Những smartwatch hiện nay thật hiện đại, có thể cung cấp những thông số sức khỏe cần thiết cho hơn 100 những bộ môn thể dục, thể thao khác nhau. Nhưng quá trình phát triển tính năng theo dõi này không chỉ đơn giản là những dòng code của nhà phát triển tích hợp vào, mà là sự nghiên cứu trực tiếp từng bộ môn để biết được chính xác những người chơi bộ môn đó cần gì.
Với Huawei, mô hình này được ‘đúc kết’ thành một trung tâm nghiên cứu sức khỏe, thể thao tại thành phố Đông Quản. Trung tâm này được mở cửa cho khách tham quan từ 2021 và là nơi nghiên cứu về vấn đề sức khỏe, thể thao lớn nhất của Huawei với diện tích lên tới 4680㎡.
Việc Huawei đầu tư một cách nghiêm túc vào việc nghiên cứu các bộ môn thể thao cũng là điều dễ hiểu, vì họ là một thương hiệu rất mạnh về mảng vòng tay, đồng hồ thông minh. Theo báo cáo của Huawei, họ đang là nhà sản xuất đứng thứ 3 về các thiết bị đeo tay và số 1 về sản phẩm bán ra tại Trung Quốc.
Không gian của Huawei Health Lab được xây dựng theo kiến trúc mở, xung quanh tòa nhà vẫn có từng phòng nhỏ riêng cho từng bộ môn khác nhau nhưng ở giữa vẫn là một không gian lớn.
Tại sảnh chính có 2 sân cầu lông lớn và một bàn để chơi bộ môn bóng bàn.
Mục đích của cơ sở này là như đã đề cập, đó là nghiên cứu những thông số cần đo của từng bộ môn để tích hợp chúng vào các thiết bị đeo tay, cũng như có sự so sánh trực tiếp với các thiết bị chuyên dụng để đánh giá sự chính xác.
Như ở phòng đầu tiên nghiên cứu về bộ môn chạy bộ, đáp xe có một băng chuyền rất lớn, có cả camera để theo dõi chuyển động của người tập.
Hệ thống này được kết nối với máy tính, với các thông số đo được bao gồm độ dốc, thời gian đã chạy, quãng đường, tốc độ hiện tại và tốc độ trung bình. Trong bộ môn chạy, smartwatch Huawei cũng dùng để đo nhịp tim, lượng Oxy trong máu để đánh giá cường độ luyện tập nữa.
Bên cạnh đó, đường pit chạy xung quanh trung tâm nghiên cứu cũng được trang bị những cảm biến để đo đạc các thông số chạy khác bao gồm độ dài sải chân, nhịp độ đảo chân và lực khi đạp xuống đất. Với những bạn chạy để gia tăng sức khỏe thì những thông số này không quá quan trọng, nhưng lại là các thông số thiết yếu với những vận động viên chuyên nghiệp.
Các công nghệ này dùng để phát triển Huawei S-Tag, một sản phẩm theo dõi chạy, đạp xe có thể gắn lên dây giày hoặc ở hông. Đây là một sản phẩm khá hay nhưng đáng tiếc là không được bán tại thị trường Việt Nam.
Tại khu vực này có khá nhiều máy chạy cũng như xe đạp cố định, dùng để đo chỉ số VO2 Max (lượng Oxy cao nhất mà mỗi người có thể sử dụng), lượng calo tiêu tốn khi đang luyện tập. Tính tới 2021, phòng Health Lab đã ghi nhận tổng cộng 192500 km chạy trên các thiết bị (tương đương 4.5 lần chạy quanh thế giới), thu thập những chi số để hoàn thiện tính năng chạy trên các thiết bị đeo tay của họ.
Phòng chơi golf có sân cỏ nhân tạo, màn hình mô phỏng sân golf cũng như hệ thống camera để theo dõi chuyển động khi vung gậy của người dùng. Tính năng theo dõi bộ môn golf đang được Huawei bổ sung trên các dòng smartwatch mới của mình như chiếc Huawei Watch Ultimate mà chúng tôi được trải nghiệm khoảng 4 tháng trước chẳng hạn.
Một số bộ môn khác cũng đang được nghiên cứu tại Health Lab bao gồm bóng rổ, leo núi, tập tạ, bắn súng, bơi, đua thuyền và yoga. Dù không được trải nghiệm trực tiếp nhưng chúng tôi được biết thì tại đây có một phòng tập riêng dành cho việc mô phỏng độ cao, có thể tái tạo được không khí của nơi cao 6000m trên mặt nước biển, với số tiền đầu tư lên tới 3 triệu Nhân dân Tệ (10.5 tỷ Đồng).
Nguồn tin: https://genk.vn/tham-quan-phong-nghien-cuu-the-thao-rong-toi-4680-day-hien-dai-cua-huawei-tai-dong-quan-trung-quoc-20240514161200378.chn