Để gã khổng lồ Apple biến Ấn Độ trở thành trung tâm sản xuất chính ngoài Trung Quốc còn phụ thuộc vào cách nước này và các nhà đầu tư nước ngoài giải quyết một vấn đề hiện hữu.
Ở Trung Quốc, hàng trăm triệu lao động di cư đóng một vai trò quan trọng trong việc đưa đất nước trở thành “công xưởng của thế giới”. Các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài kỳ vọng rằng Ấn Độ sẽ nổi lên như một trung tâm sản xuất nhưng vẫn còn phải chờ xem liệu công nhân có sẵn sàng rời bỏ nhà cửa và gia đình để dành phần lớn thời gian cho công việc và sống trong ký túc xá.
Một người thân cận với Foxconn – nhà sản xuất iPhone lớn nhất của Apple cho biết: “Khi chúng tôi bắt đầu sản xuất ở Thâm Quyến, Trung Quốc, tất cả công nhân đều đến từ nơi xa, vì vậy cần phải xây dựng chỗ ở cho họ ngay từ đầu. Ở Ấn Độ, cho đến nay, doanh nghiệp vẫn chủ yếu sử dụng xe bus để đưa đón công nhân từ quê ra nhà máy. Nhưng khi quy mô sản xuất mở rộng thì cách thức này không còn bền vững nữa”.
Vấn đề chỗ ở cho người lao động đặc biệt cấp bách vì vai trò của phụ nữ trong ngành điện tử. Họ chiếm phần lớn lực lượng lao động trong lĩnh vực điện tử tại các trung tâm sản xuất lâu đời như Trung Quốc và Việt Nam – nơi mà ký túc xá của công nhân là vấn đề trọng tâm của các công ty, bên cạnh các vấn đề pháp lý như thuế quan và luật lao động.
Ấn Độ có ít phụ nữ làm việc tại nhà máy hơn hầu hết các nước châu Á khác vì các vấn đề an toàn khi đi lại và những cái nhìn không mấy thiện cảm đối với công việc của phụ nữ.
Radhicka Kapur, giáo sư tại Hội đồng Nghiên cứu Quan hệ Kinh tế Quốc tế Ấn Độ, cho biết: “Rất nhiều quy tắc về văn hóa và xã hội đã hạn chế phụ nữ làm việc trong ngành công nghiệp”.
Khi Apple và Foxconn chuyển nhiều hoạt động sản xuất sang miền nam Ấn Độ, các doanh nghiệp và quan chức địa phương đang lên kế hoạch xây dựng các ký túc có sức chứa hàng chục nghìn giường.
Tại trung tâm công nghiệp điện tử của Ấn Độ Tamil Nadu – nơi Foxconn đặt nhà máy lắp ráp iPhone cho Apple, một cơ quan chính phủ đang xây dựng nhiều khu nhà để đáp ứng chỗ ở cho khoảng 18.000 phụ nữ, các quan chức địa phương nói với Financial Times. Theo nguồn tin thân cận với Foxconn, nhà cung ứng của Apple dự kiến sẽ sử dụng toàn bộ chỗ ở này và hoàn thành việc xây dựng một ký túc xá khác ở Tamil Nadu trong những tháng tới với sức chứa khoảng 20.000 công nhân.
Tại bang Karnataka – nơi Foxconn đã động thổ một nhà máy khác, chính quyền địa phương đã đề ra dự thảo chính sách hỗ trợ và xây dựng ký túc xá. Bộ trưởng Công nghệ Thông tin của bang là Priyank Kharge cho biết: “Các nhà đầu tư đang xem xét chính sách và sẽ đưa ra phản hồi cho chính quyền bang”.
Vị bộ trưởng cho biết Karnataka đang hướng tới mục tiêu đảm bảo “tạo việc làm thông suốt cho người dân” và các giải pháp giúp giảm thời gian di chuyển đến nơi làm việc của người lao động.
Ở Telangana – một trong những bang tạo điều kiện nhất cho doanh nghiệp, chính quyền địa phương cho phép các nhà đầu tư dành 20% diện tích đất nơi họ đang xây dựng nhà máy để làm ký túc xá, giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí mua thêm đất.
Foxconn cũng đang xây dựng một nhà máy sản xuất AirPod không dây của Apple thông qua công ty con FIT từ năm tới. Nhà máy nằm tại Kongara Kalan gần sân bay Hyderabad, dự kiến sẽ bao gồm một ký túc xá.
Kế hoạch xây dựng thêm nhà ở cho công nhân của Foxconn ở Ấn Độ cho thấy việc mở rộng hoạt động tại quốc gia đông dân nhất thế giới và những rào cản tiềm ẩn phía trước. Tính đến tháng 6, tổng số nhân viên của công ty ở Ấn Độ chỉ là 50.000, so với 700.000 đến 1 triệu nhân viên ở Trung Quốc.
Hôm thứ Hai, Foxconn cho biết họ sẽ chi khoảng 128 tỷ Rs (1,5 tỷ USD) để tăng công suất nhà máy ở Ấn Độ. Tuy nhiên, một số nhà quan sát trong ngành tỏ ra hoài nghi về khả năng Apple và các nhà cung ứng của mình có thể mở rộng quy mô ở Ấn Độ, một phần vì những thách thức xung quanh chỗ ở cho người lao động và đảm bảo việc làm cho phụ nữ.
Các giám đốc điều hành tại Foxconn và các nhà sản xuất theo hợp đồng khác của Đài Loan (Trung Quốc) đã nhiều lần nói rằng sẽ khó mà nhân rộng được mô hình sản xuất hàng loạt mà họ đã áp dụng tại Trung Quốc ở Ấn Độ, chủ yếu là do công nhân ít sẵn sàng rời xa gia đình và sống trong ký túc xá.
Một giám đốc điều hành tại Pegatron, một nhà cung cứng iPhone khác, nhận xét: “Nói chung, người dân Ấn Độ muốn đi làm ở nhà và khi ca làm việc kết thúc, họ sẽ về nhà và ăn tối với gia đình. Điều này giới hạn quy mô của các nhà máy chỉ ở mức vài chục nghìn lao động.”
Nguồn: FT