Nếu như bạn là một người yêu công nghệ và được sống trong những năm 90 của thế kỷ trước, chắc chắn sẽ nhớ đến những bộ bàn phím cổ điển với tông màu trắng, xám đã ‘đi vào huyền thoại’, lấy ví dụ đơn cử là chiếc IBM Model M. Bước tới 2024, đây vẫn trở thành nguồn cảm hứng cho Lofree phát triển nên bộ đôi bàn phím Block và chuột Touch mà chúng ta có ở đây.
Mặc dù có kiểu dáng ‘đã 40 năm tuổi’, nhưng bộ đôi này vẫn hoàn toàn có những công nghệ của thời điểm hiện nay, một sự kết hợp khá thú vị mà ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn trong bài viết ngày hôm nay.
Hộp của Block và Touch được làm bằng các-tông với phần bọc ngoài ghi tên sản phẩm và một vài hình họa trang trí.
“Back to classics” hay “Trở lại với những thứ cổ điển” là slogan của bộ sản phẩm này.
Ta sẽ cùng ‘đập hộp’ chiếc bàn phím Lofree Block trước, với phụ kiện trong hộp có dây kết nối USB Type-C.
Thiết kế của Lofree Block như đã đề cập thì được lấy ý tưởng từ những bộ bàn phím thế hệ cũ từ những năm 80, 90 của Thế kỷ trước, với tông màu trắng và xám nhạt đầy tính ‘hoài cổ’. Phím có kích thước 95%, tức là chỉ loại bỏ 1 vài nút trên bàn phím Full-size để đưa gần cụm Numpad và cụm chữ gần nhau hơn, giảm kích cỡ về chiều ngang.
Layout phím với đầy đủ cả cụm Numpad, hàng Function và phím điều hướng như thế này sẽ phù hợp với tất cả nhu cầu sử dụng của mọi người, không bị thiếu phím và thường xuyên phải sử dụng tổ hợp phím như những loại phím có kích thước nhỏ hơn.
Điểm nhấn ở mặt trên của Lofree Block là 2 núm vặn với màu cam rất nổi bật trên nền xám. Ta có 1 núm để chuyển giữa các chế độ kết nối (Block có thể dùng ở chế độ có dây, dongle 2.4GHz và Bluetooth), và 1 vòng để chỉnh âm lượng.
Nhìn tổng thể thì cổ điển, nhưng khi ‘soi’ kỹ hơn vào bề mặt phím ta cũng tìm thấy những điểm mới mẻ, hiện đại. Ta có một dải đèn nhỏ ở phía trên cụm điều hướng để báo hiệu tình trạng pin, tình trạng kết nối; trên những keycap cũng có các chi tiết thiết kế như phím “Backspace” (xóa) in slogan “Back To Classics” hay phím “Enter” có hình núm vặn.
Phím cũng được trang bị đèn nền màu trắng, trên thực tế thì hơi ngả sang màu vàng ấm chứ không trắng hoàn toàn. Màu đèn này rất hợp với kiểu thiết kế cổ điển của phím, và cũng có lẽ là lý do tại sao hãng không trang bị đèn đổi màu RGB.
Chuyển tới mặt sau, ta có cổng USB và nút gạt bật tắt ở cạnh phải.
Góc trái là nơi để ‘giấu’ dongle 2.4GHz.
Kiểu thiết kế của khe cắm dongle nhìn khá tinh tế, trông rất tiệp với toàn bộ bàn phím nên trong lần sử dụng đầu tiên chúng tôi cũng… tìm một lúc mới thấy.
Kiểu thiết kế hoài cổ và đơn giản vẫn được tiếp nối ở mặt dưới.
Chỉ duy nhất có phần chân dựng của phím được tô màu cam để trở nên nổi bật, cùng với đó là hình dáng cũng khác biệt so với chân dựng của những bàn phím khác.
Trở lại với mặt trên để trải nghiệm cảm giác gõ của phím! Lofree Block có cái tên như vậy vì sử dụng switch TTC Block, một loại switch được làm hoàn toàn bằng vật liệu nhựa POM có độ ma sát thấp, từ đó tạo độ mượt khi nhấn xuống. Trên thực tế, bàn phím cho cảm giác rõ êm, hành trình phím sâu vì là switch thông thường (không phải low-profile) và âm thanh cũng không quá lớn.
Switch thậm chí còn được sơn màu trắng ngà rất giống với bàn phím, nên tháo keycap ra ta vẫn thấy ‘hợp tông’! Lofree Block là bàn phím có thể hot-swap, nên nếu không cảm thấy hợp với switch TTC Block ta có thể ‘nhổ’ ra và thay bằng loại khác.
Keycap của phím được làm bằng nhựa PBT chống bóng, dù ‘không có cửa’ khi so về độ dày với những bộ bàn phím cổ như IBM Model M nhưng không hề tệ so với tiêu chuẩn hiện nay.
Cũng với ‘mô típ’ hoài cổ, nhưng con chuột Lofree Touch thậm chí còn có thiết kế độc đáo hơn. Sự đặc biệt này chỉ cần nhìn qua bạn cũng có thể nhận ra được luôn: 2 nút nhấn chuột của Touch nhìn giống như những phím bấm dài trên bàn phím, nổi lên so với thân chuột.
Một điểm hay khác, đó là chuột được hoàn thiện bằng nhựa PBT giống với keycap của bàn phím, có khả năng chống món, chống bóng vì dầu trên tay tốt hơn so với nhựa ABS.
Ở dưới nút phải ta còn có một màn hình nhỏ, dùng để hiển thị lượng pin còn lại của chuột cũng như DPI.
Ở cạnh dưới ta sẽ có gạt bật tắt, nơi gắn dongle 2.4GHz cũng như mắt đọc của cảm biến. Chuột Lofree Touch sử dụng cảm biến PAW 3805 với mức DPI cao nhất là 4000, sử dụng được ở cả những bề mặt trong suốt như kính.
Trở lại với thiết kế chung của Lofree Touch, ta có một chuột dành cho người thuận tay phải với 2 nút Back / Forward mà một phần ‘cánh’ nhỏ để giữ ngón cái. Một điểm chúng tôi nhận ra đó là chuột và phím lại có dây kết nối nhìn khác nhau, nên nếu dùng cả cặp thì nên ưu tiên dùng dạng không dây, vừa đỡ ‘vướng víu’ vừa đẹp hơn.
Soundtest bộ đôi phím – chuột Lofree Block & Touch
Cũng đã được trải nghiệm một vài sản phẩm trước đây của Lofree, chúng tôi đánh giá đây là bộ đôi được thiết kế, hoàn thiện tỉ mỉ nhất. Tuy vậy trên thực tế vẫn không tránh khỏi cảm giác hơi ‘đồ chơi’, có thể là từ chính cách pha màu cũng như được hoàn thiện hoàn toàn bằng nhựa. Kiểu dáng có thể lấy cảm hứng từ những bộ bàn phím ‘cổ’, nhưng độ ‘nồi đồng cối đá’ thì không thể so sánh được!
Sản phẩm trải nghiệm được cung cấp bởi Lucas Combo
Nguồn tin: https://genk.vn/trai-nghiem-lofree-touch-va-block-bo-doi-phim-chuot-voi-tinh-nang-hien-dai-nhung-ve-ngoai-40-nam-tuoi-20240108153602374.chn