Một nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Tobacco Control cảnh báo: Thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử có thể tự đưa mình vào nguy cơ nhiễm độc kim loại nặng, trong đó có chì và uranium, hai chất độc lắng đọng trong hệ thống xương, gây tổn hại cho sự phát triển của não bộ và cả nội tạng.
Kết luận này được rút ra sau khi các nhà khoa học xét nghiệm nước tiểu của 200 thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 13-17, có thói quen hút thuốc lá điện tử ở mức độ nhẹ (1-5 ngày/tháng), mức độ vừa (6-19 ngày/tháng) và mức độ nặng (trên 20 ngày trong 1 tháng).
Phân tích thành phần nước tiểu cho thấy những ai hút thuốc lá điện tử ở mức độ vừa có nồng độ chì và uranium phát hiện được trong nước tiểu cao hơn 30% so với nhóm hút ở mức độ nhẹ. Ở nhóm thanh thiểu niên hút thuốc lá điện tử ở tần suất nặng, nồng độ chì và uranium thậm chí còn cao hơn gần gấp đôi.
“Hút thuốc lá điện tử trong giai đoạn sớm của cuộc đời có thể làm tăng nguy cơ phơi nhiễm kim loại nặng, gây thiệt hại cho sự phát triển của não và nhiều cơ quan khác trong cơ thể”, các nhà nghiên cứu viết.
“Chúng ta nên có luật kiểm soát thuốc lá điện tử để bảo vệ giới trẻ khỏi nguy cơ bị nghiện và phơi nhiễm kim loại”.
Hơi thuốc lá điện tử: Không vô hại như sự tan biến của nó trong không khí
Được phát minh vào năm 2003 tại Trung Quốc, thuốc lá điện tử là một loại hình hút thuốc hoàn toàn mới, liên quan đến các thiết bị điện tử có thể đốt nóng để hóa hơi chất lỏng bên trong đó, tạo ra một “đám mây” hơi nước dễ dàng được hấp thụ vào phổi và tan biến nhanh trong không khí.
Vì sản phẩm hấp thụ là “hơi” chứ không phải “khói”, thuốc lá điện tử thường tạo ra một cảm giác “an toàn” cho người sử dụng và cả những người xung quanh họ, rằng đám mây hơi nước mà nó tạo ra gần như vô hại sau khi chúng tan biến rất nhanh trong không khí.
Đặc điểm này cũng được các nhà tiếp thị sản phẩm thuốc lá điện tử nhắm tới và thường xuyên sử dụng để truyền đi thông điệp: Thuốc lá điện tử là một hình thức thay thế an toàn hơn so với thuốc lá điếu truyền thống.
Người nghiện thuốc lá điếu có thể chuyển sang thuốc lá điện tử để cai nghiện. Và giới trẻ, có thể bắt đầu hút thuốc lá điện tử mà không gặp phải những vấn đề sức khỏe như thế hệ cha ông của họ gặp phải khi hút thuốc lá điếu.
Hệ quả là trong mắt của giới trẻ, thuốc lá điện tử là một thứ gì đó không những an toàn, văn minh mà còn rất sành điệu.
Một khảo sát tại Mỹ năm 2016 cho thấy có khoảng 11% học sinh trung học đã từng sử dụng thuốc lá điện tử. Con số tăng chóng mặt lên 28% vào năm 2019. Các nhà nghiên cứu ước tính có khoảng 1 triệu thanh thiếu niên ở Mỹ đang sử dụng thuốc lá điện tử hàng ngày.
Điều đó có nghĩa là cứ 17 học sinh trung học thì có 1 học sinh “làm bạn” với thuốc lá điện tử. Cứ mỗi lớp thì có 2 học sinh cùng nhau hút chúng. Điều này khiến cho một nửa số học sinh bậc trung học bị phơi nhiễm với hơi thuốc lá điện tử thụ động, ở những địa điểm công cộng trong nhà hoặc ngoài trời.
Hiệp hội Các bác sĩ phẫu thuật Hoa Kỳ gọi xu hướng sử dụng thuốc lá điện tử của giới trẻ bây giờ là một “đại dịch” sức khỏe cộng đồng. Các nhà khoa học lo ngại nó có thể đập tan những thành tựu sau nhiều thập niên vận động chống lại tác hại của thuốc lá truyền thống.
“Chúng ta đang gần như chấm dứt được nạn dịch thuốc lá trong thế hệ trước, thì bây giờ lại có một thế hệ trẻ sử dụng thuốc lá điện tử mà không biết đến tác hại lâu dài của các thiết bị này“, Meghan Buran, phó giáo sư tại Trường Y tế Cộng đồng Đại học Colorado cho biết.
“Ngày nay, ai cũng có thể thấy lũ trẻ hút thuốc lá điện tử, trong công viên, tại các buổi hòa nhạc và thậm chí hành lang trường học. Một vài năm trước, việc hút bất cứ thứ gì nhả ra khói đều bị phản đối. Nhưng bây giờ, việc gọi sản phẩm của thuốc lá điện tử là hơi lại khiến nó được giới trẻ chấp nhận về mặt xã hội”.
Có gì trong hơi thuốc lá điện tử: Chất độc, kim loại nặng và cả phóng xạ
Đọc thành phần của một dung dịch thuốc lá điện tử, bạn sẽ thấy nhà sản xuất chỉ ghi trên bao bì của họ các hợp chất chính như: glycerin thực vật, propylene glycol, nicotine và hương liệu.
Nicotine được điều chế từ lá của cây thuốc lá, để thỏa mãn cơn nghiện thuốc lá của bạn. Glycerin thực vật thì là thứ tạo ra “đám mây khói” và propylene glycol thì để giữ ẩm cho hỗn hợp, chống nó bị đông đặc lại. Cuối cùng là hương liệu, thứ tạo ra mùi và hương vị cho sản phẩm, từ bạc hà, mùi hoa quả cho đến những hương vị hấp dẫn giới trẻ như trà chanh, trà sữa.
Tất cả các hóa chất và hương liệu này, ngoại trừ nicotine, đều được cấp phép để sử dụng an toàn trong ngành công nghiệp thực phẩm. Ví dụ như bạn có thể tìm thấy glycerin trong thạch, propylene glycol trong phô mai và hương liệu thì bất kỳ loại bánh kẹo hay thực phẩm đóng gói nào cũng có thể có.
Vì vậy, nhìn bề ngoài thì thành phần của thuốc lá điện tử có thể rất an toàn. Nó giống với một gói thạch rau câu mà trẻ em cũng có thể ăn được. Nhưng điểm khác biệt cơ bản nằm ở chỗ, bạn không đốt những viên thạch, trong khi với dung dịch thuốc lá điện tử thì có.
Thay vì sấy khô lá thuốc, cuộn thành điếu và đốt bằng lửa, thuốc lá điện tử sử dụng những thiết bị có pin sạc, chuyển đổi điện năng thành nhiệt năng để làm nóng một cuộn dây xoắn ốc lên tới khoảng 100-250 độ C.
Trong quá trình gia nhiệt đó, dung dịch thuốc lá sẽ được bơm qua cuộn dây để hóa thành dạng hơi (aeresol). Người hút sẽ hít hơi này để thưởng thức cũng như nhận được hiệu quả từ nicotine mà nó mang lại.
Các nghiên cứu chỉ ra quá trình đốt nóng dung dịch thuốc lá điện tử có thể tạo ra một loạt hợp chất gây hại như:
– Formaldehyde (chất dùng để ướp xác)
– Acetaldehyde (một chất sinh ra trong quá trình chuyển hóa rượu, gây ra cảm giác say và nôn nao)
– Acrolein (từng được sử dụng như một chất diệt cỏ và vũ khí hóa học trong chiến tranh thế giới thứ nhất)
– Diacetyl (một chất hóa học có mùi bơ của bỏng ngô, và cũng có thể khiến các phế nang của phổi nở bung ra như bỏng ngô trong một căn bệnh viêm phế quản tắc nghẽn gọi là “bệnh phổi bỏng ngô”)
– Benzaldehyde (một chất cấm gây ức chế đường thở và có thể gây ra hiệu ứng suy giảm miễn dịch)
– Diethylene glycol (một hóa chất độc hại được sử dụng trong chất chống đông có liên quan đến bệnh phổi)
– Benzen (một hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOC) được tìm thấy trong khí thải ô tô)
– Các hạt nano siêu mịn (có thể được hít sâu và xâm nhập vào tế bào phổi để gây hại)
Nguy cơ nhiễm kim loại nặng và chất phóng xạ từ thuốc lá điện tử
Đó là phát hiện mới từ nghiên cứu đăng trên tạp chí Tobacco Control, trong đó, các nhà khoa học đến từ Đại học Nebraska, Hoa Kỳ đã tìm thấy các chỉ dấu sinh học của chì và uranium, sau khi xét nghiệm nước tiểu của một mẫu 200 thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử.
Nghiên cứu này nằm trong một dự án có tên gọi tắt là PATH (Population Assessment of Tobacco and Health – Đánh giá Thực trạng Sử dụng Thuốc lá và Sức khỏe Dân số) được thực hiện từ năm 2011 tại Mỹ.
Tác giả chính của nghiên cứu, tiến sĩ Hongying Daisy Dai, đến từ Trung tâm Y tế Đại học Nebraska cho biết có một tín hiệu tích cực trong những năm gần đây khi tỷ lệ học sinh trung học sử dụng thuốc lá điện tử đã giảm từ 14,1% vào năm 2022 xuống 10% vào năm 2023.
Tuy nhiên, trong nhóm học sinh còn sử dụng thuốc lá điện tử, tần suất sử dụng của những thanh thiếu niên này là thứ đáng báo động.
Cụ thể, nghiên cứu tìm thấy 32% thanh thiếu niên hút thuốc lá điện tử ở mức độ nhẹ (được tính là 1-5 ngày/tháng), 22,5% hút thuốc lá điện tử ở mức độ vừa (từ 6-19 ngày/tháng) và tới 40,5% sử dụng thuốc lá điện tử ở mức độ nặng (trên 20 ngày mỗi tháng).
Tần suất hút thuốc lá điện tử trong ngày cũng tăng dần từ nhóm nhẹ đến nhóm vừa và nhóm nặng, trong khoảng 1 lần hút/ngày, lên 8 lần hút và nặng nhất là 27 lần hút/24 giờ.
Xét nghiệm nước tiểu của nhóm hút thuốc lá điện tử nặng cho thấy nhóm này bị phơi nhiễm với nồng độ chì cao hơn gần gấp đôi so với nhóm hút ở mức nhẹ. Con số với nhóm hút ở mức độ trung bình là 30%.
Trong khi đó, nhóm hút thuốc lá điện tử nặng thường xuyên sử dụng tinh dầu tạo hương vị còn có mức độ phơi nhiễm uranium – kim loại nặng thứ hai trong bảng tuần hoàn và có tính chất phóng xạ – cao gấp 1,8 lần nhóm sử dụng thuốc lá điện tử có vị bạc hà.
Tiến sĩ Lion Shahab, một giáo sư tâm lý học sức khỏe tại Đại học College London và cho biết: “Đây là một nghiên cứu được tiến hành tốt, nhấn mạnh sự cần thiết phải theo dõi cẩn thận mức độ phơi nhiễm ở những người sử dụng thuốc lá điện tử và nhấn mạnh thực tế rằng thuốc lá điện tử không phải là không có rủi ro”.
Nhiều nghiên cứu trước đây cũng đã phát hiện ra một loạt kim loại nặng và chất phóng xạ có thể có trong thuốc lá điện tử bao gồm: Asen, cadimi, niken, crom thậm chí cả polonium-210.
Nguồn tạo ra các chất gây hại này đến từ chính cuộn dây đốt nóng của thiết bị thuốc lá điện tử, hoặc dung dịch hóa hơi của chúng.
Các nhà nghiên cứu cảnh báo nhiều kim loại nặng có thể xâm nhập vào máu của người hút thuốc lá điện tử qua phổi, sau đó tích tụ lại tại các nội tạng như gan, thận và đặc biệt trong xương để gây ra tác hại. Chì có thể tác động đến não bộ và ảnh hưởng đến quá trình phát triển của thanh thiếu niên.
Uranium thì có thể tích tụ ở phổi trong nhiều năm, đồng thời xâm nhập vào xương nếu không bị đào thải thành công khỏi cơ thể.
Mặc dù nghiên cứu mới của Đại học Nebraska chưa thể đánh giá mức độ phơi nhiễm kim loại nặng và chất phóng xạ với thanh thiếu niên, nhưng các tác giả nghiên cứu nhấn mạnh:
“Ngay cả ở nồng độ thấp, chúng cũng có thể gây ra các tác động bất lợi với sức khỏe, ảnh hưởng đến chức năng tim mạch, chức năng thận, nhận thức và tâm thần của thanh thiếu niên”.
“Không có hình thức tiêu thụ thuốc lá nào là an toàn đối với thanh thiếu niên. Các bậc cha mẹ và phụ huynh nên nhận thức được tác hại của việc sử dụng thuốc lá điện tử và khuyên con em mình từ bỏ hình thức hút thuốc lá này”, tiến sĩ Daisy Dai cho biết.
Tham khảo Sciencealert, BMJ, CNN, CDC
Nguồn tin: https://genk.vn/canh-bao-tim-thay-chi-va-uranium-trong-200-mau-nuoc-tieu-cua-thanh-thieu-nien-hut-thuoc-la-dien-tu-20240502190012169.chn