Để tuân thủ quy định hiện hành đối với công ty đại chúng, HĐQT VNG cũng đã bỏ phiếu thông qua việc miễn nhiệm chức vụ Tổng giám đốc đối với ông Lê Hồng Minh. Ông Lê Hồng Minh tiếp tục điều hành các hoạt động chung của VNG với tư cách là Chủ Tịch HĐQT và đại diện pháp luật.
Trước đó, ông Võ Sỹ Nhân được bổ nhiệm làm Chủ tịch HĐQT VNG từ tháng 12/2022. Ông hiện đang là Giám đốc điều hành Empire City, đồng sáng lập kiêm CEO quỹ GAW NP Capital.
Thực tế, việc đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT của ông Võ Sỹ Nhân chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2023, sau khi ông Lê Hồng Minh được miễn nhiệm để đảm nhận chức vụ Tổng Giám đốc. Như vậy sau gần 2 năm rời ghế nóng, ông Minh đã trở lại vị trí Chủ tịch HĐQT VNG.
VNG – một trong những công ty công nghệ hàng đầu tại Việt Nam – cũng đang là tâm điểm của sự chú ý trong thời gian gần đây. Đặc biệt khi nhìn vào cấu trúc sở hữu và những động thái gần đây của các cổ đông lớn.
Ai thực sự đứng sau VNG?
Theo các dữ liệu công khai cập nhật đến ngày 28/11 /2022, VNG và các nhà đầu tư đã tiến hành tái cấu trúc sở hữu, dẫn đến chỉ còn ba cổ đông lớn.
VNG Limited (49%); Công ty cổ phần Công nghệ BigV (24,4%); Các cổ đông khác (26,6%), bao gồm cả nhà sáng lập Lê Hồng Minh, người sở hữu 9,8% cố phần tại VNG. Trong đó, tâm điểm là hai cổ đông lớn nhất của VNG khi đó là VNG Limited và BigV.
Về VNG Limited, doanh nghiệp này mới được thành lập ngày 1/4/2022 tại Cayman Islands – thiên đường thuế và cũng là địa điểm phổ biến để thành lập các công ty holding. Liên quan đến VNG Limited, theo giới quan sát, có hai điểm đáng chú ý có thể nhắc đến.
Thứ nhất , danh sách cổ đông của VNG Limited có 13 cổ đông chính, bao gồm những cái tên lớn trong làng tài chính toàn cầu như Tenacious Bulldog Holding Limited, Prosperous Prince Enterprises Limited, và Gamevest Pre.Ltd. Theo đó, cổ đông lớn của VNG Limited chính là những “ông lớn” công nghệ, tài chính có ảnh hưởng lớn trên toàn cầu như Tencent, Mirae Asset và GIC.
Thứ hai , sự dịch chuyển tỷ lệ sở hữu tại VNG khi các cổ đông lớn đã cùng nhau chuyển phần sở hữu của mình vào VNG Limited. Theo đó, các cổ đông lớn tại VNG có thể không có ý định thoái vốn mà đang hợp nhất các lợi ích.
Theo báo cáo, tổng số cổ phần mà VNG Limited và những người liên quan nắm giữ lên tới 62,84%, trong đó VNG Limited chiếm 49% và người có liên quan, bao gồm các ông Lê Hồng Minh và Vương Quang Khải chiếm 13,84%.
Theo giới quan sát, việc các nhà sáng lập của VNG tại Việt Nam cũng có những mối liên hệ trực tiếp với VNG Limited và sở hữu một phần trong công ty này có thể nằm trong quá trình thực hiện chiến lược dịch chuyển quyền sở hữu sang một công ty bình phong tại nước ngoài (công ty Offshore) ở Cayman Islands nhằm tối ưu hóa quyền sở hữu và linh hoạt trong việc quản lý tài chính, đặc biệt là khi các doanh nghiệp có kế hoạch niêm yết trên sàn quốc tế.
Về cổ đông lớn thứ hai tại VNG là BigV, vừa qua, trong một động thái liên quan, các cổ đông VNG Corporation cũng đã phê duyệt cho Big V mua lại cổ phiếu quỹ của VNG với mức giá thấp hơn cả giá gốc (177.881 đồng/cổ phiếu). Đây cũng là một đông thái cho thấy các nhà đầu tư đang tái cơ cấu việc sở hữu của mình chứ không đơn thuần chỉ là giao dịch mua – bán.
Nhìn chung, qua những diễn biến trên cho thấy, VNG và các nhà đầu tư lớn đang tái cấu trúc lại tỷ lệ sở hữu chứ không hẳn là có kế hoạch thoái vốn. Theo đó, các nhà đầu tư nước ngoài như Tencent, Mirae Asset, và GIC hiện đang hợp tác với các nhà sáng lập của VNG, bao gồm ông Lê Hồng Minh, để chuyển phần lớn quyền sở hữu về VNG Limited. Đây có thể là một chiến lược tập trung hóa quyền sở hữu nhằm tối ưu hóa việc quản lý tài sản và tạo ra sự linh hoạt cho các kế hoạch phát triển trong tương lai.
Theo giới đầu tư, đây là một hoạt động rất là bình thường, tuy nhiên, vẫn cần tiếp tục được tìm lời giải khi quyết định xuống tiền mua cổ phiếu của VNG là động cơ nào khiến cho các nhà sáng lập của Việt Nam này chuyển phần sở hữu của mình ra nước ngoài và tại sao các nhà đầu tư nước ngoài lại tổng hợp các sở hữu của mình về VNG Limited?
Theo một số dự đoán cho rằng VNG đang có kế hoạch niêm yết VNG Limited tại Mỹ và việc niêm yết này sẽ được tiến hành trơn tru hơn thông qua mô hình SPAC đang rất phổ biến ở nước ngoài.
Hồ sơ niêm yết tại Hoa Kỳ cho thấy VNG Limited nắm 49% cổ phần trực tiếp, 21,3% cổ phần gián tiếp tại VNG
Năm 2023, hồ sơ gửi cho Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Hoa Kỳ (SEC) cho thấy VNG Limited nắm 49% cổ phần trực tiếp và sở hữu gián tiếp 21,3% cổ phần VNG Corporation thông qua công ty Công nghệ BigV. Như vậy, VNG Limited nắm hơn 70% cổ phần tại VNG Corporation tại thời điểm đó.
Cụ thể, tại VNG Limited, ông Lê Hồng Minh – Sáng lập kiêm CEO VNG, sở hữu 12,27% vốn và ông Vương Quang Khải – Phó Tổng Giám đốc thường trực nắm 4,99% vốn.
Bên cạnh đó, một số tập đoàn lớn như Tencent, Ant Group (Trung Quốc) và hai quỹ đầu tư của Singapore là GIC và Seletar Investments cũng nắm quyền biểu quyết tại VNG Limited.
Cụ thể, cổ phiếu phiếu lưu hành của VNG Limited chia làm hai loại, gồm cổ phiếu phổ thông loại A (Class A) và cổ phiếu phổ thông loại B (Class B). Với một cổ phiếu loại A, người nắm giữ sẽ có một quyền biểu quyết. Trong khi, một cổ phiếu loại B sẽ có 10 quyền biểu quyết. Cổ phiếu loại A không có quyền quy đổi thành loại B và ngược lại.
Hai loại cổ phiếu này được phát hành cho hai nhóm cổ đông riêng biệt là các cổ đông nước ngoài và ban lãnh đạo của VNG Limited. Hai cổ đông sáng lập là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải lần lượt sở hữu 12,6 và 1,68 triệu cổ phiếu loại B, tương ứng với tỷ lệ quyền biểu quyết tại VNG Limited là 45% và 6%. Như vậy, nhóm cổ đông sáng lập nắm toàn bộ cổ phiếu loại B và sở hữu 51% lượt biểu quyết.
Ông lớn công nghệ Tencent sở hữu hơn 65 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng quyền biểu quyết là 23,2%. Phần sở hữu của Tencent bao gồm 43 triệu cổ phiếu của Tenacious Bulldog Holdings Limited, 14,5 triệu cổ phiếu Prosperous Prince Enterprises Limited và hơn 7,5 triệu cổ phiếu sẽ phát hành nếu VNG Limited hoàn tất IPO.
Tenacious Bulldog và Prosperous Prince Enterprises là hai pháp nhân thuộc quyền kiểm soát của Tencent và có trụ sở tại British Virgin Islands, từng xuất hiện trong danh sách cổ đông lớn tại VNG năm 2018.
Theo hồ sơ gửi SEC, VNG Limited cho biết cả hai công ty này đều thuộc quyền kiểm soát của Tencent Holdings.
Các cổ đông ngoại khác của VNG Limited gồm GIC, thông qua Gamvest Pte nắm giữu 15,2 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 5,4% quyền biểu quyết và Ant Group, thông qua Ant International Technologies, sở hữu 7,77 triệu cổ phiếu loại A, tương ứng 2,8% quyền biểu quyết. Quỹ đầu tư Temasek thông qua Seletar Invesments nắm 9,4 triệu cổ phiếu loại A, tương đương 3,4% quyền biểu quyết. Gamvest Pte và Ant Group – từng thuộc sở hữu của Jack Ma.
Dựa vào cơ cấu trên có thể thấy ngoài nhóm sáng lập là ông Lê Hồng Minh và ông Vương Quang Khải, Tencent là cổ đông ngoại duy nhất có tỷ lệ biểu quyết lớn nhất tại VNG Limited – đơn vị kiểm soát VNG Corporation.
Hồ sơ gửi SEC cho thấy Tencent không chỉ là cổ đông nắm quyền biểu quyết tại VNG Limited mà còn thể hiện mối quan hệ kinh doanh chặt chẽ giữa hai công ty.
Thực tế cho thấy, VNG là đơn vị phát hành các trò chơi trực tuyến tại Việt Nam và thị trường Đông Nam Á với các tựa game như PUBG Mobile, Võ Lâm Truyền Kỳ, Liên Minh Huyền Thoại… Đa phần trong số những trò chơi nổi tiếng được VNG phát hành đến từ nhà phát triển Tencent Games.
Theo đó, mảng phát hành game đóng góp lần lượt 80% và 92% doanh thu VNG. Riêng các trò chơi do Tencent và Kingsoft phát triển đã đóng góp lần lượt 30,6%, 40,7% và 29,4% vào tổng doanh thu của VNG qua các năm 2020, 2021 và 2022.
Ở chiều ngược lại, VNG cũng đã chi số tiền khủng để trả bản quyền cho các nhà phát triển, lần lượt 1.214,9 tỷ đồng, 1.818,4 tỷ đồng và 1.520,4 tỷ đồng trong các năm 2020, 2021 và 2022.
Tại Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 diễn ra vào ngày 21/6/2024, cổ đông của VNG đã đặt vấn đề việc VNG khóa tỷ lệ sở hữu nước ngoài ở mức 47,93% là không thuyết phục, vì quy định pháp luật đề ra mức tối đa 49%, miễn là không vượt mức tối đa đó thì doanh nghiệp hoàn toàn tuân thủ, vì sao phải đua ra một tỷ lệ thấp hơn.
Trả lời câu hỏi trên, lãnh đạp VNG cho biết, tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa theo luật quy định là 49% là đúng. Khi doanh nghiệp phát hành thêm cổ phần ESOP sẽ làm giảm tỷ lệ này xuống, tạo ra việc hở “room” và có thể khiến Nhà đầu tư nước ngoài mua thêm cổ phần nhằm gia tăng sở hữu. Tuy nhiên để đảm bảo sự quản trị hiệu quả của Công ty đối với tỷ lệ sở hữu nước ngoài, lãnh đạo VNG đề nghị khóa tỷ lệ này lại tại mức 47,93% để Nhà đầu tư nước ngoài không mua thêm cổ phần.
Theo lãnh đạo VNG, việc này nhằm đảm bảo quản trị doanh nghiệp trong tình hình hiện tại và trong tương lai khi các điều kiện cho phép sẽ trình ĐHĐCĐ về việc gia tăng tỷ lệ sở hữu nước ngoài trở lại.
Bức tranh kinh doanh của VNG trong 9 tháng đầu năm
Theo BCTC do doanh nghiệp công bố, 9 tháng đầu năm 2024, VNG ghi nhận doanh thu lũy kế đạt gần 7 ngàn, lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh sau điều chỉnh đạt 202 tỷ đồng. Tuy nhiên, Công ty vẫn đang lỗ ròng hơn 505 tỷ đồng, dù chỉ bằng 1/3 mức lỗ tại cùng kỳ năm ngoái. Đóng góp Ngân sách Nhà nước hơn sau 9 tháng đạt 700 tỷ đồng.
Trên thị trường chứng khoán, cập nhật đến 10h22 phiên sáng ngày 26/11, cổ phiếu VNZ gần như “tắt thanh khoản” khi mưới chỉ có 800 cổ phiếu được giao dịch dù thị giá tăng nhẹ lên 370.100 đồng/cp.
Đến nay, dù đã rơi tới 46% giá trị kể từ đỉnh đầu năm nhưng hiện tại VNZ vẫn đang giữ vững vị thế “ngôi vương thị giá” trên cả 3 sàn.
Nguồn tin: https://genk.vn/tu-viec-ong-le-hong-minh-tro-lai-ghe-chu-tich-hdqt-nhin-lai-su-dich-chuyen-so-huu-tai-vng-voi-diem-nhan-la-nhom-co-dong-ngoai-tencent-gic-20241127073103857.chn