trong 30 phút, dự kiến sẽ tăng thêm phạm vi hoạt động từ 250km đến 300km.
Ong Tze Boon, Chủ tịch Charge+, đã mô tả kế hoạch mới nhất nhằm kết nối 5 quốc gia với bộ sạc EV của họ là “một cột mốc chiến lược khác trong hành trình Charge+ trở thành đối tác sạc EV có tác động thực sự trong khu vực này”.
Theo kế hoạch, Charge+ có mạng lưới phân thành 4 chặng. 700km đầu tiên bao gồm các trạm ở Singapore, Yong Peng, Ayer Keroh, Simpang Ampat, Bangi và Kuala Lumpur.
Chặng thứ hai dài 1.500km nối Penang với Bangkok với các trạm sạc ở Juru, Phuket, Thap Sakae và Bangkok.
Tuyến Bangkok đến Thành phố Hồ Chí Minh là chặng thứ ba. Trải dài 1.100 km, đặt các trạm ở Pattaya, Rayong, Sihanoukville, Phnom Penh và Thành phố Hồ Chí Minh.
Chặng cuối là tuyến cao tốc ven biển Bắc Nam dài 1.700 km, có các trạm tại Phan Thiết, Đà Nẵng và Hà Nội.
Charge+ lên kế hoạch cho khoảng cách giữa hai trạm sạc liên tiếp là khoảng 120km.